Hội thảo khoa học quốc tế về vấn đề giới tiếp cận từ góc độ triết học và văn hóa

28/10/2024 13:51
Diệu Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hội thảo khoa học quốc tế “Vấn đề giới trong triết học và văn hóa: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh” được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm.

Ngày 28/10/2024, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Vấn đề giới trong triết học và văn hóa: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh”.

Hội thảo khoa học quốc tế “Vấn đề giới trong triết học và văn hóa: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh” nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, học giả trong nước và nước ngoài. Ảnh: USSH.
Hội thảo khoa học quốc tế “Vấn đề giới trong triết học và văn hóa: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh” nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, học giả trong nước và nước ngoài. Ảnh: USSH.

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh – Phó Hiệu trưởng nhà trường; Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang – Trưởng khoa Triết học, Phó Ban tổ chức hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc tế có sự tham dự và quan tâm của số lượng lớn chuyên gia, học giả trong nước và nước ngoài.

Chủ đề giới và bình đẳng giới không tuy không phải là một chủ đề mới ở Việt Nam, nhưng trong khuôn khổ một cuộc bàn luận từ góc độ triết học chính quy, chủ đề này vẫn chưa thực sự phổ biến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xã hội Việt Nam hiện nay đã có những tiến bộ đáng kể trong việc hướng tới bình đẳng giới trên nhiều phương diện khác nhau.

0db4f24aa2531a0d4342.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Diệu Dương.

Theo thầy Tuấn, tỷ lệ đại diện chính trị của phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026) là hơn 30%, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ. Khoảng 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Thống kê cho thấy, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội theo đuổi giáo dục bậc cao và sự nghiệp chuyên môn.

Xã hội Việt Nam hiện đại thể hiện một bức tranh phức tạp về quan hệ giới, nơi các giá trị truyền thống tồn tại song song với những thay đổi tiến bộ. Mặc dù xã hội đã trở nên cởi mở hơn ở nhiều khía cạnh đối với sự đa dạng giới tính, nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc luật hóa các quyền của những nhóm đặc thù này.

Việc dung hòa và giải quyết mâu thuẫn biện chứng đó đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về các giá trị của nữ giới, đa dạng giới và bình đẳng giới trong truyền thống văn hóa, tư tưởng Việt Nam, đặt chúng trong những lý thuyết và phong trào hiện đại.

“Vì vậy, hội thảo khoa học quốc tế “Vấn đề giới trong triết học và văn hóa: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh” là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng; là dịp để các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi đa chiều; góp phần làm sáng tỏ những băn khoăn về giới trên nhiều khía cạnh của đời sống xã hội Việt Nam và trong khu vực”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Để bổ sung những góc nhìn mới mang tính triết học về chủ đề giới trong triết học và văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng – giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo với tiêu đề: “Vấn đề giới và nữ quyền: Một vài cảm nhận”.

c479ca869a9f22c17b8e.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng – giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Diệu Dương.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Quang Hưng, giải phóng phụ nữ, tiến trình hướng tới bình đẳng giới là xu hướng chung ở hầu hết các châu lục và các nền văn hóa được khởi đầu từ thời cận đại và hiện đại, và vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều thành tựu ngoạn mục.

Trình bày báo cáo, Phó Giáo sư Nguyễn Quang Hưng nhận định, bình đẳng giới thực tế là quá trình đấu tranh chống lại bất công, hướng tới bình đẳng nếu nhìn góc độ từ phái nữ, nhưng đồng thời cũng là sự thừa nhận, chấp nhận lùi bước của phái mạnh, một quá trình không phải lúc nào cũng diễn ra một cách hòa bình, phi bạo lực như trên bình diện cá nhân chúng ta có thể quan sát thấy hàng ngày.

Đồng thời, tiến trình toàn cầu hóa đã kéo theo đó không ít những hệ lụy. Điều đó cho thấy, tiến trình bình đẳng giới và nữ quyền không phải là con đường bằng phẳng, mà phía trước còn không ít những thách thức.

Trong khuôn khổ chương trình, hội thảo khoa học quốc tế có 03 phiên thảo luận của 03 tiểu ban, với các nội dung gồm: Vấn đề giới trong văn hóa: Lý luận và thực tiễn (Tiểu ban 1); Vấn đề giới trong triết học (Tiểu ban 2); Bình đẳng giới, một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Tiểu ban 3).

Diệu Dương