LTS: Hội phụ huynh đáng lẽ phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh nhưng trong thực tế họ lại hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Hiệu trưởng, nhất là trong những khoản yêu cầu đóng góp.
Tác giả Sông Mã phản ánh thực tế nói trên và đặt câu hỏi về việc có nhất thiết phải tồn tại một hội phụ huynh mà không làm đúng vai trò của mình?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nếu ai đó đặt câu hỏi “Hội phụ huynh trường học đại diện cho ai?” có lẽ không ít người lại nổi nóng vì cho rằng đó chính là câu hỏi nghe vô lý nhất.
Hội phụ huynh trường học đương nhiên phải đại diện cho tất cả phụ huynh của trường. Thế nhưng trong thực tế vai trò của hội phụ huynh đã hoàn toàn khác so với công việc mà họ đảm nhận.
Nhiều người đã không nói quá khi cho rằng họ chính là “cánh tay nối dài của Hiệu trưởng”.
Hội phụ huynh ở trường học được nhiều người cho rằng chính là "cánh tay nối dài của Hiệu trưởng". (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Tấm bình phong cho nhiều khoản thu khuất tất
Sẽ chẳng có gì là quá đáng khi có nhiều nhận định như vậy. Bởi thay vì bảo vệ cho quyền lợi của tất cả phụ huynh học sinh thì hội phụ huynh lại chính là nơi đưa ra những mức thu, những khoản đóng góp (thực chất là thực thi yêu cầu, mong muốn của Hiệu trưởng).
Có lẽ vì điều này nên chuyện lạm thu ở các trường hàng năm vẫn luôn xảy ra chưa có hồi kết.
Tôi tình cờ nghe được cuộc đối thoại của một nhóm học sinh bậc trung học phổ thông trước việc nhà trường thay đổi đồng phục.
Nam sinh lên tiếng: “Thay đồng phục làm gì cho tốn tiền ha? Mình học gần ra trường rồi, mua xong bỏ đi phí lắm”.
Nữ sinh nói: “Hôm trước họp phụ huynh đã thống nhất không đổi đồng phục mà”.
“Đó là họp dưới lớp phụ huynh không đồng tình. Nhưng lên trường hội phụ huynh nhà trường đã quyết rồi”.
Nam sinh tỏ vẻ tức giận: “Đừng gọi là hội phụ huynh nữa, vì không phải là “hội” của phụ huynh mà chính là “hội” của nhà trường”.
Bạn sẽ nghĩ gì chính một học sinh trung học cũng nhận ra điều này?
Phụ huynh ở một trường tiểu học ở thành phố Biên Hòa cho biết, trong cuộc họp phụ huynh, sau khi nhà trường công bố các khoản thu, chị buột miệng:
“Sao mà lắm khoản thu thế không biết. Nào là quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, tiền đóng ốp gạch men phòng, mua rèm cửa, phụ tiền điện…”.
Nói rồi, phụ huynh này cho biết: “một phụ huynh nằm trong hội phụ huynh nhà trường đã đi từng lớp giải thích và trấn an “mình đóng góp cho con cái mình học chớ ai. Các bậc cha mẹ cũng đừng nên so đo tính toán với nhà trường. Nhà trường khó khăn mình chung tay chia sẻ để con cái mình được học tốt…””.
Hội phụ huynh đừng để nhà trường gợi ý, sắp đặt (GDVN) - Những người luôn mang được tiếng nói công bằng, thấu hiểu được nỗi khổ, sự nhọc nhằn của đại đa số phụ huynh. Đừng nên để nhà trường gợi ý, sắp đặt. |
Một số người cũng tặc lưỡi cho qua, số khác ấm ức vì chính mình cũng chẳng được ý kiến.
Khi hội trưởng hội phụ huynh đồng ý thì biên bản chỉ thể hiện phụ huynh nhất trí 100% kế hoạch các khoản thu chi đề ra.
Có ai đó đặt câu hỏi “Vì sao hội phụ huynh lại nhiệt tình trong công việc thu chi như thế? Vì sao hầu như tất cả hội phụ huynh đều phục tùng ý kiến của nhà trường?”
Những ưu đãi
Người ta nói “Ông mất chân giò bà thò chai rượu” trong trường hợp này ví von thế cũng chẳng có sai.
Tùy Hiệu trưởng là nam hay nữ để có những cách giao tiếp với hội phụ huynh.
Ví như Hiệu trưởng là nam giới thì đương nhiên Hiệu trưởng và hội phụ huynh sẽ gặp nhau trên bàn tiệc, thậm chí là quán karaoke. Khi rượu vào lời ra chuyện gì mà chẳng nhất trí.
Ngoài ra, các dịp lễ tết Hiệu trưởng chi tiền quà và đại diện nhà trường đi biếu tặng. Chưa nói đến việc đặc cách trái tuyến cho con cháu, người thân quen của họ được vào học.
Nếu Hiệu trưởng là nữ giới, tiền nhậu lại biến thành những món quà giá trị khác.
Thế rồi trong các cuộc họp đầu năm hay mỗi khi cần đóng góp thêm điều gì hội phụ huynh luôn là người đứng ra nói trước với phụ huynh bằng rất nhiều lý lẽ thuyết phục.
Lúc này, Ban giám hiệu cũng chẳng cần xuất hiện, mọi việc đều giao cho hội phụ huynh lên tiếng cho ra vẻ khách quan. Mặc dù trước đó giữa Hiệu trưởng và hội trưởng hội phụ huynh đã có cuộc họp kín.
Hội phụ huynh mà không phục vụ cho quyền lợi của phụ huynh thì có nhất thiết tồn tại không nhỉ?