Đã có hoàng loạt học viên ký hợp đồng giao kèo nhận tiền đặt cọc với Công ty cổ phần đầu tư quốc tế ICC Hà Nội, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (trụ sở phường Bến Nghe, quận 1), đại diện là ông Trương Thành Nhân (giám đốc chi nhánh) để được đi du học tại Nhật Bản các ngành điều dưỡng, kỹ sư... rất mệt mỏi khi đi đòi lại tiền.
Cho rằng mình bị lừa, rất nhiều học viên đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Rơi nước mắt uất hận khi đòi tiền
Đầu tháng 3, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của chị KL. (ở quận 2, Thành phồ Hồ Chí Minh) cho rằng mình bị ICC Thành phố Hồ Chí Minh lừa tiền đặt cọc đi du học tại Nhật Bản, ngành điều dưỡng. Số tiền mà chị đã nộp cho ICC Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 40 triệu đồng hồi tháng 4/2016.
Chị L. cho biết, trong hợp đồng, chị sẽ được ICC Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn thông tin về việc du học, được đào tạo tiếng Nhật, giới thiệu các cơ sở đào tạo tại Nhật, được hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ, được giúp xin visa và sẽ được sang Nhật du học trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2017...
Rất nhiều học viên bị Công ty ICC Thành phố Hồ Chí Minh nợ tiền - Ảnh: T.A |
Trong hợp đồng cũng cam kết, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết trên thì ICC Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn trả lại tiền cho học viên. Chính những cam kết như trên mà có đến 40 học viên ký hợp đồng.
''Khi đặt bút ký hợp đồng với ICC Thành phố Hồ Chí Minh tôi rất tin tưởng. Tôi nghĩ rằng, không chỉ có tôi mà các học viên khác cũng được sang Nhật Du học'', chị L. nói.
Thế mà, cho đến nay, đã không được đi du học như thỏa thuận, chị L. và những học viên khác phải ngậm ngùi đi đòi lại tiền. Mỗi lần đi đòi là phải rơi nước mắt vì uất ức, tức giận.
''Chúng tôi bị lừa. Chúng tôi giận lắm. ICC Thành phố Hồ Chí Minh đã không đưa chúng tôi đi du học như thỏa thuận, ông Nhân còn dùng những lời lẽ khó nghe với chúng tôi.
Chúng tôi chỉ cần một thời gian cụ thể để trả tiền nhưng ông Nhân hứa hết lần này đến lần khác. Mỗi lần gặp, ông ta tìm đủ lý do để kéo dài thời gian. Ông ta cứ bảo cho tôi kéo dài thêm một tháng nữa, hai tháng nữa.
Có lần hẹn gặp, chúng tôi phải ngồi từ sáng đến chiều mới được ông ta đưa cho mỗi người 2 triệu đồng. Cho đến nay, chúng tôi không đòi được đồng nào, dù những lần hẹn gặp cứ được tổ chức thường xuyên'', chị L. bức xúc.
(GDVN) - Cơ quan công an hiện đã vào cuộc điều tra sự vụ này... |
Còn chị S. (quê Bình Phước) thì không chỉ bức xúc vì không đòi được tiền mà còn bức xúc vì ICC Thành phồ Hồ Chí Minh cam kết sẽ thuê các giảng viên chất lượng về dạy tiếng cho học viên, nhưng chị và các học viên khác chẳng học được gì từ các giáo viên mà trung tâm thuê.
''Ông Nhân thuê những người từng đi lao động bên Nhật về dạy tiếng cho chúng tôi. Giáo viên gì mà phát âm tiếng Nhật sai, sử dụng ngữ pháp cũng sai. Chúng tôi chẳng học được gì cả'', chị S. bức xúc.
Cả chị L. và chị S. cùng những học viên khác chỉ mong nhận được số tiền mình đã đặt cọc cho ICC Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là từ ông Nhân.
Có học viên mới có tiền trả
Trao đổi với phóng viên Báo giáo dục Việt Nam ông Nhân khẳng định, ông là giám đốc chi nhánh ICC Thành phố Hồ Chí Minh, được bổ nhiệm từ tháng 3/2106. Nhiệm vụ của ông là tìm học viên, được tự chủ về tài chính, thuê nhân viên, thuê mặt bằng... để tổ chức đào tạo, đưa học viên sang Nhật du học.
Ông Nhân cũng khẳng định, toàn bộ số tiền ông thu được từ các học viên là do ông nắm giữ để tổ chức các hoạt động thu chi ở chi nhánh, không chuyển về cho tổng công ty.
Trả lời câu hỏi: ''Vậy số tiền thu của các học viên bây giờ đã ở đâu, sao không trả lại khi đã vi phạm hợp đồng''. Ông Nhân cho biết, dù không chuyển tiền về cho ICC Hà Nội nhưng đã dùng để chi các hoạt động như: Thuê mặt bằng, thuê nhân viên, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật... Đến nay, toàn bộ số tiền đã hết.
Các học viên muốn đòi lại được tiền thì phải cho ông thời gian. Chờ ông nhận học viên khác rồi lấy tiền học viên mới đóng để trả.
''Tôi đã bị ICC Hà Hội miễn nhiệm chức vụ. Nhà cửa, tài sản, xe...tôi cũng không còn nữa. Để trả được tiền cho các học viên, tôi cần có thời gian tiếp tục tìm kiếm học viên khác, từ đó mới có tiền để trả'', ông Nhân nói.
Đùn đẩy trách nhiệm cho nhau
Tại buổi làm việc giữa ông Nhân, các học viên và đại diện ICC Hà Hội, ông Nhân cho rằng, không chỉ có ông mới có trách nhiệm trả tiền cho các học viên, mà ICC Hà Nội cũng phải có trách nhiệm.
Lý do ông đưa ra là vì, ông bị miễn nhiệm chức vụ khi sự việc đang bị đổ vỡ, khi ông đang tìm mọi cách để gỡ vốn, kiếm tiền trả cho các học viên.
Thứ hai, ông đã từng viết thư yêu cầu ICC Hà Nội cho ông mượn tiền để trả cho học viên nhưng không được chấp nhận. Việc ICC Hà Nội bổ nhiệm ông, mà khi ông làm ăn thua lỗ lại ''cho ông ra rìa'' như vậy là không đúng.
Thứ ba, ICC Hà Nội không chi tài tình để ông hoạt động chi nhánh, mà toàn bộ ông phải tự thân vận động, vì thế phải cùng ông trả tiền cho các học viên.
Đại diện phía ICC Hà Nội cho rằng, những lý do ông Nhân đưa ra là thiếu căn cứ và đổ lỗi một cách trắng trợn. ''Tiền ông ta thu về bỏ túi, không chuyển về cho chúng tôi, giờ thua lỗ lại yêu cầu liên đới.
Chúng tôi có nhận được đồng nào từ ông ta đâu mà liên đới. Nếu phải liên đới, thì số tiền ông ta thu về để ở đâu. Theo chúng tôi, ở đây là trường hợp cá nhân. Cá nhân ông Nhân phải tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi không liên quan''.
Đại diện ICC Hà Nội cũng khẳng định rằng, việc miễn nhiệm chức vụ của ông Nhân là có căn cứ, đã được xem xét trước toàn thể công ty.
''Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để ông Nhân được hoạt động chi nhánh. Khi có sự việc xảy ra, chúng tôi cho ông ấy thêm thời gian để tìm hướng khắc phục, tìm cách hoạt động chi nhánh tốt hơn. Nhưng một thời gian dài, ông ta không làm được gì cả, lại làm chúng tôi bị liên lụy'', đại diện ICC Hà Nội khẳng định.
Trước áp lực của các học viên, yêu cầu phải hẹn ngày trả tiền cụ thể , đại diện ICC Hà Nội hẹn đến ngày 5/5 tới sẽ tiếp tục có buổi tiếp xúc với các học viên để thu thập thông tin, rồi tiến tới xem xét hoàn trả các khoản phí mà ông Nhân đã thu.