Cô giáo Hoàng Thị Thêu, Giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang) đã tâm sự với chúng tôi những điều như thế.
Chưa nói đến học sinh ở thành phố, ở những vùng dân trí, kinh tế khá hơn 1 chút là các thầy các cô cũng có đôi lời chúc 20/11 an ủi cho nghề, ở điểm trường sâu trong cao nguyên đá này, lời chúc ấy với các cô quá xa vời.
Năm nay, tròn 10 năm đi dạy, cũng là tròn 10 năm cô Thêu gieo neo trên những điểm trường heo hút xa xôi.
Những lớp học vẫn được các cô duy trì trên những triền đá của vùng cao hun hút này.
Cô giáo Thêu có 10 năm đi hết các điểm trường của Sủng Trái, rồi về Sủng Tùa được 3 năm.
Điểm trường Mầm non và tiểu học nơi cô giáo Hoàng Thị Thêu công tác. Ảnh: LC |
Nhiều học sinh của cô đã nên vợ nên chồng và sắp tới, có lẽ con cái chúng sẽ lại trở thành học trò của cô giáo mà cha, mẹ chúng từng học.
Các em ở đây đi học theo nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều em lớn rồi nhưng đúp lại.
Các em học sinh người dân tộc H’mông ở đây rất lễ phép, rất thương cô giáo nhưng chẳng bao giờ có lấy một lời chúc một bó hoa tri ân các cô giáo.
Niềm vui với nghề của các cô là đồng nghiệp, là gia đình chúc mừng mình cũng là tốt lắm rồi.
Nói về ngày nhà giáo ở thành phố, ở thị trấn, cô Thêu bảo "làm sao mà so được ạ, mỗi nơi mỗi khác mà, mình phải chấp nhận hoàn cảnh của mình thôi ạ".
Cảnh cô giáo vùng cao tủi thân là thế nhưng cô Thêu từng nói với chúng tôi, chẳng bao giờ cô Thêu khóc vì tủi thân bởi theo cô, “khóc cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì vì đây là lựa chọn của mình”.
“Khi em biết mình sẽ về Sủng Trái, nghe nói trong này rất thiếu nước, điện thì chỉ ở trường chính mới có, nhưng em vẫn quyết tâm theo nghề của mình, nghề đã đưa mình đến đây thì mình cũng cố gắng phù hợp với hoàn cảnh mà vươn lên thôi”, cô Thêu tâm sự.
Phụ huynh của cô Thêu đưa con đi học trong những ngày giá rét. Ở Sủng Tùa, những hình ảnh này không khó để bắt gặp. Ảnh: NVCC |
Cô Thêu bảo, các em ngoan, lễ phép dù thành người lớn, lên vợ, lên chồng nhưng vẫn nhớ đến cô giáo là các các cô vui rồi.
Ở điểm trường, học sinh khó khăn hơn điểm chính rất nhiều. Ở Sủng Trái, vùng đất nằm trên mỏm đá heo hút trên cánh đồng…toàn đá, do vậy, các em học sinh ở điểm trường đi học cả ngày ăn cơm trưa tại trường.
Lúc đó các cô là người nấu cơm.
Chúng tôi cần tôn sư trọng đạo cả năm đâu cần sự tôn vinh của một ngày? |
Miền đá mùa này lạnh, các cô cũng chuẩn bị sẵn vai trò làm y sĩ. Trong túi của các cô cơ man là thuốc, bông băng, những thứ bệnh thông thường cần ứng cứu là các cô chủ động luôn.
“Em vẫn nói với phụ huynh rằng nếu ốm nhẹ thì vẫn cứ đến, đến các cô khắc cho uống thuốc. Còn nếu ốm quá thì sẽ có y tế của trường vào chăm sóc các em”, cô Thêu nói về học sinh của mình.
Những câu chuyện xa xăm từ những điểm trường cứ gợi về cho các cô, những ngày lên núi tìm cây trang trí cho điểm trường ngã xước hết cả cây, những buổi tự sửa chỗ ở… cứ thế ùa về.
Trải qua những ngày gian khó ấy các cô đã trở thành quen và bây giờ đã thành những kỷ niệm đầy hài hước của cô giáo vùng cao.
Thật khó có thể tưởng tượng hết những gì các cô đã trải qua trên miền đất đầy cằn cỗi này nhưng hơn tất cả vùng đất này đang thay đổi bởi những người thầy, người cô như thế.
Những thầy cô giáo trên những điểm trường xa xôi trên miền đá khát có lẽ cũng sẽ có lúc cảm thấy mệt mỏi không chỉ vì áp lực công việc mà còn vì nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân.
Ngày 20/11, như mọi năm được tổ chức, các cô sẽ về điểm trường chính, tham dự tọa đàm, tâm sự chuyện nghề.
Với cô giáo Thêu, các em đi học đủ đầy là món quà lớn nhất đối với các cô rồi. Còn hoa, quà, lời chúc ngày 20/11, không có nhiều năm nên cô cũng đã... quen rồi. |
Chị em sẽ có vài tiết mục văn nghệ, ngồi ăn với nhau một bữa cơm sum họp. Những người ở điểm xa như cô Thêu cũng chỉ mong ngày 20/11 những điều như thế.
Khi chúng tôi hỏi về việc năm nay có thông tin không tổ chức 20/11, cô Thêu chỉ trả lời rất ngắn: "Em không rõ lắm".
Nếu không tổ chức ngày 20/11, thì ngày đó với các cô cũng là một ngày đi làm bình thường như những ngày khác. Không có gì đặc biệt cả.
Ở những điểm xa, cô Thêu cũng đã nói nhưng các em chỉ nghe thôi cũng không hiểu việc mình phải có lời chúc, lời chào động viên ngày nhà giáo tới cô giáo mình là một việc có phải làm hay không.
Dẫu vậy, các em cũng rất ngoan, rất quý cô giáo. Có lẽ ấn tượng để lại cho những ai đến vùng cao, được đi với các thầy cô giáo mới thấy các em ngoan lễ phép đến mức nào.
Đang bận, đang chơi hay đang túm năm, tụm ba với các bạn thấy thầy cô giáo mình đi qua các em đều bỏ lại việc, khoanh tay cúi chào cô giáo. Lễ phép vô cùng….
Điều mà có lẽ ở thành phố bây giờ không nhiều người thấy.