Trong một buổi 213 học sinh thuộc bậc tiểu học và THCS của 2 xã Châu Hồng và Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) hiện đang học tại Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến bất ngờ bị chính quyền xã và trạm y tế xã “yêu cầu” phải cho một tổ chức lấy máu nhưng không rõ lý do khiến hàng trăm phụ huynh học sinh và người dân tại địa bàn 2 xã này hoang mang và bức xúc.
Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến nơi xảy ra sự việc hơn 200 em học sinh lấy máu không rõ lý do |
Không cho lấy máu bị phạt 50. 000, hạ hạnh kiểm
Cách TP. Vinh khoảng 150 km chúng tôi tìm về xã Châu Hồng và Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An nơi xảy ra sự việc gây xôn xao dư luận trong tiết trời lạnh buốt. Những cơn mưa phùn mùa đông càng khiến con đường đất vào địa bàn xã càng trở nên khó đi hơn. Vừa vào đến địa bàn xã Châu Hồng khi chúng tôi mới hỏi về sự việc trên người dân đã đổ xô tập trung lại để tỏ sự búc xúc.
Nhiều phụ huynh có con bị lấy máu vô cớ không kiềm chế được cơn bực bội: “Nhà báo xem ai đời bọn nó còn nhỏ, mới học có lớp 3, lớp 4 cũng bị lấy máu. Có đứa gầy còng queo vậy cũng bị lấy mà chính quyền và không có tổ chức nào cho chúng tôi biết họ lấy máu để làm gì cả”, một phụ huynh có con học lớp 6 bị lấy máu, trú tại xã Châu Hồng, bức xúc cho biết.
Những em học sinh nhỏ thế này cũng bị lấy máu |
Trong giọng kể vẫn còn run run vì sợ em Lê Thị H (học sinh lớp 6B, Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến ) nhớ lại: “Hôm đó là ngày 20/12/2012 chúng cháu đi học như thường. Đến trường thấy các thầy cô yêu cầu chúng cháu phải cho một đoàn công tác lấy máu. Nhiều bạn sợ định trốn thì bị doạ là sẽ phạt 50.000 đồng và hạ hạnh kiểm xuống loại yếu nên ai cũng phải nghe theo cả. Cháu và các bạn trong trường bị họ rút máu ở trên cánh tay bọn cháu. Có bạn còn bị lấy máu ở cả hai tay đau quá nên khóc. Có lúc mấy bạn bị lấy cùng một mũi kim. Sau khi lấy máu xong họ bơm vào cái bao như bàn tay, rồi nhiều bàn tay góp lại đầy xô, đầy xô này, họ mang lên xe cất, tiếp tục lấy xô khác. Cả trường cháu chỉ có một lớp 9 do cô chủ nhiệm lớp đó không đồng ý cho đoàn lấy máu nên lớp đó các anh chị không bị lấy và có khoảng 5 bạn thấy vậy đã bỏ trốn là không bị lấy máu còn tất cả đều bị lấy hết”.
Bức xúc trước vấn đề này bà Trương Thị H (trú tại xã Châu Tiến) phụ huynh có 2 con hiện đang học tại trường vừa bị lấy máu nói: “Chúng tôi không thấy nhà trường hay chính quyền thông báo gì đến việc lấy máu cho các cháu để làm gì. Cứ nghĩ các cháu đi học như bình thường nhưng khi về đứa con gái tôi thì kêu đau, còn thằng con trai cũng mặt mũi xanh lét sợ hãi cho biết vừa bị ép lấy máu. Bọn chúng nói trước khi lấy máu đều được cân kiểm tra đứa nào to khoẻ thì bị lấy ở cả hai tay, đứa nào nhỏ và yếu hơn thì bị lấy một tay. Chúng cũng không biết họ lấy từng nào cả. Chúng cho biết có đứa láy xong bị ngất thì được phát cho hộp sữa để uống. Giờ sư việc đã qua đi hai tuần nhưng giờ nghe đến chuyện này bọn chúng vẫn sợ. Có đứa còn không dám đi học. Nếu như để khám bệnh hay kiểm tra gì đó thì ít nhất chính quyền hoặc nhà trường cũng phải báo cho chúng tôi biết chứ. Chứ con chúng tôi còn nhỏ nó biết làm sao được”.
Có gia đình có 2 đứa con học cùng trường trên đều bị lấy máu như hai chị em này. |
Cùng chung nỗi bức xúc đó phụ huynh Lê Thị L và nhiều phụ huynh khác (trú tại xã Châu Hồng) có con học trong trường bị lấy máu cho biết: “Nếu như có tiêm phòng hay lấy máu để kiểm tra sức khoẻ cho các cháu thì cũng phải thông báo với phụ huynh chứ các chú. Đường này lên trường bắt các cháu phải cho máu. Không những vậy nhiều đứa vì sợ không muốn cho lại bị nhà trường “ép” phải cho không sẽ đánh vào kinh tế và hạnh kiểm. Chúng thì lấy đâu ra tiền lại sợ bị học hành kém bố mẹ nạt nên nhiều đứa sợ mà phải cho thôi. Mà ngay cả đến giờ chúng tôi cũng không biết đoàn lấy máu đó là của cơ quan hay tổ chức nào. Nếu cứ làm kiểu vậy nếu vấp phải những tổ chức có ý đồ xấu thì tính mạng con cái chúng tôi sẽ ra sao?”.
Nhiều phụ huynh còn bức xúc cho biết không chỉ nhà trường ép các em mà khi biết tin con mình ép lấy máu nhiều phụ huynh bức xúc nên tìm đến người dẫn đoàn đến trường lấy máu là Bác sỹ Đôn – Trạm trưởng trạm y tế xã Châu Hồng để hỏi thì bị vị bác sỹ này gằn giọng với sự thách thức: “Nếu con anh chết, tôi sẽ đền cho 10 triệu đồng”.
Theo sự phản ánh của các phụ huynh và học sinh học tại Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến thì đoàn công tác trên do Bác sỹ Đôn – Trạm trưởng trạm y tế xã Châu Hồng dẫn đến. Đoàn gồm có 10 người trong đó người đứng đầu tổ chức láy máu là một Bác sỹ tên Hiệp và 9 người khác đều thuộc trường Đại học Y khoa Vinh.
Chính quyền trốn tránh trả lời?
Sau khi nhận sự phản ánh của hàng trăm phụ huynh và học sinh tại hai xã Châu Hồng và Châu Tiến chúng tôi đã tìm cách liên hệ để làm việc với lãnh đạo của 2 xã này tuy nhiên hầu hết các cán bộ hai xã này đều tìm cách trốn tránh.
Chúng tôi tìm đến Trạm y tế xã Châu Hồng để gặp Bác sĩ Đôn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Hồng, người trực tiếp dẫn đoàn đến trường lấy máu các em nhưng ông không có mặt và cũng không nghe điện thoại.
Thầy Lữ Xuân Khầm - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến thừa nhận trong trường đã có 213 em đã bị tổ chức trên lấy máu. Tuy nhiên ông cũng phủ định một số thông tin mà phụ huynh và học sinh phản ánh |
Tiếp tục tìm đến Trụ sở UBND xã Châu Tiến để gặp ông Hoàng Quang Tiệp - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, để tìm hiểu về vấn đề này thì ông cũng không có mặt tại văn phòng ủy ban. Gọi điện thoại đề nghị xin gặp thì ông Tiệp nói: “Tôi đang bận việc gia đình” rồi cúp máy luôn...
Gặp ông Vi Văn Hà - Phó trưởng công an xã Châu Tiến (nơi có gần 100 em học sinh đang theo học và ở nội trú tại trường bị lấy máu) ông Hà cho biết: “Sau sự việc lấy máu của các em, nhiều phụ huynh không dám cho con tới trường, chính quyền UBND xã và công an huyện đã vận động, đến nay không còn em nào bỏ học, nhưng nhân dân vẫn vô cùng bức xúc”.
Tìm gặp ông Kim Văn Hường - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nhưng ông Hường cũng không có mặt tại trụ sở. Trao đổi qua điện thoại ông Hường cho biết: “Lấy hợp pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quỳ Hợp theo đề án kiểm tra bệnh tại quyết định của Trường Đại học Y khoa Vinh...”.
Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị cho xem quyết định, đề án thì ông Hường cho biết: “Đề án là theo quyết định, họ cầm đến, chúng tôi ký chứ chúng tôi không có bất cứ một thứ giấy tờ gì lưu lại”.
Tiếp tục tìm gặp thầy Lữ Xuân Khầm - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến thầy Khầm cũng cho biết là không có bất cứ một văn bản, công văn nào của cấp trên tổ chức lấy máu các em xét nghiệm.
Tuy nhiên, thầy Khầm cũng khẳng định người trực tiếp lấy máu các em là bác sĩ tên Hiệp làm trưởng đoàn và cùng với chín người khác của Trường Đại học Y khoa Vinh. Số học sinh bị lấy máu tại trường là 213 em. Tuy nhiên, thầy Khầm lại phủ nhận việc có một lớp 9 học sinh bị cô giáo không cho lấy và một số em bỏ trốn.
Ông Khầm còn cho biết thêm trước đó đoàn này đến đặt vấn đề trước với nhà trường, họ cũng hứa sẽ mang kết quả lại cho nhà trường nhưng đến nay vẫn chưa thấy.
Thừa nhận sai sót...
Qua trao đổi TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh cho biết: “Việc cán bộ của trường lấy máu của hơn 200 em học sinh tại hai xã Châu Tiến và Châu Hồng là có thực. Tuy nhiên, đó là dùng để nghiên cứu cho một đề tài khoa học mà đã được UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định cho phép vào tháng 2 năm 2012. Đề tài trên được nghiên cứu trên sự phối hợp của cán bộ Đại học Y khoa Vinh, Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An và Bệnh viện nhi Trung ương thực hiện. Và người làm Chủ nhiệm đề tài là Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Phú - Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh”.
Cũng theo thầy Tài thì đề tài nghiên cứu trên có tên là “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An”.
Trao đổi về vấn đề này TS Nguyễn Cảnh Phú - Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho hay: Bệnh Thalassemia là bệnh thiếu máu di truyền, hồng cầu vỡ, thiếu oxy trong cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan khác. Bệnh rất phổ biến ở Việt Nam, vùng Đông Nam Á, Trung Quốc…
Bệnh chỉ mang gen đột biến thì có thể chỉ bị thiếu máu nhẹ và ít khi cần phải điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp cả hai gen beta đều bị đột biến thì tình trạng thiếu máu thường rất nghiêm trọng, cần phải truyền máu thường xuyên và điều trị liên tục. Bệnh nhân thường biểu hiện ngay trong năm đầu đời và tiên lượng trong điều kiện y học hiện nay thường kém.
TS Nguyễn Cảnh Phú - Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thừa nhận để xảy ra sự việc vừa qua là do thiếu sót trong khâu tuyên truyền bàn đầu |
Nếu không được điều trị phù hợp lách, gan và tim sẽ giãn lớn. Xương trở nên mỏng và giòn. Sự tập trung bất thường của sắt (thứ phát sau khi hồng cầu vỡ) vào các cơ quan như tim, gan, tụy có thể làm cho các cơ quan này bị suy. Suy tim và nhiễm trùng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân này. Các đột biến gen gây bệnh thalassemia được khảo sát bằng kỹ thuật PCR, MLPA, giải trình tự gen (DNA sequencing).
Tại Việt Nam bệnh Thalassemia thường bị ở những dân tộc vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều phong tục lạc hậu. Trong đó các huyện thuộc Miền tây Nghệ An và vùng giáp Thanh Hoá có tỷ lệ mắc bệnh cao. Nguyên nhân gay nên bệnh này là do tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong một số đồng bào dân tộc thiểu số ít người.
"Trước đây nước ta chưa xét nghiệm được mẫu bệnh này, bây giờ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm được. Bệnh này vô cùng nguy hiểm, làm suy thoái giống nòi nên sau khi đi tham quan học hỏi thì năm 2012 trường đã xin phép UBND tỉnh làm đề án nghiên cứu về việc số người nhiễm bệnh này ở các đồng bào dân tộc Miền tây Nghệ An và được hội đồng khoa học UBND tỉnh. Ngày 24/12/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 5697/QĐ - UBND về phê duyệt danh mục 38 đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh năm 2012 thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó có đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An", TS Phú cho biết.
Trao đổi về vụ việc lấy máu của hơn 200 em học sinh tại xã Châu Hồng và Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp
gây bức xúc và xôn xao dư luận thời gian qua TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh cũng thừa nhận: “Do muốn nghiên cứu và tìm ra người mắc bệnh này thì cần phải lấy mẫu máu. Trước khi thực hiện lấy mẫu máu ban nghiên cứu đề tài cũng đã xin phép lãnh đạo địa phương và được đồng thuận chấp nhận. Và trước đó sẽ có cán bộ của đoàn đi tiền trạm tuyên truyền, thông báo cho gia đình các em biết. Tuy nhiên, trong đợt lấy máu vào ngày 20/12 vừa qua tại hai xã Châu Hồng và Châu Tiến do thiếu sót trong khâu thông báo, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh nên đã xảy ra sự việc hiểu nhầm đáng tiếc trên”.
Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Việc làm trên của Trường ĐH Y Khoa Vinh đã được thông qua huyện và chúng tôi đồng ý vì đây là một nghiên cứu khá mới và rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chuẩn bị chưa được tốt".
Trao đổi về sự việc trên TS Nguyễn Cảnh Phú - Phó hiệu trưởng ĐH Y Khoa Vinh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cũng thừa nhận: “Trước hôm lấy máu tôi cũng đã lên trước mấy ngày xin phép ý kiến của huyện Quỳ Hợp. Sau đó tôi và cán bộ Phòng y tế, phòng Giáo dục của huyện cũng đã xuống trường trao đổi. Tôi cũng đã đưa tài liệu cho cán bộ địa phương và nhà trường để phổ biến cho phụ huynh các em. Tuy nhiên do thời gian quá ngặt. Mẫu máu lấy xong cần chuyển về gấp để tiến hành bảo quản đúng quy trình nên xảy ra sai sót trong qua trình tuyên truyền, thông báo cho phụ huynh học sinh dẫn đến chuyện hiểu lầm trên. Qua sự việc này chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng tuyên truyền và giải thích cho người dân hiểu rõ hơn để không xảy ra tình trạng hiểu lầm trên nữa”.
X Hoà