Hội Nhà văn Việt Nam gửi thư yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981

14/05/2014 16:44
Gia Linh
(GDVN) - Mới đây, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thay mặt cho Hội nhà văn Việt Nam viết thư cho Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc - Thiết Ngưng về vấn đề Biển Đông.

Trong thư viết gửi cho Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc - Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã nêu rõ rằng: 

'Từ ngày mùng 2 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại tọa độ 15029’58” vĩ Bắc - 11012’06” kinh Đông, vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý nhằm tiến hành khoan thăm dò trái phép thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời đã huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa nghiêm trọng tính mạng các công chức Việt Nam thi hành nhiệm vụ'.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Thiết Ngưng Trung Quốc
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Thiết Ngưng Trung Quốc
Nhận định về những hành động đang diễn ra của Trung Quốc trên Biển Đông, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng đó là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước và làm tổn thương tình cảm hữu nghị vốn có giữa nhân dân hai nước.
Và trước vấn đề này Hội nhà văn Việt Nam cũng đã đưa ra những yêu cầu đối với phía Trung Quốc trong thư gửi cho Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc Thiết Ngưng.

'Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích cơ bản và lâu dài cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới'.

Ngoài việc yêu cầu, Hội nhà văn Việt Nam cũng kêu gọi các nhà văn Việt Nam, Trung Quốc và các nhà văn trên thế giới nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của sự việc, có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, bảo vệ tình hữu nghị giữa các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Toàn bộ thư ngỏ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc

Kính gửi nhà văn Thiết Ngưng - Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc

Thưa đồng chí,

Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới đồng chí và các đồng nghiệp Trung Quốc lời chào trân trọng; đồng thời bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với việc: từ ngày mùng 2 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại tọa độ 15029’58” vĩ Bắc - 11012’06” kinh Đông, vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý nhằm tiến hành khoan thăm dò trái phép thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời đã huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự. 

Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa nghiêm trọng tính mạng các công chức Việt Nam thi hành nhiệm vụ.

Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền , toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước và làm tổn thương tình cảm hữu nghị vốn có giữa nhân dân hai nước.

Hội Nhà văn Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong tương lai.

Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích cơ bản và lâu dài cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

Hội Nhà văn Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực với những giải pháp tích cực của Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi các nhà văn Việt Nam, Trung Quốc và các nhà văn trên thế giới nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của sự việc, có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, bảo vệ tình hữu nghị giữa các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Xin gửi tới đồng chí lời chào trân trọng.

Kính thư,

HỮU THỈNH

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Gia Linh