Đó là chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo cho các Sở Giáo dục và Đào tạo; các trường Trung học phổ thông trực thuộc về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng bộ GD&ĐT cho hay: Thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc... ".
Theo đó, bộ GD&ĐT đã có buổi giao ban về việc đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực học sinh. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ được tiến hành theo một lộ trình từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, từ hẹp đến rộng, từ kiến thức của một vài môn đến tổng hợp liên môn, nhiều lĩnh vực..., tiếp cận dần đến việc đổi mới hoàn toàn theo chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014. Ảnh minh họa |
Ông Hiển phân tích cụ thể việc đổi mới nội dung thi môn Ngữ văn như sau: Tập trung đánh giá hai kỹ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản. Đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.
Trước việc đổi mới nội dung thi môn Ngữ văn, để thi đạt kết quả tốt, các em cần có những cách thức ôn tập theo từng phần sao cho hợp lý.
Phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như: nội dung chính và quan trọng của văn bản, những từ ngữ, cú pháp cùng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản.
Chiếm phần trăm điểm lớn trong bài là phần kỹ năng viết. Ôn thi phần này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc, hiểu và phân tích văn bản theo hướng mở và tích hợp, cũng như rèn luyện các kỹ năng viết đúng chính ta, đồng thời viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống). Ngoài ra, cần có tri thức về văn bản viết (kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết). Như vậy, học sinh mới có thể viết tốt một bài văn.
Đặc biệt, về phần nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu.
Bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào chuẩn kĩ năng viết nói chung và chuẩn kĩ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt.