Học sinh Sài Gòn “vắt chân lên cổ” kiểm tra học kì để kịp tránh dịch

07/05/2021 06:52
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ trong vòng một tuần lễ nhưng học sinh bậc phổ thông phải kiểm tra hàng chục môn khiến các em đuối sức vì quá tải.

Ngày 5/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết đã nhận được thông tin có hai trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19 tại Campuchia.

Một người cư trú tại đường Trần Quý, phường 4, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, truy vết những địa điểm mà ca bệnh sinh sống tại quận 11 từng ghé qua, đồng thời thực hiện vệ sinh khử khuẩn nơi ở của người này.

Gấp rút kiểm tra học kì

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 5/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 1294/SGDĐT-VP gửi các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn kiểm tra học kì 2 và hoàn tất chương trình năm học 2020-2021.

Theo đó, văn bản có những nội dung chính như sau:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh kế hoạch và kết thúc kiểm tra định kì học kì 2 với hình thức bài kiểm tra trực tiếp tại lớp, tại trường trước ngày 9/5/2021.

Thứ hai, nhà trường căn cứ Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để áp dụng thêm các hình thức kiểm tra định kì (bài thực hành, dự án học tập (nếu có) để thay thế, giảm áp lực cho học sinh do điều chỉnh thời hạn hoàn thành kiểm tra đánh giá (thời hạn hoàn thành trước 15/5/2021).

Thứ ba, điều chỉnh kế hoạch dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học qua Internet để hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học 2020-2021.

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Học sinh “vắt chân lên cổ” kiểm tra cho kịp tiến độ

Trước thời điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều trường đã linh hoạt cho học sinh kiểm tra một số môn ít tiết như Tin học, Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân,… để tránh quá tải.

Theo dự kiến, học sinh sẽ được tổ chức kiểm tra tập trung các môn nhiều tiết như Toán, Vật lí, Hóa học, Ngoại ngữ,… từ ngày 3 đến ngày 15/5.

Tuy nhiên, ngay sau khi có chỉ đạo từ Sở Giáo dục, tất cả các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã gấp rút điều chỉnh kế hoạch để kết thúc kiểm tra định kì học kì 2 trước ngày 9/5.

Như thế, từ ngày 3 đến ngày 8/5 (thứ Bảy), học sinh bậc phổ thông phải kiểm tra khoảng trên dưới 10 môn học, dẫn đến quá tải, nhiều em than Trời.

Một học sinh bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhận được tin nhắn đột ngột từ giáo viên chủ nhiệm nên em phải tranh thủ học ngày học đêm, cố gắng tranh thủ học được chừng nào hay chừng đó.

“Con biết dịch bệnh nhưng nhà trường cũng nên kéo dài thời gian ra một chút chứ! Con phải học hàng loạt môn mà môn nào thầy cô cũng cho quá trời nội dung ôn tập. Xong đợt kiểm tra này chắc con xỉu mất”, em học sinh than thở.

Có nhất thiết phải dồn kiểm tra trong thời gian ngắn?

Các loại kiểm tra, đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2020-2021 được quy định tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011.

Theo đó, các loại kiểm tra, đánh giá được sửa đổi bao gồm: kiểm tra, đánh giá thường xuyên; kiểm tra, đánh giá định kì (giữa kì và cuối kì), bài thực hành, dự án học tập (phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện).

Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành.

Trở lại với việc kiểm tra học kì ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục yêu cầu học sinh các cấp phải kiểm tra trong một thời gian khiến các em dễ bị áp lực về tâm lí.

Từ đó có thể dẫn đến kết quả làm bài bị ảnh hưởng, nhất là học sinh ở những lớp cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh (lớp 9) và thi tốt nghiệp (lớp 12).

Theo quy định, điểm kiểm tra học kì 2 được nhân hệ số 3, quyết định phần lớn điểm trung bình cả năm, nếu học sinh lớp 12 bị điểm thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào đại học theo phương thức xét điểm học bạ.

Chưa kể, học sinh phải hoàn thành kiểm tra học kì trong một thời gian ngắn nên nhiều trường sẽ giới hạn lại nội dung ôn tập theo hướng giảm tải.

Như thế, cho dù học sinh đạt được điểm cao ở kì kiểm tra nhưng việc đánh giá thiếu thực chất, khó định lượng chất lượng học tập.

Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường cô đã có thông báo cho giáo viên bộ môn yêu cầu giảm bớt phạm vi kiến thức cho học sinh.

“Thầy cô chủ động giảm bớt nội dung ở đề cương ôn tập sao cho gọn nhẹ nhất. Nội dung kiểm tra làm sao phải để học sinh đạt tối thiểu từ 5 đến 6 điểm”, cô giáo dẫn thông báo thêm.

Ngoài ra, sau thời điểm 9/5 thì học sinh phải học online để hoàn tất nội dung chương trình chưa được dạy. Cùng với đó, học sinh cũng phải kiểm tra online để lấy một số cột điểm hệ số 1 nữa nên rất vất vả, mệt mỏi, căng thẳng.

Một phụ huynh có con học bậc tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, “học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 thì không cần phải kiểm tra học kì 2, nên cho các cháu kết thúc luôn chương trình.

Thầy cô có thể lấy điểm số của học kì 1 và giữa học kì 2 cộng lại chia trung bình là đảm bảo các con được lên lớp. Làm được điều này, chúng ta sẽ giảm tải được rất nhiều thời gian và công sức cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh nữa”.

Thầy Lê Văn Quyết, giáo viên giảng dạy một trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, lẽ ra nên cho học sinh lớp 12 kiểm tra đến ngày 15/5 (kéo dài thêm 1 tuần), bởi đa số học sinh trường thầy ở nội trú, không về nhà, không đi ra ngoài nên đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Đề xuất của thầy giáo hoàn toàn hợp lí, bởi đã có địa phương kéo dài kì kiểm tra học kì đến giữa tháng 5. Cụ thể, ngày 6/5, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các trường hoàn thành việc kiểm tra học kỳ 2 trước ngày 15/5/2021.

Với học sinh lớp 12 thì dạy đủ chương trình, ôn tập kiến thức trọng tâm nhằm đảm bảo kiến thức cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, việc tổ chức dạy học có thể tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong trường hợp học sinh không thể đến trường do tình hình dịch bệnh, các đơn vị chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến”.

Có thể nhận thấy, trước 9/5 là học sinh các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất kiểm tra học kì, sau đó việc học vẫn được duy trì theo hình thức học trực tuyến. Thế nhưng, việc kiểm tra học kì bị dồn như thế này rõ ràng gây quá tải cho học sinh, phụ huynh cũng không tránh khỏi lo lắng còn giáo viên cũng rất vất vả.

Dẫu biết rằng dịch bệnh là nguy hiểm, nhất là với học sinh nhỏ tuổi, nhưng nếu Sở Giáo dục bình tĩnh, tính toán kĩ hơn nữa thì vẫn còn phương án tối ưu hơn. Và có lẽ đây cũng là bài học để các tỉnh thành khác xử trí khi mà dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp ở phía trước.

Tài liệu tham khảo:

[1] //tuoitre.vn/tp-hcm-truy-vet-lien-quan-nguoi-viet-nam-test-nhanh-duong-tinh-tai-campuchia-20210505190224588.htm

[2] //hcm.edu.vn/chuyen-muc/ve-huong-dan-to-chuc-kiem-tra-hoc-ky-2-va-hoan-tat-chuong-trinh-nam-hoc-2020-20-cmobile39776-66583.aspx?

[3] //thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/31026/cac-loai-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-thcs-thpt-nam-hoc-2020-2021?

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dong-nai-yeu-cau-cac-truong-hoan-thanh-kiem-tra-hoc-ky-2-truoc-15-5-post217551.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương