Kẻ xấu từ đâu vào chọc phá, trêu ghẹo cả cô lẫn trò ở lớp học trực tuyến?

15/04/2020 06:41
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Một số hiệu trưởng thừa nhận: Việc tổ chức dạy trực tuyến theo kiểu mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một kiểu. Nguyên nhân là do thiếu chỉ đạo đồng bộ, thống nhất.

Tiết học trực tuyến của học sinh lớp 10, trường Trung học Phổ thông Phú Xuyên A (Hà Nội) thường xuyên bị gián đoạn vì giáo viên liên tục nhắc nhở 2 “học sinh” có “nickname”: Huấn Hoa Hồng và Ngô Bá Khá.

Cả lớp ồ lên cười trong khi giáo viên không hiểu chuyện gì: “Mời hai em Huấn Hoa Hồng và Ngô Bá Khá học hành nghiêm túc nếu không tôi sẽ mời phụ huynh lên làm việc”.

Mấy ngày gần đây, nhiều giáo viên phản ánh một số đối tượng xấu vào phá những lớp học trực tuyến. Hiện tượng này đã manh nha được một thời gian và nhiều giáo viên đã lên tiếng phàn nàn.

Vẫn còn đó một bộ phận giáo viên không… chịu lớn
Vẫn còn đó một bộ phận giáo viên không… chịu lớn

Nhìn sâu rộng hơn, từ câu chuyện nhỏ nhất là phần mềm học trực tuyến chỉ ra một thực tế rằng: Giáo viên đang thiếu những hướng dẫn cụ thể về công cụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, giáo án, chương trình học. 

Hình thức dạy-học trực tuyến hiện nay vẫn được tổ chức theo kiểu mạnh ai người đấy làm.

Việc tổ chức dạy- học trực tuyến chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các trường, hiệu trưởng và giáo viên.

Dễ thấy, trong cùng một đơn vị cấp xã, giữa các trường cũng đã có sự khác nhau về tổ chức dạy trực tuyến. Thậm chí giữa các giáo viên trong trường đã có sự khác biệt. Vì thế sai số trong chất lượng giáo dục của từng địa phương là không thể tránh khỏi.

Cô giáo Lê Thu Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Ngay từ khi nhận nhiệm vụ dạy trực tuyến tôi đã biết việc này rất khó triển khai vì thiếu sự đồng bộ. Câu chuyện phần mềm dạy học chỉ là một ví dụ tiêu biểu. 

Hiện nay, việc học trực tuyến theo kiểu mạnh ai người đấy làm. Có những trường, giáo viên sử dụng phần mềm zoom. Điều này dẫn đến những hạn chế như những tiết học chỉ được 40 phút, người lạ vào phá lớp. 

Vì thế chúng tôi kiến nghị nếu tiếp tục tổ chức dạy trực tuyến trong những năm sau cần xây dựng một kế hoạch triển khai cho cụ thể, cần có những phần mềm chuyên biệt cho việc dạy học. 

Bên cạnh đó cũng cần có những chương trình, giáo án dành cho giáo viên dạy-học trực tuyến”.

Việc tổ chức dạy-học trực tuyến hiện nay theo kiểu mạnh ai nấy làm (Ảnh:A.N)
Việc tổ chức dạy-học trực tuyến hiện nay theo kiểu mạnh ai nấy làm (Ảnh:A.N)

Không thể phủ nhận hình thức dạy-học trực tuyến đang là phương án tối ưu trong mùa dịch Covid-19 năm nay. Tuy nhiên ngay trong quá trình triển khai, hình thức dạy-học trực tuyến cũng nảy sinh nhiều vấn đề.

Trong đó một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu sự chỉ đạo cụ thể hóa việc dạy-học trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo sư Phạm Tất Dong kể lại: “Hai năm trước đây trong một hội nghị giữa các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi đã nêu lên quan điểm: Việc học phải triển khai mọi lúc, mọi nơi thông qua nhiều kênh khác nhau. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19, học sinh không đi học. Nhưng chúng ta phải hiểu không đi học tức là không học ở trường học chứ không phải là thôi luôn không học. 

Không học ở trường thì học sinh học ở nhà, học trực tuyến, học qua truyền hình. Nhận định này trong đợt dịch Covid-19 năm nay mới được Bộ đánh giá là đúng và nhìn xa trông rộng.

Tuy nhiên việc học trực tuyến hiện nay vẫn mang hình thức chữa cháy, chưa phát huy tối đa hiệu quả. 

Trong tương lai tôi cho rằng việc dạy-học qua trực tuyến cần được công nhận. Muốn thế thì Bộ cần có những chỉ đạo thống nhất thực hiện trên cả nước”.

Dạy-học trực tuyến cần được công nhận như một hình thức giáo dục thay vì chỉ coi là giải pháp chữa cháy, tạm thời (Ảnh:L.T)
Dạy-học trực tuyến cần được công nhận như một hình thức giáo dục thay vì chỉ coi là giải pháp chữa cháy, tạm thời (Ảnh:L.T)

Theo phản ánh của nhiều hiệu trường, việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay các trường vẫn đi theo lối “ném đá dò đường”.

Thầy N.T.B, hiệu trưởng một trường cấp 2 tại Lào Cai cho biết: “Việc dạy trực tuyến là một hình thức mới lạ đối với chúng tôi cho nên việc tổ chức rất khó từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giáo án cho đến cách triển khai. 

Tại các tỉnh/ thành phố lớn học sinh sẽ có nhiều ưu thế hơn so với học sinh vùng cao mà việc học còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay nhà trường chủ yếu tổ chức dạy trực tuyến thông qua kinh nghiệm và sự sáng tạo của các thầy cô. 

Chúng tôi mong rằng các cơ quan tham mưu của Bộ và Sở sẽ sớm có những chỉ đạo, hướng dẫn cho các trường”.

Bộ Giáo dục cảnh báo tình trạng xâm nhập vào lớp học online để tung tin xấu, độc
Bộ Giáo dục cảnh báo tình trạng xâm nhập vào lớp học online để tung tin xấu, độc

Sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai dạy-học trực tuyến làm khó nhà trường, giáo viên và cả học sinh.

Về phía nhà trường: Việc tổ chức dạy học trực tuyến chủ yếu dựa vào năng lực, kinh nghiệm của hiệu trưởng.

Thực tế chỉ ra rằng có những trường việc dạy trực tuyến kém hiệu quả do hiệu trưởng “mù tịt” công nghệ thông tin. 

Về phía giáo viên: Do chưa được tập huấn từ trước cũng như không có khung chương trình, giáo án, cho nên giáo viên phải tự mày mò, sáng tạo các hình thức dạy-học. Có không ít giáo viên lớn tuổi phải nhờ con cháu dạy cách vào zalo, các phần mềm khác để dạy học sinh.

Về phía học sinh: Việc học trực tuyến được triển khai thiếu đồng bộ tại các địa phương, giữa các trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng một phần đến sự phân hóa chất lượng giáo dục năm nay. Như vậy việc tổ chức thi chung liệu có đảm bảo sự công bằng?

Các chuyên gia giáo dục băn khoăn: Trong tương lai không biết rằng liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có công nhận hình thức dạy và học trực tuyến hay không? Hay Bộ chỉ coi đây là giải pháp chữa cháy trong năm học này.

Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Việc dạy-học trực tuyến phải coi là giải pháp căn cơ trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục. Không chỉ trong năm nay mà những năm tiếp theo trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, học trực tuyến vẫn được coi là một giải pháp tối ưu. Nếu muốn thế Bộ phải có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về hình thức dạy trực tuyến”.

Việc tổ chức dạy-học trực tuyến giữa các địa phương có sự khác biệt không tránh khỏi sai số chất lượng giáo dục giữa các tỉnh/thành (Ảnh minh họa:thainguyentv.vn)
Việc tổ chức dạy-học trực tuyến giữa các địa phương có sự khác biệt không tránh khỏi sai số chất lượng giáo dục giữa các tỉnh/thành (Ảnh minh họa:thainguyentv.vn)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Việc hướng dẫn dạy học qua truyền hình, online đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020 của Bộ vừa qua chỉ mang tính chất định nghĩa, chung chung chứ không mang tính chỉ đạo địa phương thực hiện như thế nào.

Khi học trực tiếp thì từng giáo viên, từng nhà trường đều có kế hoạch dạy học cho lớp, trường mình, còn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay Bộ cần ra kế hoạch chung cho thầy cô, học sinh cả nước, lớp 1 phát sóng kênh nào, lớp 2, lớp 3,… rồi đến lớp 12 phát sóng kênh nào để nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo tới học sinh, cha mẹ học sinh.

Do vậy, những câu chuyện dở khóc, dở cười mà chúng ta chứng kiến trong quá trình dạy-học trực tuyến chỉ là biểu hiện của một vấn đề chung: Đó là sự thiếu chỉ đạo thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai học-dạy trực tuyến.

Cô Lê Thu Phương kết thúc câu chuyện: “Chúng tôi là những người trực tiếp dạy trực tuyến nên đã nhìn ra vấn đề này. Tuy nhiên bây giờ giáo viên chúng tôi cần là 1 phần mềm có tính bảo mật, áp dụng trên cả nước thay vì những chỉ đạo chung chung như kiểu sẽ xử lý đối tượng phá lớp. Cốt lõi vấn đề là một giải pháp chung chứ không phải một giải pháp chữa cháy”.

Vũ Ninh