Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác

25/04/2017 09:53
Đất Việt
(GDVN) - Ai có thể buộc các tư vấn viên du học hành xử chuyên nghiệp và có đạo đức trong hoạt động tư vấn học tập, khi quyền lợi của học sinh được đặt lên hàng đầu.

LTS: Là một người nghiên cứu về giáo dục Mỹ, tác giả Đất Việt chia sẻ quan điểm về vấn đề du học của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay.

Tác giả đề cập đến những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực trong hoạt động tư vấn du học để phản ánh cái nhìn về hiện thực du học tại Việt Nam và một số nước châu Á.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
 
(Bài viết này dựa trên những nguồn thông tin chính thức trên báo chí và sách nghiên cứu, không nhằm bất kỳ mục đích chính trị hay hưởng lợi từ bất kỳ tổ chức nào, không có bất kỳ phủ nhận ý nghĩa tốt đẹp của dịch vụ tư vấn du học. Mọi ý kiến trong bài là ý kiến cá nhân)

Trong khoảng 15 năm qua, du học bắt đầu trở thành một trào lưu mà đâu đó được người ta gọi là “tị nạn” giáo dục [1], khi chất lượng học tập ở Việt Nam được đánh giá là lạc hậu và quá nhiều nhiễu nhương, như học thêm, học theo kiểu “nhớ” lâu, học xong ra thất nghiệp, vân vân và vân vân. 

Xuất phát điểm của du học ban đầu là chỉ dành cho số ít những sinh viên học xuất sắc và đi học bằng học bổng của chính phủ.  

Hai mặt của một vấn đề, nhưng mặt nào tốt mặt nào xấu, còn tùy vào bạn. (Ảnh: Picturequotes.com)
Hai mặt của một vấn đề, nhưng mặt nào tốt mặt nào xấu, còn tùy vào bạn. (Ảnh: Picturequotes.com)

Sau đó, với việc bùng nổ kinh tế thị trường, sự thành công nhanh và đột ngột của giới “giàu vì chứng khoán và đầu cơ bất động sản” đã làm một lớp người ở mấy thành phố lớn có thể giàu nhanh đến không ngờ.

Họ dùng tiền này đầu tư cho con cái đi học ở nước ngoài, theo kiểu “Cứ nhìn con các bác lãnh đạo học ở đâu thì mình theo đấy thôi”.  

Quả là đáng ngạc nhiên với tài quan sát của dân đầu cơ cho xu hướng gửi con đi du học của các lãnh đạo cơ quan nhà nước Việt Nam, khi đã có thời kỳ, có lời bình rằng, hầu hết từ Vụ phó trở lên của Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương, đều có con du học ở nước ngoài, mà chủ yếu là Anh, Úc và Mỹ (Hà Nội thích Anh, Úc, Sài Gòn và Đà Nẵng thích Mỹ).  

 Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác ảnh 2

ILA gửi email, gọi điện dọa trục xuất, sinh viên hoảng loạn

Điều này có lẽ không khó để kiểm chứng, khi một ủy ban kiểm tra nào đó của Việt Nam khảo sát và tìm hiểu như một phần của chương trình chống tham nhũng trong chính phủ, tỷ lệ con em và có lẽ, đến thế hệ cháu rồi, đi học nước ngoài từ nguồn tiền nào.  

Đây chính là mảnh đất màu mỡ trong bao nhiêu năm của “dịch vụ tư vấn du học” ở Việt Nam, tiền từ tham nhũng, làm ăn trái pháp luật (tiền bẩn) [2], đầu tư cho con cái đi học và mua bất động sản, trở thành công dân nước ngoài trước khi học xong, giống như tình trạng ở Trung Quốc. 

Thời kỳ mới sơ khai của dịch vụ tư vấn du học, trong khả năng hạn chế về hiểu biết luật pháp nước ngoài hay những đòi hỏi của chương trình đối với sinh viên quốc tế, những quy định của luật pháp Việt Nam về điều kiện hoạt động của một công ty tư vấn du học thực ra ít có ý nghĩa đối với du học sinh và phụ huynh. 

Qua đó nhằm tìm kiếm học sinh đi du học và hưởng phần trăm trên số tiền mà trường hoặc đại lý cấp 1 trả, trong khi với nhiều công ty tư vấn ham làm giàu, họ có thể ăn cả hai đầu (đầu nhà trường và đầu học sinh).

Các công ty tư vấn hầu hết đều tư vấn dựa trên những thông tin được cung cấp bởi những đại học mà họ có hợp đồng dịch vụ, hoặc thông qua những công ty tuyển sinh toàn cầu và họ đóng vai trò như những đại lý cấp 2 ở Việt Nam.

Sau một thời gian hoạt động mang tính “hoang sơ”, khoảng từ năm 2010 trở lại đây, trào lưu các du học sinh ở các nước đi về Việt Nam và mở ra các công ty tư vấn du học, kèm thêm các dịch vụ luyện viết bài luận, luyện phỏng vấn, luyện tiếng Anh, vân vân… cũng khá đắt khách, nhất là với công ty nào có du học sinh đã từng học ở những trường “xịn”, có danh tiếng.  

Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác ảnh 3

Những cuộc “ngã giá” giữa Công ty tư vấn du học và gia đình học viên

Việc chia sẻ kinh nghiệm và cách làm bài thi tăng khả năng được vào các trường danh tiếng cũng là kênh kiếm tiền tốt.

Mặc dù, ở Việt Nam thì chưa “bị lộ” rõ những scandal như ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, khi những công ty tư vấn du học lớn đã làm ăn thẳng với các đại học lớn và có lẽ được “bảo kê” một số suất học thông qua quan hệ với những cán bộ tuyển sinh của trường [3].  

Câu chuyện như Bạc Qua Qua của Trung Quốc [4] hay “Công chúa kỵ mã” của Hàn Quốc [5], nếu điểm sơ bộ danh sách “con cháu các cụ cả” của Việt Nam thì chắc đếm không hết!  

Việc tuyển sinh con cái những quan chức cao cấp, thông qua con cái và những hội sinh viên, tụ tập của hoặc các con nhà giàu, hoặc con nhà có tên tuổi trong nước, dù là ở Trung Quốc hay ở đâu cũng được nhiều trường coi là một kênh “đầu tư” quan hệ đáng giá [2].

Bởi nó sẽ mang lại nhiều thứ không đo được bằng tiền, ví dụ như gây ảnh hưởng để thay đổi chính sách, hay chuyển đổi cách đánh giá về những dự án nên được ưu đãi mà có sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc vốn vay. 

Cha mẹ Việt được cái sẵn sàng quan hệ, hoặc sẵn sàng chi, sẵn sàng cắm nhà để “lo” cho con cái du học, với tinh thần “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.  

Nhưng phải thành thực nói rằng, nếu với 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm người Việt chi cho du học [6] (khoảng 120.000 du học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài), chưa tính đến tiền nhà nước bỏ ra cho các chương trình hợp tác hay nghiên cứu, thì phải nói Việt Nam là nước nghèo, nhưng xài sang vì tiền chi ra thì nhiều, nhưng thu được gì lại thì chưa rõ! 

Duy nhất có một thứ vẫn chưa thấy có thay đổi, đó là chất lượng giáo dục trong nước và việc sử dụng người đi học nước ngoài về làm việc gì… vẫn đang tranh luận. 

Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác ảnh 4

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc?

Nếu chỉ dựa vào báo cáo của Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình học bổng cán bộ ra nước ngoài học trong 10 năm (2000-2010) bị dừng vì thiếu kinh phí.

Đề án được báo cáo là thất bại [7], còn chưa rõ chương trình 911 đào tạo 20.000 tiến sỹ làm nòng cốt cho các đại học Việt Nam thì sẽ được đánh giá ra sao và khi nào có kết quả để báo cáo? 

Công việc của tư vấn du học, nếu xét đến khía cạch tích cực, là một dịch vụ chuyên nghiệp cung cấp thông tin chính xác về thị trường học tập ở nước ngoài.

Dịch vụ này chỉ ra những ưu và khuyết điểm của từng nước, từng vùng và từng trường, kèm thêm những khả năng đánh giá năng lực của học sinh và nguyện vọng học tập, kế hoạch phát triển cá nhân của học sinh để có thể đưa ra lời tư vấn tốt nhất, vì quyền lợi của học sinh và tương lai nghề nghiệp của họ. 

Công việc này thường dễ bị biến tướng sang thành họ sẽ hướng học sinh và gia đình đến học ở trường mà có tiền phần trăm trả cao nhất cho họ.  

Nếu muốn kiểm chứng, chúng ta cứ đọc con số mà một trường cộng đồng bên Mỹ đã trả cho công ty tư vấn của họ khi tuyển dụng sinh viên sang học là khoảng 15% tổng phí học cho một năm đầu (từ 300-2.000 đô la Mỹ,[8] và có lẽ còn hơn nữa, có thể lên đến 15.000 đô la Mỹ như một công ty tư vấn du học Mỹ đã từng chia sẻ [9]).  

Không dừng ở đây, rất dễ cho chúng ta đọc được các quảng cáo tư vấn du học được viết rất “công khai” chào mời các chương trình đầu tư lấy thẻ công dân, đầu tư mua nhà, đầu tư tài chính với nhiều màu sắc mà nếu ai không tỉnh táo, sẽ nhìn thấy toàn là cơ hội kiếm tiền và học miễn phí. 

Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác ảnh 5

Muôn màu cuộc sống của du học sinh Việt ở Nhật

Trong khi đó, ngay bản thân các trường nước ngoài cũng phải than “trời” về chất lượng của sinh viên nước ngoài, khi họ chưa được chuẩn bị đầy đủ để du học.  

Những dịch vụ để tuyển sinh viên nước ngoài là một ngành làm ăn tốt trên toàn thế giới.

Vì chỉ nhìn những con số của Việt Nam, một nước đang phát triển và số lượng sinh viên du học chưa thấm vào đâu so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Saudia Arabia, Nigeria, và một số nước khác (riêng Trung Quốc ở Mỹ đã chiếm khoảng gần 330.000 học sinh [10]), thì việc phát triển ngành dịch vụ tuyển sinh này chắc là sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển vì lợi nhuận lớn, dù là cho trường hay cho công ty tuyển sinh.

Điều này bất chấp việc Luật Liên bang Mỹ cấm không cho phép các trường ở Mỹ trả tiền cho các tổ chức tuyển sinh sinh viên tại Mỹ và những tranh luận về việc điều khoản này có được mở rộng áp dụng cho các đối tượng tuyển sinh ngoài Mỹ hay không [11].  

Việt Nam luôn đứng ở vị trí “lơ ngơ”, khi chỉ “chi”, mà chưa chắc người học đã về, hoặc về chưa chắc đã phục vụ đất nước nếu họ đi bằng học bổng chính phủ và vẫn được kêu gọi chi tiền tiếp tục cho du học bằng tiền ngân sách, hay tiền của dân chúng.

Bởi “3 tỷ đô la Mỹ du học mới chỉ bằng tiền uống bia của dân Việt thôi” [12], trong khi không có kế hoạch hữu hiệu nào để giúp cho từng tỷ đô la này ở lại Việt Nam thông qua những hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học hay hợp tác dạy và nghiên cứu với đối tác đáng tin cậy nước ngoài. 

Hãy thử nhìn sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ 30 năm nay, họ vẫn là nước gửi du học sinh đi nhiều nhất ở những nước có nền kinh tế và công nghiệp phát triển nhất. 

Nhưng trong 7 năm nay, họ đã đổi sang vai của “nước thu nhận” du học sinh với tốc độ đáng kinh ngạc, đặc biệt là chính sách thu hút du học sinh của Trung Quốc, với sự hỗ trợ rõ nét của Mỹ trong chương trình du học Trung Quốc 100.000 [13] và kế hoạch 500.000 sinh viên quốc tế từ nay đến 2020 [14]. 

Gửi con qua các công ty tư vấn du học đạo đức kém là giao trứng cho ác ảnh 6

“Mất con” vì du học

Liệu có phải là số phận của Việt Nam khi ai đó cố tình để cho học sinh Việt Nam hoặc phải “tị nạn”, khi gia đình “có điều kiện” hoặc phải học với một chất lượng mà đến độ học đại học xong, doanh nghiệp nước ngoài phải mất đến “2 năm để tẩy sạch” [15]?

Ai sẽ trả lời được câu hỏi “Con cháu các cụ cả” đang học ở đâu? Từ nguồn tiền nào?

Ai có thể đưa ra những chiến lược mà sử dụng việc tư vấn du học như một công cụ để thúc đẩy học sinh và sinh viên nước ngoài đến Việt Nam và đưa sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài theo chiến lược phát triển kinh tế - kỹ thuật mà đất nước cần? 

Ai có thể buộc các tư vấn viên du học hành xử chuyên nghiệp và có đạo đức trong hoạt động tư vấn học tập, khi quyền lợi của học sinh được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là kênh để “kiếm tiền” cho ai đó của những người nhà quan chức hay trở thành “đối tượng rửa tiền” cho các gia đình đang có tiền chưa sạch? 

Người Mỹ có câu: “Tốt, xấu và xấu xí”, nhưng thường họ luôn tin vào điều tốt sẽ chiến thắng.

Tôi không rõ điều tốt có xảy ra với dịch vụ tư vấn du học ở Việt Nam hay không, nhất là khi dự thảo Nghị định về tư vấn du học đang thả lỏng hết ga cho hoạt động này?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://laodongthudo.vn/giai-ma-nghich-ly-ti-nan-giao-duc-23924.html

[2] https://www.thetimes.co.uk/article/dirty-foreign-money-could-be-paying-school-and-university-fees-x0w7s6rvf;  https://www.foreignaffairs.com/reviews/2012-12-27/double-paradox-rapid-growth-and-rising-corruption-china [P. 172]

[3] http://www.reuters.com/article/us-usa-neworiental-exclusive-idUSKBN13R2EG

[4] http://uk.reuters.com/article/uk-china-bo-harvard-idUKBRE84N1DB20120524

[5] http://www.baomoi.com/cong-chua-ky-ma-bi-dan-do-ve-han-quoc-de-xet-xu/c/21795707.epi

[6] http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/viet-nam-mat-3-ty-usd-moi-nam-cho-du-hoc-3320723.html

[7] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20120519/doan-ket-buon-cua-de-an-322/492506.html

[8] https://www.insidehighered.com/news/2016/01/12/community-college-grapples-implications-international-student-growth

[9] https://capstonevietnam.com/vi/news/1257-tien-si-mach-nuoc-du-hoc-khong-mat-15000-do-tu-van

[10] http://foreignpolicy.com/2015/11/16/china-us-colleges-education-chinese-students-university/

[11] https://www.insidehighered.com/news/2017/04/05/accreditors-draft-policy-would-prohibit-use-incentive-based-compensation?utm_source=Inside+Higher+Ed&utm_campaign=78a342d9bf-DNU20170405&utm_medium=email&utm_term=0_1fcbc04421-78a342d9bf-199364033&mc_cid=78a342d9bf&mc_eid=840ca3e1a5

[12] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/3-ty-usd-chi-cho-du-hoc-chi-bang-tien-uong-bia-276990.html

[13] http://uschinastrong.org/

[14] http://monitor.icef.com/2012/08/chinas-progress-towards-its-ambitious-target-to-attract-500000-foreign-students-by-2020/

[15] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/dn-nuoc-ngoai-mat-2-nam-de-tay-sach-nhung-gi-sinh-vien-da-hoc-335497.html

Đất Việt