Ngày 6/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Trong buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước, cho nên yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin có đôi điều về “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhìn từ việc kiểm tra học kì, các kì thi và dạy học online ở Thành phố Hồ Chí Minh những mong góp thêm một tiếng nói mang tính xây dựng chung cho ngành giáo dục.
Dĩ nhiên, tôi chỉ bàn về những điều mắt thấy tai nghe (chứ không phải “vơ đũa cả nắm”), để bạn đọc không phải tranh cãi trái chiều bài viết thành kiến.
Dạy học trực tuyến có hiệu quả không? (Ảnh: Giaoduc.net.vn) |
Kiểm tra cuối kì theo kiểu học thuộc lòng
Cứ đến kì kiểm tra định kì, cuối kì là giáo viên bộ môn đều phát đề cương cho học sinh. Mùa dịch năm nay, nhìn chung đề cương của các môn mỏng hơn, vì giáo viên giới hạn nội dung ôn tập cũng ít hơn so với học kì 1 và năm trước.
Vậy là, học sinh cứ thế mà học thuộc lòng, môn xã hội đã đành nhưng môn tự nhiên cũng thế. Trên lớp, trò học thuộc bài trả cho thầy, nếu chưa đạt thì về nhà học tiếp rồi trả cho cha, mẹ, anh, chị.
Đành rằng có những phạm vi kiến thức cần phải học thuộc như công thức, mốc sự kiện… Nhưng học sinh phải học cả văn mẫu để phục vụ cho kì kiểm tra, kì thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp thì rất kì lạ.
Môn Toán, Vật lí, Hóa học, giáo viên cũng cho học sinh làm đi làm lại đến thuộc bài mới thôi. Đến khi kiểm tra định kì, học kì, giáo viên ra đề chỉ việc thay số, học sinh ai cũng làm được bài nên mừng ra mặt.
Vậy nên, tôi từng gặp nhiều học sinh có điểm thi tuyển sinh 9 lên 10 môn Ngữ văn trên 8 điểm (điểm giỏi), nhưng khi vào học lớp 10 thì những em này chỉ ở mức trung bình. Hỏi chuyện mới biết, có em học trúng tủ, thuộc luôn cả bài văn mẫu mấy trang giấy nên điểm mới cao như thế.
Ở các trường tư thục, thời điểm này học sinh lớp 12 phải vào trường để giáo viên dò bài, chừng nào thuộc mới cho về. Với môn Ngữ văn, học sinh phải học thuộc lòng hàng chục tác phẩm phẩm văn học mà không cần phải luyện tập viết văn, hành văn.
Lẽ ra, soạn đề cương là công việc của học sinh. Các em soạn bài dựa trên câu hỏi của giáo viên, sau đó thầy cô góp ý, chỉnh sửa để hoàn thiện bài học một cách tốt nhất. Nhưng công đoạn này, nhiều thầy cô đã làm thay cho học sinh nên các em rất thụ động.
Cách dạy và học như thế này, học sinh sinh sau kì kiểm tra, kì thi thì kiến thức cũng chẳng đọng lại là bao. Hơn nữa, đây là cách học khiến học sinh nhàm chán, mất khả năng tư duy, sáng tạo nhưng bao lâu nay vẫn thế.
Nhiều giáo viên dạy online mang tính đối phó
Ngày 5/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 1294/SGDĐT-VP gửi các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn kiểm tra học kì 2 và hoàn tất chương trình năm học 2020-2021.
Văn bản chỉ đạo, các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh kế hoạch và kết thúc kiểm tra định kì học kì 2 với hình thức bài kiểm tra trực tiếp tại lớp, tại trường trước ngày 9/5/2021.
Cùng với đó, nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học qua Internet để hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học 2020-2021.
Theo chỉ đạo này, các bậc học ở Thành phố Hồ Chí Minh đều hoàn tất kiểm tra học trì trước ngày 9/5. Học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở tham gia học online đến hết ngày 22/5. Còn bậc trung học phổ thông (lớp 10, 11) thì kết thúc học online sau ngày 15/1. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, học sinh các bậc học của trường tư thục phải học online đến hết ngày 29/5.
Chuyện dạy học online trong mùa dịch cho đến nay đã quá quen thuộc với thầy trò. Tuy nhiên, việc dạy học online sau khi học sinh đã kết thúc kiểm tra cuối năm chủ yếu là đối phó.
Tôi có con đang học bậc trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhận thấy, điều tôi đang nói là hoàn toàn có cơ sở.
Tuần học từ ngày 17 đến ngày 22/5, các cháu hầu như được giáo viên bộ môn giao bài tập về nhà chứ không trực tiếp dạy học online. Điều đáng nói là, có giáo viên sao chép hoàn toàn bài tập trên Internet nên các cháu cũng làm đối phó bằng cách tìm bài giải trên mạng rồi nộp lại cho thầy cô.
Việc dạy học online ở bậc trung học phổ thông sau kì kiểm tra cũng chẳng khá hơn, nhiều giáo viên chỉ giao bài tập cho học sinh mà không hề sửa bài, chấm bài.
Vì sao có tình trạng này?
Về phía giáo viên, phải dạy đủ số tiết quy định/tuần thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Thầy cô thực thi mệnh lệnh hành chính của cấp trên, từ Sở, Phòng, rồi thủ trưởng đơn vị nên cũng chỉ dạy cho xong việc.
Riêng giáo viên ở trường tư thục thì dạy online nghiêm túc nhưng học sinh học thế nào cũng rất khó định lượng chất lượng, vì không kiểm tra đánh giá. Trường tư thục thu học phí của phụ huynh hết tháng 5, nên giáo viên phải dạy theo theo hợp đồng để còn nhận đủ lương.
Về phía học sinh, các em rất sợ bị đánh giá về hạnh kiểm cuối năm nên đều làm bài theo yêu cầu của giáo viên. Nhưng như đã chứng minh, học sinh học online đa phần là đối phó với thầy cô, cha mẹ - nghĩa là mang tính ép buộc chứ không phải học để có kiến thức, kĩ năng.
Nhìn chung, nếu không thay đổi cách dạy và học, không thay đổi hình thức kiểm tra, thi cử thì “học thật, thi thật, nhân tài thật” vẫn là bài toán nan giải.
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nganh-giao-duc-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-20210506194216744.htm
[2] //hcm.edu.vn/chuyen-muc/ve-huong-dan-to-chuc-kiem-tra-hoc-ky-2-va-hoan-tat-chuong-trinh-nam-hoc-2020-20-cmobile39776-66583.aspx?
* Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của tác giả.