Số lượng các bài báo khoa học trên WoS, Scopus tăng nhanh
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy, đến nay nhiều cơ sở đào tạo chú trọng gắn kết đào tạo tiến sĩ với nghiên cứu khoa học, xem đây là điều kiện quan trọng để nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo có chất lượng, có giá trị khoa học và thực tiễn.
Nhiều đơn vị đã xây dựng chiến lược phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ...
Các tạp chí khoa học của các đơn vị được chú trọng đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng, uy tín. Số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục Scopus, ISI từ các cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh, trong đó có nhiều bài báo là sản phẩm của của các đề tài, dự án, chương trình khoa học cấp bộ của các đơn vị. Theo đó, số lượng các bài báo khoa học trên WoS tăng từ 2.107 năm 2016 lên 7.502 năm 2020 (tăng 3,56 lần), chiếm 69,1% tổng số bài báo WoS của các nước; số lượng bài báo công bố trên tạp chí SCOPUS tăng từ 4.735 năm 2016 lên 19.888 năm 2020 (tăng 4,20 lần), chiếm 92,4% số bài báo SCOPUS của cả nước.
Nhiều nghiên cứu sinh sau khi được công nhận học vị tiến sĩ được hợp tác, liên kết với với cơ sở đào tạo để tiếp tục nghiên cứu các đề tài, bài báo trong các lĩnh vực khoa học. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần phát triển lý luận khoa học chuyên ngành cũng như giải quyết các vấn đề thực tiễn; làm cơ sở để thực hiện chuyển giao công nghệ, phát minh, sáng chế. Cụ thể, tính riêng trong năm học 2019 - 2020, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ trên cả nước đã thực hiện 3.088 hợp đồng chuyển giao công nghệ, 67 bằng độc quyền sáng chế và 137 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo tiến sĩ được quan tâm hơn. Một số cơ sở đào tạo đã triển khai chương trình hợp tác đào tạo chất lượng cao trình độ tiến sĩ với đối tác nước ngoài. Được biết, hiện có 20 chương trình liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Cùng với đó là hình thức trao đổi, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo, thực hiện đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh bởi các nhà khoa học trong nước và quốc tế, mời các học giả quốc tế tham gia hội đồng đánh giá luận án của nghiên cứu sinh được tăng cường.
Việc gắn kết nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo tiến sĩ còn chưa tương xứng
Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát, việc gắn kết nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo tiến sĩ còn chưa tương xứng với tiềm năng. Tỉ lệ đề tài nghiên cứu trên số cán bộ, giảng viên của nhiều cơ sở đào tạo còn thấp, có nơi chỉ đạt tỉ lệ 0,07 đề tài/giảng viên/năm.
Tỉ lệ đề tài/dự án nghiên cứu khoa học gắn kết với hoạt động đào tạo tiến sĩ của nhiều cơ sở đào tạo còn hạn chế, không đồng đều ở các ngành đào tạo. Nghiên cứu sinh ít tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh hoạt tại đơn vị chuyên môn của cơ sở đào tạo. Nhiều cán bộ khoa học, giảng viên trẻ chưa được tạo cơ hội chủ trì đề tài khoa học lớn. Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa gắn với vấn đề thời sự của Bộ, ngành; chưa gắn với sản phẩm và địa chỉ ứng dụng cụ thể. Số lượng phát minh, sáng chế được công nhận chưa nhiều. Số lượng bài báo có chất lượng cao nhìn chung còn khiêm tốn.
Kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học còn hạn chế, chưa tương xứng với năng lực và tiềm năng. Theo kết quả điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2020, trong tổng số 150.089 cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của cả nước thì có trên 52,4% lực lượng đang công tác tại các trường đại học, học viện; tỉ lệ cán bộ làm nghiên cứu phát triển có trình độ tiến sĩ trở lên ở các trường đại học chiếm 74,4% (16.810 người) trong tổng số 22.578 tiến sĩ của cả nước. Trong khi đó, chi cho nghiên cứu phát triển tại các trường đại học, học viện chỉ chiếm 6,91% tổng chi cho hoạt động này (1).
Hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo trình độ tiến sĩ còn ở quy mô, phạm vi nhỏ hẹp, chưa mang tính chiến lược trong toàn ngành. Việc mời các nhà khoa học là Việt kiều, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ tại Việt Nam còn hạn chế.
Thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được mở rộng
Được biết, công tác đào tạo trình độ tiến sĩ được quy định chung tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, được điều chỉnh trực tiếp và chủ yếu tại các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, hệ thống quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan tới hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, bao gồm: Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ; các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; về mở ngành và cho phép, đình chỉ hoạt động đào tạo; về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Các quy trình, thủ tục hành chính trong đào tạo trình độ tiến sĩ được đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi và chủ động cho cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ. Trước năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết các hoạt động, từ tuyển sinh, giao nhiệm vụ đào tạo, đánh giá luận án, công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ…; cơ sở đào tạo chỉ tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động đào tạo.
Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDDT ngày 07/5/2009 quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (Quy chế 10/2009) phân cấp, phân quyền cho cơ sở đào tạo thực hiện tất cả các khâu từ tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo cho đến đánh giá luận án và công nhận trình độ, cấp bằng tiến sĩ. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm này tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
Tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm chất lượng đối với nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và giảng viên tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ được quy định ngày càng cao, tiệm cận với tiêu chuẩn của quốc tế. Điều này được thể hiện qua ở Quy chế 08/2017 đặt ra tiêu chuẩn cao về trình độ ngoại ngữ, yêu cầu cao về công bố công trình khoa học đối với cả nghiên cứu sinh lẫn giảng viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận án.
Cụ thể, nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ luận án ít nhất phải có 02 công bố quốc tế về kết quả nghiên cứu, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI-Scopus. Đối với người giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh, bên cạnh tiêu chuẩn cứng về chức danh khoa học, học vị, kinh nghiệm, năng lực hướng dẫn nghiên cứu… còn phải đáp ứng yêu cầu có công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học thuộc lĩnh vực khoa học liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có phản biện. Và mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm chất lượng đào tạo từ đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, người hướng dẫn cho đến quy trình tổ chức và quản lý đào tạo, quy định về chuẩn đầu ra trình độ tiến sĩ được cập nhật, cụ thể hóa theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và cơ bản tương thích với Khung tham chiếu các trình độ ASEAN, Khung trình độ Châu Âu.
Quy trình tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, đánh giá luận án ngày càng chặt chẽ. Trách nhiệm của nghiên cứu sinh, của đơn vị chuyên môn đào tạo, đơn vị tổ chức và quản lý đào tạo, hội đồng đánh giá các cấp và đặc biệt là trách nhiệm của người hướng dẫn được quy định chi tiết, bảo đảm khách quan và thực chất hơn.
Thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được mở rộng. Trước đây, quyết định cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc Giám đốc các Đại học Quốc gia đối với các đơn vị thành viên, trực thuộc). Từ năm 2012, Luật Giáo dục đại học (Điều 36) đã mở rộng quyền tự chủ mở ngành/chuyên ngành cho cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia có năng lực, đáp ứng đủ các điều kiện. Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018) và Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục mở rộng thẩm quyền này tới tất cả cơ sở giáo dục đại học đã được giao thực hiện tự chủ, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định, đạt chuẩn kiểm định chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tương ứng (trừ các lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng và an ninh).
Quy định về điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ tiến sĩ dần được hoàn thiện. Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT quy định, để được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, cơ sở đào tạo cần đáp ứng đủ các điều kiện: ngành đào tạo cơ bản phải có trong danh mục, có chương trình đào tạo, đề cương các học phần theo quy định; đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu đáp ứng yêu cầu đào tạo; có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các công trình hỗ trợ phục vụ đào tạo đáp ứng yêu cầu; có kinh nghiệm trong tổ chức và quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ cùng ngành/chuyên ngành và có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học.
Các tiêu chuẩn này được điều chỉnh, mở rộng, chi tiết hóa và nâng cao, bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn, tiệm cận với chuẩn chất lượng tiến sĩ của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chưa đồng bộ. Quy định về chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực chưa được ban hành kịp thời. Quy định về ngành, nhóm ngành đào tạo còn chưa thực sự hợp lý, một số ngành rộng, bao quát được xếp ngang hàng với những ngành hẹp.
Một số quy định về thời gian đào tạo (Thông tư số 10/2009 quy định nghiên cứu sinh được kéo dài tối đa thời gian học đến 07 năm kể từ ngày có quyết định công nhận đến khi trình luận án để bảo vệ nhưng không hạn định khoảng thời gian cụ thể từ khi thực hiện quy trình phản biện độc lập đến khi bảo vệ cấp trường; dẫn đến khoảng trống pháp lý trong xử lý các trường hợp vượt quá thời gian đào tạo trong giai đoạn này. Thời gian chuẩn trong đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 08/2017 chỉ có 03 năm (tối đa là 05 năm, kể cả thời gian gia hạn) nên hầu hết thí sinh không thể hoàn thành luận án theo đúng thời gian tiêu chuẩn đã quy định).
Chưa kể, yêu cầu về giảng viên cơ hữu có trình độ, học hàm, học vị trong đào tạo tiến sĩ, việc tính điểm công trình đối với giảng viên giảng dạy ở trình độ tiến sĩ và người hướng dẫn nghiên cứu sinh đã được sửa đổi, tuy nhiên khi áp dụng trong thực tế có khó khăn nhất định, nhất là đối với các Viện nghiên cứu và một số lĩnh vực đào tạo đặc thù (như kiến trúc quy hoạch, văn hóa nghệ thuật,…).
Tài liệu tham khảo:
(1) https://www.vista.gov.vn/thong-ke-kh-cn/so-lieu-thong-ke-5.html