Hãng tin CNN hôm 7/7 đã đăng tải bài viết giúp cho mọi người có thể thấy được toàn bộ quá trình Hy Lạp đi từ hy vọng đến bi kịch như hiện nay.
Năm 2001, Hy Lạp trở thành quốc gia thứ 12 và cuối cùng phê duyệt gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, còn gọi là eurozone và một năm sau đó, họ trở thành quốc gia đầu tiên đưa đồng tiền chung euro vào sử dụng.
Hy Lạp gia nhập eurozone với niềm hy vọng to lớn. |
Hy Lạp gia nhập eurozone với niềm hy vọng to lớn là nó có thể giúp nền kinh tế nước này phát triển ổn định hơn nữa. Đồng euro được tạo ra với một mục tiêu đầy tham vọng là giúp xóa nhòa khoảng cách kinh tế giữa các nước thành viên trong khối và giúp họ vươn lên trên các đối thủ khác.
Ban đầu, mọi thứ diễn ra đều tốt đẹp, không có vấn đề gì với các giao dịch tại ngân hàng hay máy bán hàng tự động. Đồng euro vượt qua cả đồng USD về giá trị nên tất nhiên, sự ra đời của nó đã được ca ngợi là một thành công lớn.
Tuy nhiên, để được gia nhập eurozone mỗi quốc gia phải chứng minh được rằng họ đủ khả năng "hội nhập kinh tế" với các thành viên khác nhằm để đảm bảo rằng họ không gây nguy hiểm cho đồng tiền chung.
Khi Hy Lạp được chấp thuận, Bộ trưởng Tài chính nước này Yannos Papantoniou đã mô tả đó là ngày đất nước của ông được ở trung tâm châu Âu. Nhưng ngay sau đó, các cảnh báo đã vang lên. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Wim Duisenberg lên tiếng cảnh báo rằng Hy Lạp còn có nhiều việc phải làm để cải thiện nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Những con số không có thật che giấu mức độ thật sự của thâm hụt ngân sách
Mức độ che giấu các vấn đề kinh tế của Hy Lạp đã khiến các thành viên còn lại thực sự kinh ngạc. |
Một trong những điều kiện của hội nhập kinh tế là không có thâm hụt ngân sách lớn hơn 3% GDP hoặc tổng sản phẩm quốc nội. Đó là một yêu cầu mà trên thực tế, không được tất cả các thành viên eurozone tuân thủ nghiêm túc trong những năm qua.
Tháng 3/2004, chính phủ trung hữu của Thủ tướng Karamanlis Konstantinos lên cầm quyền. Khi xem lại các số liệu, Konstantinos đã phát hiện ra một sự thật kinh khủng. Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp không phải là 1,5% như báo cáo mà thực chất là 8,3%, cao gấp hơn 5 lần.
Chính phủ Konstantinos khi đó thực sự cảm thấy bối rối trước sự thực gây sốc trên. Thời điểm đó, chỉ còn 5 tháng nữa là diễn ra Thế vận hội Olympic tại Hy Lạp. Đây là một cơ hội lớn mà quốc gia nào cũng mong muốn có được để tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.
Với suy nghĩ không muốn làm mọi người buồn và thất vọng, chính phủ Konstantinos thay vì phải có trách nhiệm công bố sự thật về mức độ thâm hụt ngân sách lại tìm cách tiếp tục che đậy nó.
Năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới và tạo ra những tác động ở mỗi nước một khác. Nhiều thành viên của EU bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Hy Lạp.
Đối với những quốc gia có ít sự chuẩn bị để đối phó với một cuộc suy thoái và có thâm hụt ngân sách lớn như Hy Lạp, những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nhanh chóng khiến người ta nhận thấy rõ các vấn đề của nó. Trong năm 2008, nguồn thu từ thuế sụt giảm mạnh, các lỗ hổng trong ngân sách tăng vọt đến mức không thể còn che giấu được nữa. Mức độ che giấu các vấn đề kinh tế của Hy Lạp đã khiến các thành viên còn lại thực sự kinh ngạc.
Tạo ra các khoản vay quốc tế để giải cứu Hy Lạp
Eurozone sợ sự ra đi của Hy Lạp sẽ tạo ra phản ứng domino tàn phá sự tồn tại của khối. |
Các quốc gia thành viên của eurozone rất lo sợ việc Hy Lạp vỡ nợ có thể khiến niềm tin ở cả trong và ngoài khối bị lung lay. Họ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải giúp đỡ Hy Lạp.
Năm 2009, xếp hạng tín dụng của Hy Lạp đều sụt giảm mạnh trên các bảng xếp hạng của Fitch và Moody. Cộng với việc che giấu số liệu thực tế trước đó, nhiều nhà đầu tư quốc tế trở nên e dè với cho Hy Lạp vì không còn tin vào khả năng trả nợ của Athens.
Do mất niềm tin trong mắt các nhà đầu tư, tình hình của Hy Lạp trở nên nguy hiểm hơn và có nguy cơ mất kiểm soát. Vì vậy, các nước khác trong khu vực châu Âu (được gọi là Troika gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)) đã đứng ra chống đỡ cho Hy Lạp.
Sau nhiều cuộc đàm phán, đến tháng 5/2010, các nhà lãnh đạo của Troika và chính phủ Hy Lạp đã nhất trí về các điều kiện của một khoản cứu trợ trị giá 110 tỉ USD. Tuy nhiên, đi kèm với gói cứu trợ này là các điều kiện nghiêm ngặt như Athens phải cải thiện chính sách thu thuế, tiết kiệm chi tiêu để dành lại sự cân bằng ngân sách.
Tiết kiệm chi tiêu đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải sa thải một loạt nhân viên nhà nước, cắt giảm lương và lương hưu, chi tiêu dịch vụ xã hội. Điều này kéo theo một loạt những tác động khác như tăng tỷ lệ thất nghiệp lên trong năm 2010, tăng thuế khiến các doanh nghiệp Hy Lạp lao đao khó cạnh tranh hơn.
Trong suốt 2 năm sau đó, nhiều cuộc biểu tình lớn đã xảy ra trên khắp Hy Lạp. |
Trong suốt 2 năm sau đó, nhiều cuộc biểu tình lớn đã xảy ra trên khắp Hy Lạp. Nhưng tiền cứu trợ cũng nhanh chóng trôi đi hết. Đến tháng 2/2012, chính phủ Hy Lạp lại chấp thuận một khoản vay khác với những điều kiện thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo hơn nữa để thanh toán các khoản nợ cũ đã đến hạn, nâng tổng số tiền vay lên tới 246 tỉ USD tương đương với 135% GDP của nước này lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, tình hình vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, ngân sách vẫn không thể cân bằng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần 30%, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng trên 50%.
Lương tối thiểu hàng tháng tại Hy Lạp đã giảm 22% trong năm 2012, từ 751 euro xuống còn 586 euro, lương công nhân bị cắt giảm trung bình 15% trong khoảng từ năm 2009 đến 2010, tờ Times cho biết.
Việc cắt giảm chi tiêu công tác động đặc biệt nghiêm trọng tới lương hưu, hiện đã giảm 40% so với năm 2009. Ngân sách dành cho y tế quốc gia của Hy Lạp cũng giảm khoảng 40% so với năm 2008, tờ New York Times cho biết.
Trong khi đó, thuế hàng hóa tại đi ngược lại với xu hướng thu nhập, tăng mạnh do thuế tăng cao. Thực tế này khiến đời sống của người Hy Lạp ngày càng bi đát hơn.
Năm 2015, Thủ tướng cánh tả Alexis Tsipras lên cầm quyền. Quan hệ giữa các tổ chức cho vay quốc tế và ông Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis có nhiều bất đồng đã gây cản trở cho các cuộc đàm phán. Thủ tướng Tsipras kiên quyết muốn xóa bỏ các điều kiện thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt của các chủ nợ.
Vào cuối tháng 6/2015, Hy Lạp từ chối trả nợ cho IMF như thỏa thuận do các ngân hàng bắt đầu cạn tiền. Để cầm cự, chính phủ Athens đã ban hành một số biện pháp để kiểm soát vốn như hạn chế lượng tiền mặt được rút từ các tài khoản người gửi.
Lối thoát nào cho Hy Lạp?
Người Hy Lạp phản đối thắt lưng buộc bụng. |
Các nhà phân tích khắp châu Âu và ở nước ngoài xem kết quả trưng cầu dân ý, trong đó 61% người dân Hy Lạp nói "không" với các điều kiện thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ quốc tế là sự đồng nghĩa với việc nói "không" với sự ở lại eurozone.
Tuy nhiên, Thủ tướng Tsipras đã trấn an dư luận khi cho biết kết quả này sẽ không đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ ngay lập tức rời eurozone mà thay vào đó giúp Athens đạt được vị thế cao hơn trong bàn đàm phán với các chủ nợ.
Tờ US News ngày 6/7 dẫn lời Peter Morici, Giáo sư kinh tế và kinh doanh tại Đại học Maryland, cũng cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ tiếp tục làm nền kinh tế Hy Lạp khó khăn hơn. Ông cho biết, Hy Lạp cần một chương trình cải cách mạnh mẽ với những điều kiện "dễ thở hơn" để vực dậy nền kinh tế.
Cho đến thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tìm thấy một giải pháp nào chắc chắn và hiệu quả cho Hy Lạp. Điều đó đồng nghĩa với việc tương lai của quốc gia này vẫn còn nhiều bấp bênh và tranh cãi./.