Ngày 22/01, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt, tri ân và ký thoả thuận hợp tác với hơn 20 đơn vị nhằm triển khai chương trình “Kết nối nguồn lực - xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025”.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025; hưởng ứng Chương trình “Điều ước cho em”, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT ngày 11/01/2021 về việc “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025”.
Mục đích của Kế hoạch là kết nối nguồn lực xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng trường học an toàn, thân thiện, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp, cơ sở vật chất theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới hải đảo, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tâp trung vào một số nội dung như:
Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng kỉ niệm chương cho các tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng ngành (ảnh: Thế Đại) |
Triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu, phần mềm hỗ trợ việc dạy và học; hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập.
“Hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi gặp mặt nhằm tri ân, tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế đã có sự phối hợp, chia sẻ cùng ngành Giáo dục trong thời gian qua; ký kết một số thỏa thuận, hợp tác với một số tổ chức, doanh nghiệp về phối hợp xây dựng trường học an toàn, thân thiện trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, đồng hành nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giữ vai trò kết nối nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở giáo dục”, Thứ trưởng Minh nói.
Thứ trưởng thông tin thực trạng hiện nay, do ngân sách Nhà nước có hạn, cùng với ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước hiện nay vẫn còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất: có 33,6% số trường thiếu phòng học, 31% số trường thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh tạm bợ, 61% số trường có nhà vệ sinh không đạt chuẩn.
Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em, học sinh nghèo vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc, sách vở, đồ dùng học tập. Mặt khác môi trường sống tại gia đình, cộng đồng và trường học còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, học sinh.
Tỷ lệ trẻ em, học sinh bị tai nạn thương tích, đuối nước cao nhất so với các nước ở Đông Nam Á và cao hơn gấp 10 lần các nước phát triển, chủ yếu xảy ra ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng ứng xử chưa văn hóa trong học sinh đôi lúc vẫn còn diễn ra một số địa phương.
Được biết, thời gian qua toàn ngành Giáo dục cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả để đảm bảo an toàn sức khỏe, cơ sở vật chất trường học; đồng thời, nhận được sự ủng hộ, đóng góp và đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân, tập thể trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay, các trường vẫn đứng trước khó khăn lớn là thiếu phòng học bộ môn và trang thiết bị, ảnh hưởng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, cùng ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân trong và ngoài nước đồng hành với ngành Giáo dục triển khai thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Đây chính là nguồn động viên thiết thực, to lớn giúp các trường, điểm trường, giáo viên, học sinh vùng khó khăn có điều kiện dạy - học tốt hơn.