HV Nông nghiệp Việt Nam tổ chức triển lãm trưng bày sản phẩm NCKH của sinh viên

23/06/2024 15:21
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều tác phẩm, sản phẩm của sinh viên thu hút sự quan tâm bởi tính độc đáo, sáng tạo và ứng dụng cao, giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội hiện nay.

Chiều qua (ngày 22/6), Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức triển lãm “Khoa học và Công nghệ của sinh viên Học viện năm 2024” trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5), ngày sinh nhật Bác (19/5), 65 năm kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam (24/5) và hướng tới Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam khoá 35, nhiệm kỳ 2024 - 2027.

Buổi triển lãm được tổ chức nhằm trưng bày các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thầy và trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó là những sáng chế, tác phẩm đồ án tốt nghiệp của sinh viên được đánh giá xuất sắc trong năm học 2023 - 2024.

Các tác phẩm và sản phẩm tại khu vực triển lãm đã thu hút nhiều sự quan tâm bởi tính độc đáo, sáng tạo và ứng dụng cao, có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội hiện nay.

gdvn_gian hàng.jpeg
Khu trưng bày sản phẩm tại triển lãm “Khoa học và Công nghệ của sinh viên Học viện năm 2024”. Ảnh: Đào Hiền
gdvn_7.jpg
gdvn_5.jpg
Nhiều mô hình sáng chế của sinh viên cũng được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Đào Hiền

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Nhìn chung, tất cả các sản phẩm năm nay của sinh viên có sự đa dạng và phá cách hơn, đặc biệt là có tính ứng dụng cao và rất cần thiết để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong thực tiễn.

Không chỉ đánh giá cao các sản phẩm, tác phẩm trưng bày tại buổi triển lãm, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn bày tỏ sự bất ngờ và đánh giá cao năng lực sáng tạo của sinh viên cũng như phong thái chuyên nghiệp của các bạn qua các khâu thực hiện như nghiên cứu, trình bày và báo cáo tác phẩm.

“Triển lãm Khoa học và Công nghệ của sinh viên Học viện năm 2024 chính là nơi sinh viên có cơ hội trao đổi, giới thiệu và tìm hiểu những đề tài mới. Qua mỗi dự án nghiên cứu, sinh viên trưởng thành hơn nhờ kinh nghiệm và những kỹ năng sáng tạo, ý tưởng đột phá.

Về phía nhà trường, đội ngũ cán bộ giảng viên luôn nhiệt tình và tận tâm hỗ trợ sinh viên trong mọi hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học. Hướng dẫn các bạn từ khâu phát triển ý tưởng đến triển khai thành một sản phẩm thực tế, phân tích tính ứng dụng của sản phẩm trong thực tiễn, giải đáp câu hỏi nghiên cứu khoa học được dùng vào đâu và giải quyết được vấn đề gì?

Đây không chỉ là phong trào mà còn là văn hoá đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thể hiện trong tương lai", Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

gdvn_4.jpg
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan (áo tím) đến từng khu trưng bày để đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên. Ảnh: Đào Hiền

Có thể thấy, hàng chục sản phẩm, tác phẩm trưng bày tại buổi triển lãm chính là minh chứng cho chất lượng đào tạo và là kết quả cố gắng, nỗ lực của thầy trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian qua. Theo đó, để các sản phẩm của sinh viên có sự đột phá như hiện nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những chính sách đổi mới và chuyển hướng đào tạo nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Theo chia sẻ của Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, nhìn nhận và đánh giá những thay đổi và biến động từ thực tiễn, tư duy sáng tạo nông nghiệp cần chuyển đổi và phát triển sang tư duy duy kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 đẩy mạnh hội nhập quốc tế thì nhiệm vụ này cần được chú trọng, đề cao.

Trên cơ sở đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự nhận thức, đánh giá những đòi hỏi và yêu cầu từ thực tiễn. Qua đó, nhà trường có sự đổi mới trong chương trình đào tạo các ngành học từ việc ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, xây dựng giáo trình hiệu quả và chất lượng hơn.

“Nếu như không chủ động phổ cập và đổi mới định hướng đào tạo từ bây giờ thì tư duy nông nghiệp truyền thống sẽ rất khó có thể thay đổi. Mặt khác, nếu người học được trang bị tốt cả kiến thức và kỹ năng thì sẽ có nhiều triển vọng trong công việc ở tương lai.

Do đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam áp dụng chuyển đổi số trong đào tạo lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp sinh viên có thêm kiến thức và cơ hội phát minh ra những sản phẩm công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Đối với giáo trình, chúng tôi chủ động cập nhật kiến thức về chuyển đổi số và kinh doanh khởi nghiệp, chú trọng nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên và chất lượng đào tạo của nhà trường”, cô Lan nêu quan điểm.

gdvn_3.jpg
Các tác phẩm triển lãm thu hút nhiều sự quan tâm bởi tính độc đáo, sáng tạo và ứng dụng cao. Ảnh: Đào Hiền

Tham dự triển lãm với đề tài “Chuyển đổi số trong chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên", bạn Lường Kim Oanh - sinh viên K65 khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết cả nhóm đã dành thời gian 1 năm để triển khai và thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Dù gặp nhiều khó khăn song với tinh thần quyết tâm và sự nhiệt huyết, cả nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao.

Chia sẻ về cảm hứng trong việc lựa chọn chủ đề chuyển đổi số trong chăn nuôi gia súc, Kim Oanh cho hay qua quá trình học tập, bản thân đã nhận thấy vai trò quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả mọi lĩnh vực, trong đó bao gồm cả lĩnh vực chăn nuôi gia súc.

Trên cơ sở đó, em đã huy động một nhóm sinh viên cùng tham gia nghiên cứu. Mặt khác, nhờ sự tham vấn, hướng dẫn của các thầy cô trong khoa để có thể triển khai đề tài hiệu quả.

“Với ý tưởng ban đầu, chúng em đã nghiên cứu và tìm hiểu sâu những vấn đề liên quan chuyển đổi số để từ đó xác định hướng tiếp cận và triển khai đề tài.

Trong quá trình nghiên cứu, cả nhóm phải đối mặt với khó khăn về địa hình di chuyển của tỉnh Điện Biên cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận người dân để phổ cập nội dung chuyển đổi số trong chăn nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, chúng em rất cảm kích sự quan tâm của nhà trường, đặc biệt là sự hướng dẫn và hỗ trợ của thầy cô đã góp phần truyền lửa cũng như nhiệt huyết cho tất cả các thành viên để chúng em có thêm động lực hoàn thiện đề tài”, em Lường Kim Oanh chia sẻ.

Trong khi đó, bạn An Văn Tuấn (sinh viên năm cuối khoa Cơ - Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã mang đến triển lãm tác phẩm máy hàn ống tự động mà em sẽ sử dụng trong quá trình bảo vệ đồ án tốt nghiệp sắp tới.

gdvn_sv2.jpg
Bạn An Văn Tuấn (sinh viên năm cuối khoa Cơ - Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - tác giả tác phẩm Máy hàn ống tự động. Ảnh: Đào Hiền

Chia sẻ với phóng viên, Tuấn cho biết bản thân có ý tưởng sáng chế và xây dựng máy hàn ống tự động từ tháng tư năm ngoái khi em bắt đầu đi thực tập tốt nghiệp.

Theo đó, trong quá trình thực tập, Tuấn được chứng kiến, quan sát và làm việc giống như những công nhân hàn trong xưởng, nhà máy. Với sự trải nghiệm thực tế đó, em hiểu được những khó khăn và nguy hiểm trong quá trình làm nghề để từ đó có động lực và ý tưởng nghiên cứu sáng tạo một sản phẩm thực tế có khả năng giải quyết những hạn chế này.

“Quá trình hàn sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với mối hàn và khi đó sẽ sinh ra lượng nhiệt cao, đi kèm là khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công nhân. Đây chính là mối lo ngại của tất cả công nhân hàn hiện nay.

Bên cạnh đó, để hàn được đường ống thì cần tay nghề, trình độ chuyên môn cao và các doanh nghiệp, công xưởng, nhà máy cũng cần phải chi trả khoản chi phí lớn hơn hàn thông thường. Do đó, máy hàn ống tự động sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề này, công nhân sẽ không cần tiếp xúc trực tiếp với mối hàn mà thay vào đó là vận hành, điều khiển từ xa”, sinh viên An Văn Tuấn chia sẻ.

gdvn_tuần.jpg
Sinh viên An Văn Tuấn trình bày ý tưởng sản phẩm của mình trước các thầy, cô. Ảnh: Đào Hiền

Trong không khí hân hoan, phấn khởi của buổi triển lãm, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Tuynh - Bí thư Đoàn Thanh niên, Giảng viên khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh Học viện Nông nghiệp VIệt Nam cho hay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất chú trọng đến các hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Chính vì vậy, nhà trường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên Học viện triển khai và tổ chức rất nhiều cuộc thi nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Việc tạo ra 1 sân chơi ý nghĩa như vậy sẽ thu hút được sự tham gia của những sinh viên có đam mê nghiên cứu khoa học, là những mầm non nhân tài của đất nước. Qua mỗi cuộc thi, xã hội lại đón nhận những sản phẩm mang nhiều lợi ích cho thực tiễn.

Mặt khác, thầy Tuynh cho biết nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên đã được thương mại hoá và bán ra thị trường. Do đó, nhiều em dù còn đang học tập tại trường đã có nguồn thu nhập từ chính các sản phẩm mình kiến tạo lên.

“Nhà trường luôn tích cực đồng hành và hỗ trợ sinh viên cả trong quá trình nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm. Chúng tôi hy vọng rằng, không chỉ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam mà tại nhiều cơ sở giáo dục khác cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, khích lệ tinh thần sáng tạo của sinh viên để các em có nhiều cơ hội tỏa sáng và phát huy năng lực của chính mình. Qua đó, các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ ở mọi lĩnh vực sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội và kinh tế quốc gia", Thạc sĩ Nguyễn Trọng Tuynh chia sẻ.

Một số hình ảnh tại triển lãm “Khoa học và Công nghệ của sinh viên Học viện năm 2024”, diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

gdvn_.jpeg
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tác phẩm đến từ Liên chi đoàn Nông học. Ảnh: Đào Hiền
gdvn_.jpg
Nhiều sản phẩm của sinh viên đã được thương mại hoá và bán ra thị trường
gdvn_9.jpg
Mô hình Robot Delta trong dây chuyền phân loại và đóng gói sản phẩm đến từ Khoa Cơ - Điện
gdvn_5.jpg
Các tác phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng, tích hợp công nghệ cao
gdvn_6.jpg
gdvn_10.jpg
Ban tổ chức chấm điểm, đánh giá từng tác phẩm
gdvn_11.jpg
gdvn_16.jpg
Sinh viên giới thiệu về các sản phẩm, tác phẩm của nhóm mình. Ảnh: Đào Hiền
Đào Hiền