Sự cẩn trọng cần thiết sau sự cố
Sau 10 ngày tạm nghỉ do sự cố học sinh ngộ độc thực phẩm, ngày 28/11, Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) mở cửa đón học sinh trở lại trường.
Ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng iSchool Nha Trang, cho biết, theo tham vấn của các chuyên gia, bác sĩ và kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh cùng với sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, hai tuần đầu nhà trường không tổ chức bán trú, mà giảng dạy và học tập một buổi mỗi ngày cho tất cả học sinh các khối tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, iSchool Nha Trang đã mời Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa phun thuốc Chloramin B khử khuẩn toàn trường lần thứ hai. Bên cạnh đó, nhà trường đã chủ động mời bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, dinh dưỡng theo dõi sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng cho học sinh trong giai đoạn đầu trở lại trường. Trong khi chờ kết quả trưng cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm mẫu nước uống tại trường, nhà trường chuẩn bị nước uống tinh khiết Sana cho học sinh.
ISchool Nha Trang mời Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa đến trường thực hiện phun thuốc Chloramin B khử khuẩn toàn trường lần hai. |
Các bậc phụ huynh cũng đưa ra kiến nghị nhà trường phải có biện pháp cụ thể, đảm bảo an toàn thực phẩm khi tổ chức học tập bán trú, thực phẩm trong suất ăn của học sinh bán trú phải được giám sát an toàn và công khai thực đơn mỗi ngày cho phụ huynh.
Ban Giám hiệu iSchool Nha Trang đang thực hiện chi trả toàn bộ viện phí cho học sinh và chi phí chăm sóc các trường hợp điều trị tại nhà. Việc chi trả toàn bộ chi phí này được duy trì đối với với các ca tái khám sau này cho đến khi tất cả các học sinh hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường. Được biết, hiện tại có gần 300 phụ huynh đã được hoàn trả viện phí.
Ngày 29/11, ngày thứ 2 sau khi iSchool Nha Trang hoạt động trở lại, hầu hết học sinh đã hồi phục sức khỏe và quay lại trường học. Việc đa số học sinh khoẻ mạnh và trở lại trường học cho thấy tầm quan trọng của việc xử lý kịp thời và đúng chuyên môn, với sự phối hợp của nhà trường, gia đình và các chuyên gia, bác sĩ.
Cần một quy trình chuẩn cho ứng phó rủi ro
Trước đó, sáng ngày 18/11/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm y tế, Phòng Y tế Thành phố Nha Trang đã đến trường để kiểm tra và có biên bản kết luận: không phát hiện sai phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành quy định của một bếp ăn công nghiệp tốt, nhà bếp tách biệt và chia khu vực sơ chế, nấu, chia thức ăn, bảo quản thức ăn riêng sạch sẽ; Nhân viên bếp có khám sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân, trang thiết bị chuyên dụng; Việc lưu mẫu đúng quy định theo QĐ 1246/2017 của Bộ Y tế, lưu mẫu đúng thời gian và có tủ lưu mẫu, dụng cụ lưu mẫu riêng. Tuy nhiên, sự cố xảy ra là lời cảnh báo nghiêm khắc đến việc giám sát an toàn thực phẩm cho các em học sinh trên cả nước nói chung, không được lơ là chủ quan, dù là vấn đề nhỏ nhất.
Các em học sinh trở lại trường học với sự đảm bảo sức khỏe và kiểm soát khắt khe qu trình về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Trước sự cố của iSchool Nha Trang, nhiều trường học trên cả nước đã kiểm tra toàn bộ quy trình đưa thực phẩm vào trường học. Chẳng hạn, ngày 25/11/2022, Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo, giao Phòng Chính trị tư tưởng của Sở tăng cường tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, an ninh trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác tư vấn học đường tại các trường học.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.800 cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn cho học sinh với hình thức tổ chức bếp ăn tại chỗ và hợp đồng cung cấp suất suất ăn công nghiệp.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay trường học là đối tượng ưu tiên trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác tập huấn các kiến thức cơ bản về chế biến thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho những người tham gia vào bếp ăn tại các trường học, không chủ quan, lơ là. Đối với các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm đảm bảo nguồn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hằng ngày.