Học viện Múa Việt Nam: Chưa đăng tải báo cáo công khai vì mới đào tạo hệ đại học

26/08/2024 10:26
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Do phải giải quyết những vấn đề tồn đọng về kiến thức văn hóa cho học sinh hệ trung cấp một số khóa trước, HV Múa Việt Nam chưa kịp đăng báo cáo công khai.

Học viện Múa Việt Nam được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Múa Việt Nam theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Về sứ mệnh, Học viện Múa Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ múa có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp cao, có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, đất nước và khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2030, Học viện đặt mục tiêu là hoạt động ổn định, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với quy mô đào tạo, mở rộng cơ cấu ngành học, đào tạo trình độ thạc sĩ nghệ thuật múa. Bên cạnh đó, Học viện sẽ đổi mới quản lý và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học theo hướng liên kết, hợp tác đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật - công nghệ theo hướng tự khai thác, phục vụ tốt công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hiện, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thúy Nga là Giám đốc Học viện; Thạc sỹ Trần Văn Tuấn là Phó Giám đốc Học viện.

Chưa đăng tải báo cáo 3 công khai là do chưa kịp thời thực hiện

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT nêu rõ, thời điểm các trường cần đăng tải báo cáo công khai là tháng 6 hằng năm và cập nhật đầu năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan. Tuy nhiên, đến ngày 31/7/2024, phóng viên không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT trên website của Học viện. Thậm chí, phóng viên cũng không thấy Học viện báo cáo công khai những năm học trước đó trên website.

1.png
3.png
4.png
Ảnh chụp màn hình văn bản quản lý của Học viện Múa Việt Nam đăng tải trên website không có nội dung nào về báo cáo công khai.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thúy Nga – Giám đốc Học viện Múa Việt Nam bày tỏ: “Với tiền thân là Trường Múa Việt Nam, Học viện có bề dày giảng dạy diễn viên múa gần 65 năm. Đến năm 2001, trường nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Múa Việt Nam và đến năm 2019 nâng cấp lên Học viện Múa Việt Nam với 2 hệ đào tạo là trình độ trung cấp và đại học.

Đối với trình độ trung cấp, Học viện đào tạo các ngành chuyên về diễn viên múa với các hệ đào tạo 2,3,4 và 6 năm. Đến nay, thế mạnh của Học viện vẫn là đào tạo 4 năm đối với trung cấp diễn viên múa dân gian dân tộc và 6 năm đối với trung cấp diễn viên kịch múa.

Trong khi đó, đối với bậc đại học, năm 2022, Học viện mới chính thức tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên, tức đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có khóa cử nhân nào tốt nghiệp. Năm 2024, Học viện tuyển sinh hệ đại học với ngành Biên đạo múa (chuyên ngành Biên đạo múa sự kiện, chuyên ngành Biên đạo kịch múa) và ngành Huấn luyện múa.

Đáng chú ý, 3 năm vừa qua là giai đoạn Học viện đang giải quyết những tồn đọng liên quan đến vấn đề có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em học sinh giai đoạn 2012-2016, học theo Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 mà Học viện Múa Việt Nam đặt ra là giải quyết những phần tồn đọng của văn hóa phổ thông cho những em học sinh này.

Học viện đã phải phối hợp cùng các bên liên quan để đảm bảo dạy bù đủ 445 tiết kiến thức văn hóa phổ thông cho các em. Đáng nói, đối tượng người học của Học viện rất đa dạng, lại thiên về làm công việc biểu diễn nên việc sắp xếp đảm bảo dạy đủ số thời gian quy định không phải đơn giản.

Với những nỗ lực của lãnh đạo và tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, tháng 6/2024 vừa qua, 92/93 học sinh của Học viện dự thi đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ngay sau khi giải quyết xong những vấn đề liên quan đến việc học bù kiến thức văn hóa lại là thời điểm Học viện thực hiện công tác tuyển sinh. Hơn nữa, thời gian qua, Học viện còn có sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo từ cuối năm 2023 đến tháng 5/2024.

Những lý do khách quan trên cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện, đăng tải báo cáo 3 công khai bị chậm, Học viện xin rút kinh nghiệm về vấn đề này. Hiện tại, Học viện đang phối hợp cùng các đơn vị, phòng ban hoàn thiện các báo cáo công khai để đăng lên cổng thông tin điện tử của Học viện Múa Việt Nam, nhằm thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Dự kiến trong tuần 19-25/8/2024, Học viện sẽ đăng đầy đủ báo cáo 3 công khai”.

Tuy nhiên, đến ngày 26/08/2024, truy cập vào website của Học viện phóng viên thấy nhà trường vẫn chưa đăng tải báo cáo 3 công khai trên cổng thông tin điện tử của Học viện.

Screenshot 2024-08-26 090350.png

Nói thêm về thực tế trên, thầy Bùi Thanh Tú – Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế của Học viện cho biết:

“Học viện Múa Việt Nam có truyền thống đào tạo rất lâu về trình độ trung cấp nhưng hệ đại học lại rất mới. Chính vì vậy, có nhiều văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khác so với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (cơ quan quản lý trước kia của Học viện Múa Việt Nam). Do đó, Học viện cũng gặp phải một số khó khăn khi triển khai các văn bản từ khi nâng cấp đến nay. Tuy nhiên, Học viện sẽ cố gắng tiếp cận các văn bản quản lý liên quan đến giáo dục đại học nhanh, thường xuyên và tốt hơn nữa".

z5751541932513_0a17a437263b5436a9c3fa705505f5d0.jpg
Cổng Học viện Múa Việt Nam (Ảnh: Trà My).

Thầy Tú cho hay, trên thực tế, cuối tháng 12/2021 mới có quyết định đồng ý cho Học viện Múa Việt Nam được mở đào tạo bậc đại học nên năm 2022 mới tuyển sinh được khóa đầu tiên bậc đại học. Tuy nhiên, năm 2022 Học viện cũng không có báo cáo 3 công khai vì tháng 8 mới bắt đầu tuyển sinh nên tháng 6 chưa có số liệu để làm báo cáo này.

Đến thời điểm hiện tại, Ban Giám đốc Học viện Múa Việt Nam đã triển khai ngay đến các đơn vị, phòng ban gấp rút thực hiện báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 để đăng tải theo đúng quy định.

Việc chưa đăng tải báo cáo 3 công khai là do Học viện chưa kịp thời thực hiện chứ không giấu giếm. Tất cả các số liệu liên quan đến hoạt động của Học viện đều đã được công bố tại các hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị viên chức.

Đơn cử, nguồn thu của Học viện hàng năm đều rất thấp vì học sinh, sinh viên cả hệ trung cấp và hệ đại học đều được miễn giảm 70% học phí. Mỗi năm còn cung cấp cho các em 2 bộ quần áo cùng giày tập, tất. Đặc biệt, Học viện Múa Việt Nam gần như không thể tiến tới tự chủ được vì tính chất đặc thù nên không thể đa dạng hình thức đào tạo, rất khó để có thêm nguồn thu. Cơ sở vật chất đều do nhà nước đầu tư. Các giảng viên của Học viện vẫn phải đi làm thêm ngoài giờ lên lớp như tham gia biểu diễn, dạy thêm ở các trung tâm đào tạo nghệ thuật bên ngoài.

Ngoài ra, trong Đề án tuyển sinh 2024, Học viện cũng đã công khai một số thông tin về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, quy mô đào tạo chính quy.

Chỉ tuyển sinh 2 năm chỉ đạt trên 50% vì muốn đảm bảo chất lượng

Qua Đề án tuyển sinh 2024, phóng viên thấy rằng, 2 năm gần đây, Học viện đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Đơn cử, năm 2022, có 34 thí sinh nhập học/60 chỉ tiêu; năm 2023 có 34 thí sinh nhập học/50 chỉ tiêu.

Screenshot 2024-08-21 100459.png
Thông tin về tuyển sinh hệ đại học chính quy trong 2 năm gần nhất của Học viện Múa Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Về thực tế này, cô Nguyễn Thúy Nga cho hay: “Với bề dày là đào tạo chuyên sâu về diễn viên múa nên ngay từ năm đầu tiên tuyển sinh hệ đại học, Đảng ủy, Ban giám đốc, tập thể lãnh đạo Học viện đã đặt ra định hướng cho Học viện Múa Việt Nam là đào tạo tập trung vào chất lượng. Do đó, Học viện đã tuyển sinh rất kỹ và đặt tiêu chí chất lượng đầu vào đối với các thí sinh dự tuyển lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, với đặc thù của những ngành về Múa, một lớp học chỉ đào tạo được khoảng 10-15 em là tối đa với 2 thầy/cô (1 giảng viên chuyên môn và 1 giảng viên đệm đàn). Nếu đông hơn sẽ không thể giảng dạy được.

Hơn nữa, bên cạnh các yêu cầu về bài thi năng khiếu, nếu muốn vào học hệ đại học của Học viện Múa Việt Nam, thí sinh phải tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp về diễn viên múa mới được tham gia dự tuyển đối với ngành Biên đạo múa và Huấn luyện múa. Đối với chuyên ngành Biên đạo múa sự kiện dù không bắt buộc phải tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp diễn viên múa nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu về năng khiếu.

Chính vì vậy, mỗi năm, ban tuyển sinh Học viện đã phải đắn đo rất nhiều để lựa chọn ra được những thí sinh phù hợp nhất”.

Thầy Tú thông tin thêm: “Có thể thấy, đặc thù những ngành Múa là tuổi nghề của diễn viên Múa khá ngắn, thường chỉ khoảng 18-25 tuổi nên sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em thường tận dụng sức trẻ để đi biểu diễn, làm nghề. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp, có nhiều em chưa có nhu cầu học lên đại học ngay. Khi đã có kinh nghiệm biểu diễn lâu năm rồi, nhiều em mới có nhu cầu mong muốn học tiếp lên trình độ đại học

Hơn nữa, với đặc thù của Học viện Múa Việt Nam là vừa đào tạo theo chương trình, giáo trình vừa phải kết hợp với việc truyền nghề, vừa phải uốn nắn từng bạn một, phụ thuộc vào năng lực sở trường cá tính của từng sinh viên một. Do đó, nếu một lớp quá 15 người sẽ rất khó đào tạo.

Chính vì vậy, khi tuyển sinh, Học viện cũng hướng đến mục tiêu là nếu đảm bảo về tiêu chí chất lượng thì mới tuyển sinh chứ không vì số lượng.

Trên thực tế, Học viện Múa Việt Nam cũng không phải là cơ sở duy nhất đào tạo về lĩnh vực Múa. Vậy nên, Học viện luôn cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo, có hướng đi riêng nổi trội, song song với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông.

Năm vừa qua, ban truyền thông của Học viện cũng đã chính thức đi vào hoạt động, nhằm nâng cao công tác quảng bá, lan tỏa thông tin về Học viện nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Học viện cũng thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu Học viện Múa Việt Nam là trách nhiệm của tất cả đội ngũ cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên Học viện.

Hiện nay, định hướng đào tạo của Học viện cũng không giống so với các đơn vị khác cùng ngành là đi theo hướng đào tạo chuyên sâu. Đơn cử, đối với ngành Huấn luyện múa, có 04 chuyên ngành là Huấn luyện Múa cổ điển châu Âu, Huấn luyện Múa Dân gian dân tộc Việt Nam, Huấn luyện Múa truyền thống Việt Nam, Huấn luyện Múa đương đại (các em được học chuyên ngành từ năm thứ 3).

Việc số lượng thí sinh quan tâm đăng ký thi tuyển vào Học viện cùng số chỉ tiêu nhập học năm 2024 tăng so với 2 năm trước (khoảng trên 50 chỉ tiêu) là tín hiệu đáng mừng trong công tác tuyển sinh của Học viện.

Có thể nói là năm nay là năm khá thành công về công tác tuyển sinh của Học viện Múa Việt Nam, thể hiện định hướng đúng mà ban lãnh đạo Học viện đã đặt ra”.

Không có giảng viên là tiến sĩ chủ trì ngành Biên đạo múa

Theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ Nhân dân hoặc Nghệ nhân Nhân dân hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng thạc sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, theo danh sách giảng viên cơ hữu mà Học viện kê khai, phóng viên thấy rằng, ngành Biên đạo múa không có giảng viên nào trình độ tiến sĩ và cũng không có nêu thông tin thạc sĩ nào có danh hiệu là Nghệ sĩ nhân dân hay Nhà giáo nhân dân.

Screenshot 2024-08-21 100716.png
Screenshot 2024-08-21 100736.png
Screenshot 2024-08-21 100804.png
Screenshot 2024-08-21 100854.png
Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Múa Việt Nam hiện không có giảng viên nào có trình độ tiến sĩ.

Về vấn đề này, thầy Bùi Thanh Tú cho biết: “Tiến sĩ đứng chủ trì ngành Biên đạo múa của Học viện vốn là Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Văn Hải – nguyên Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam. Tuy nhiên, thầy vừa mới nghỉ hưu từ 1/1/2024, do đó trong danh sách giảng viên cơ hữu hiện tại của Học viện không còn giảng viên là tiến sĩ.

Thế nhưng, hiện thầy Hải vẫn đang giảng dạy tại Học viện cùng 2 thầy cô khác cũng là giảng viên đầu ngành Múa của cả nước là Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam và Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Nhà hát Nghệ Thuật Thực Hành, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Cũng phải nói thêm rằng, trên thực tế, giảng viên của những ngành Múa nói riêng và lĩnh vực Nghệ thuật nói chung vốn rất ít người muốn học lên trình độ thạc sĩ chứ chưa nói đến tiến sĩ.

Tuy nhiên, có thể nói, ngành Biên đạo múa gần như là ngành “con cưng” của Học viện Múa Việt Nam nên luôn được Học viện chú trọng trong công tác đào tạo. Và việc nâng cao chất lượng đội ngũ cũng đã được Học viện lên lộ trình cụ thể.

Bắt đầu từ năm 2021, Học viện đã cử 04 thầy cô đi học nghiên cứu sinh và mới đây đã có 01 giảng viên vừa được công nhận học vị tiến sĩ. Thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục rà soát lại để động viên các thầy/cô đi học nâng cao trình độ như có các chế độ hỗ trợ, khen thưởng, …

Mặt khác, về học phí, qua tìm hiểu của phóng viên, Học viện chỉ nêu “Học phí đối với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm, chế độ ưu đãi đối với sinh viên theo học ngành năng khiếu nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù thực hiện theo học ngành năng khiếu nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ có liên quan” trong Đề án tuyển sinh chứ không nêu học phí cụ thể của năm học này là bao nhiêu.

Tương tự, mục Tài chính tại Đề án tuyển sinh 2024 Học viện cũng chỉ nêu “Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường thực hiện theo ngân sách được phân bổ của Nhà nước” chứ không nêu con số cụ thể.

Screenshot 2024-08-21 101203.png
Screenshot 2024-08-21 101242.png
Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh 2024 của Học viện Múa Việt Nam.

Về vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Vân – Phó trưởng phòng, Kế toán trưởng, Phòng Hành chính, tổng hợp, Học viện Múa Việt Nam thông tin:

“Học viện luôn căn cứ vào các quy định hiện hành về học phí, miễn giảm học phí để ra các thông báo học phí theo từng kỳ học tới phòng Công tác sinh viên, đồng thời gửi tới phòng, khoa chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm để phổ biến đến với phụ huynh và học sinh, sinh viên của Học viện. Những thông tin về tài chính cũng được Học viện công khai trên bảng tin nội bộ, Hội nghị viên chức nhưng trên website thì chưa có.

Để đảm bảo tính công khai và minh bạch, Học viện sẽ rút kinh nghiệm để bổ sung đăng tải lên website của Học viện.

Hiện tại, mức học phí của Học viện Múa Việt Nam chỉ khoảng 2.800.000 đồng/năm (10 tháng) đối với học sinh hệ trung cấp. Đối với sinh viên hệ đại học, học phí chỉ khoảng 3.600.000 đồng/năm”.

Theo Điều 7, Thông tư số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;

Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành; Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;

Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

Không gửi thông báo, quyết định của cơ sở giáo dục đại học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tường San