Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trong nhiều điểm mới của dự thảo mới nhất này, chức danh, phân hạng nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo luôn được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên đặc biệt quan tâm.
Dự kiến không còn nhà giáo hạng I, II, III
Hiện nay, giáo viên bậc mầm non, phổ thông được chia làm 3 hạng I, II, III, giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38; Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.
Chia hạng về ý nghĩa là tốt như giáo viên làm việc tốt, hiệu quả và năng suất cao sẽ hưởng lương ở hạng cao hơn, thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, thực tế việc chia hạng tại các cơ sở giáo dục hiện nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tại các cơ sở giáo dục, giáo viên cùng trình độ đại học nhưng có người công tác chưa tốt, ít thành tích, thời gian công tác ngắn hơn nhưng lại được hưởng lương ở hạng cao hơn, hệ số lương cao hơn, gây một số bức xúc, bất công. Điều này xuất phát do việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng còn tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý, bất cập, các tiêu chuẩn hạng chức danh nhà giáo cũng chưa rõ ràng.
Khi chưa có phương án hợp lý thì tại Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến bỏ chia hạng I, II, III là tín hiệu đáng mừng.
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 đã dự kiến bỏ chia hạng nhà giáo, dự kiến: “Mỗi chức danh nhà giáo được phân loại như sau:
a) Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;…”
Mới nhất, tại khoản 1, 2 Điều 14. Chức danh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 có dự kiến thay đổi về chức danh, phân hạng nhà giáo như sau:
“1. Chức danh nhà giáo bao gồm: Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, giáo viên dự bị đại học, giáo viên giáo dục thường xuyên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên cao đẳng sư phạm, giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên đại học.
2. Mỗi chức danh nhà giáo được phân hạng như sau:
a) Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;
b) Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).”
Như dự thảo mới nhất, nhà giáo ở bậc phổ thông vẫn còn hạng nhưng không phải hạng I, II, III mà sẽ phân hạng thành: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.
Chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.
Dự kiến bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo theo Dự thảo Luật Nhà giáo ra sao?
Tại khoản 4, Điều 14 dự thảo Luật Nhà giáo lần 3, dự kiến việc bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo (hiện nay là xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo) như sau:
“4. Việc bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo thực hiện như sau:
a) Nhà giáo được bổ nhiệm vào chức danh giáo viên, giảng viên hoặc trợ giảng sau khi được tuyển dụng theo quy định;
Tại điểm a này dự kiến, nhà giáo ở bậc phổ thông sau khi trúng tuyển và công nhận đạt sau quá trình tập sự sẽ được bổ nhiệm chức danh giáo viên.
b) Nhà giáo được bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn liền kề khi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn liền kề hạng chức danh đang giữ;
Muốn được bổ nhiệm chức danh cao hơn liền kề phải đạt tiêu chuẩn hạng chức danh liền kề, điều này sẽ được quy định trong các Thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
c) Người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục và có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp được cơ sở giáo dục xem xét đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn;
d) Nhà giáo của cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của Luật Giáo dục thì được bổ nhiệm đặc cách chức danh giảng viên cao cấp;
đ) Trường hợp nhà giáo khi chuyển cơ sở giáo dục mà chức danh nhà giáo đang giữ không phù hợp với vị trí việc làm ở cơ sở giáo dục mới thì được xét chuyển chức danh.”
Việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp từ giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp dự kiến được thay thế việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, II, III hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
[1] Dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3)
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.