LTS: Liên quan đến trường hợp 104 giáo viên ký hợp đồng giảng dạy trong suốt nhiều năm nhưng không hề được tham gia chế độ bảo hiểm.
Tác giả Hà Dung đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Cần minh định lại hợp đồng của các thầy cô đã ký được điều chỉnh bởi luật nào?
Không phải tất cả hợp đồng thỉnh giảng đều được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự mà có những trường hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định phải được xem là hợp đồng lao động.
Hợp đồng giảng dạy của thầy Trần Hữu Ty, trường trung học phổ thông Thái Phiên (Quảng Nam) được ký nhiều lần. Ảnh: TT |
Mà đã là hợp đồng lao động thì phải được hưởng các quyền lợi theo Bộ Luật Lao động quy định, nguyên tắc ký hợp đồng cũng phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Bộ Luật Lao động
Ngày 10/10/2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư số: 44/2011/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục.
Tại điều 7 của thông tư này quy định rất rõ về đối tượng ký hợp đồng thỉnh giảng và quy định sự điều chỉnh của pháp luật với các đối tượng này.
104 giáo viên hợp đồng nói Sở Giáo dục chỉ đạo nhà trường ký hợp đồng sai luật |
Theo đó, hợp đồng thỉnh giảng được chia thành 2 đối tượng là: Đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức và đối với nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, điều 7 của thông tư này quy định đối với trường hợp nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
a) Đối với các hoạt động nêu tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 Quy định này [1], hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động.
Việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng, việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, đối với các trường hợp nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công việc quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 Quy định này thì hợp đồng thỉnh giảng đó là hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Quay lại vụ việc của 104 giáo viên hợp đồng đã ký ở Quảng Nam, cần phải xác định rõ các thầy cô đã ký thuộc đối tượng nào?
“Đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi” |
Ở đây theo phản ánh thì phần lớn các giáo viên này không phải là cán bộ, công chức, viên chức và họ đang đảm đương các công việc theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều 2 của Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT.
Như vậy, chiếu theo thông tư này của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các hợp đồng đã ký với thầy cô phải được xem là hợp đồng lao động.
Mà đã là hợp đồng lao động thì các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ theo Bộ Luật Lao động.
Theo Bộ Luật Lao động thì các bên có thể tự giao kết, thỏa thuận hợp đồng nhưng không được trái pháp luật.
Bộ Luật Lao động có phân ra làm 3 loại hợp đồng là: Hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Như vậy, hợp đồng giảng dạy 9 tháng mà các thầy cô đang ký là hợp đồng mùa vụ (thuộc hợp đồng lao động).
Vậy hợp đồng mùa vụ này có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không? Tại điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội quy định rất rõ đối tượng áp dụng là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.[2]
Như vậy, theo điểm a khoản 1 điều 2 này, thì công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về mức đóng Bảo hiểm xã hội, thì theo quyết định số 595/QĐ-BHXH và nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội băt buộc thì từ ngày 01/06/2017 người sử dụng lao động phải đóng 17,5% so với tổng tiền lương và người lao động phải đóng 8% so với tổng tiền lương (chưa kể bảo hiểm y tế).
Theo đó, mọi thỏa thuận để không đóng Bảo hiểm xã hội hoặc viện lý do (ví dụ chi trả lương khoán) để không đóng bảo hiểm xã hội hoặc buộc người lao động phải đóng 100% mức bảo hiểm là vi phạm pháp luật lao động.
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=27150
[2] http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=30319