Kết quả kiểm định là căn cứ hữu ích giúp thí sinh lựa chọn ngành học và nơi học

20/02/2024 06:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -“Điều quan trọng là phải không ngừng hoàn thiện và thúc đẩy hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, nghĩa là thực sự từ chính bên trong của cơ sở GDĐH...”

Giáo dục đại học Việt Nam đã có tròn 20 năm thực hành bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng (gồm kiểm định cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo) là quy định bắt buộc đã được luật hóa.

Đến nay, hoạt động này đã trở thành yếu tố mang tính sống còn đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín, vị thế và là phương tiện để hội nhập với nền giáo dục toàn cầu.

Kiểm định chất lượng tác động mạnh mẽ đến quản trị và hoạt động của trường đại học

914de6ec954f3e11675e-1640.jpg
Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thành Việt - Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục kiêm Thư ký Hội đồng Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Là người trực tiếp tham gia vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thành Việt - Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục kiêm Thư ký Hội đồng Đại học Đà Nẵng khẳng định, vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đã có tác động rất lớn đến các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật 34) có hiệu lực kể từ 01/7/2019 đã đưa bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học là một trong những điều kiện để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo…

Theo Phó giáo sư Việt, để đáp ứng các yêu cầu trên, cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện tốt công tác bảo đảm chất lượng giáo dục để có thể đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học buộc phải quan tâm tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành – thí nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng chương trình đào tạo, cải tiến quản trị đại học cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, đáp ứng yêu cầu của người học và các bên liên quan.

Hiện nay chu trình PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Điều chỉnh) hay khái niệm cải tiến liên tục (continuous improvement) đã trở nên quen thuộc và được áp dụng rộng rãi trong hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại nhiều cơ sở giáo dục đại học. Để đạt được các tuyên bố trong tầm nhìn, nhiều trường đại học đã xây dựng chiến lược phát triển với các chỉ số cụ thể, thiết lập chính sách chất lượng và các mục tiêu chất lượng rõ ràng, thực hiện chuyển đổi số trong trường đại học, theo dõi giám sát thường xuyên các chỉ số hoạt động, đảm bảo hiệu quả vận hành của nhà trường.

“Như vậy, có thể nói kiểm định chất lượng đã tác động mạnh mẽ đến cả việc quản trị đại học và hiệu quả hoạt động của trường đại học”, Trưởng Ban đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng đánh giá.

Nhấn mạnh đến một số thành tựu mang tính định tính, chuyên gia kiểm định chất lượng Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (hiện là Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông) chia sẻ:

“Trước khi có các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo), hằng năm các cơ sở giáo dục đại học cũng đã đưa ra các kế hoạch và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng; tuy nhiên, có thể nói mỗi cơ sở giáo dục đại học hướng đến “chất lượng” theo quan điểm và góc nhìn riêng”.

lvh-2-8391.jpg
Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo - Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia, các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đã cung cấp một cách tiếp cận và định hướng chung mang tính toàn diện để từ đó các cơ sở giáo dục đại học có thể xây dựng các giải pháp phát triển phù hợp với nguồn lực và mục tiêu riêng. Nhiều cơ sở giáo dục đã dựa hẳn vào các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục làm công cụ để quản lý chất lượng; áp dụng để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển hằng năm.

Trong quá trình xây dựng, cải tiến các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế và các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của nước ngoài, đặc biệt từ tổ chức AUN-QA (đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á). Cách làm này đã giúp các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam từng bước tiệm cận đến các chuẩn mực chất lượng chung về giáo dục đại học của khu vực và thế giới, và vì vậy cũng đã giúp các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam từng bước hội nhập với giáo dục đại học của khu vực và thế giới.

Đi đôi với quá trình ban hành các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và các văn bản pháp quy liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã tổ chức rất nhiều lớp bồi dưỡng năng lực về quản trị đại học, bảo đảm chất lượng, phát triển chương trình đào tạo,… cho nhân sự của các cơ sở giáo dục. Phó giáo sư Hảo đánh giá, nhờ những hoạt động này, đến nay sự hiểu biết về công việc của đội ngũ làm công tác quản trị, quản lý các cấp trong hệ thống giáo dục đại học đã được nâng lên rất đáng kể.

Ngoài ra, thông qua các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, nhất là ở cấp cơ sở giáo dục, nhiều khái niệm và cách làm mới về quản trị nhà trường như Sứ mạng, Triết lý giáo dục, chỉ số KPI, Dashboard, … cũng từng bước được các trường làm quen, tìm hiểu và áp dụng mang lại hiệu quả.

“Có thể nói việc thực hiện theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đã tạo động lực đáng kể trong việc đổi mới, cải tiến công tác quản trị, quản lý của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”, chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Hảo đánh giá, quá trình tham gia kiểm định chất lượng giáo dục đã giúp các cơ sở giáo dục, ngoài việc đảm bảo các chuẩn mực tối thiểu, đã phát triển nhu cầu tham gia vào các bảng xếp hạng đại học trên thế giới như là một cách để từng bước khẳng định giá trị và thương hiệu của mình đối với giáo dục đại học của khu vực và thế giới.

Đến nay, ghi nhận thực tế đã có một số cơ sở giáo dục Việt Nam có mặt trên các bảng xếp hạng uy tín của khu vực và thế giới. Theo chuyên gia, đây là một xu hướng rất cần được khuyến khích và được định hướng để tạo động lực phát triển cho cả hệ thống giáo dục đại học.

Đặc biệt, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã giúp tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước và xã hội về chất lượng giáo dục đại học; cung cấp một nguồn thông tin có giá trị để người học lựa chọn ngành học và nơi học.

hust (2).jpg
Theo kết quả xếp hạng đại học thế giới 2024 - THE WUR 2024 của tổ chức xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học trong tổng số 1.904 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Huế. Ảnh minh họa: HUST

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào, tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 187 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học (chưa tính các cơ sở giáo dục thuộc khối trường công an, quân đội), như vậy còn khoảng 55 cơ sở giáo dục đại học còn lại chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn trong nước).

Phân tích về nguyên nhân vẫn còn một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam chưa tham gia hoặc chưa đạt kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục, Phó giáo sư Lê Văn Hảo thông tin, bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục hiện hành gồm 25 tiêu chuẩn 111 tiêu chí (Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn (1).png

Chuyên gia đánh giá, các tiêu chuẩn, tiêu chí tại Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT không quá khó để cơ sở đào tạo có thể đạt được, tuy nhiên yêu cầu sự phát triển toàn diện ở mọi mặt của nhà trường về công tác quản trị chung, công tác quản lý ở các cấp, hoạt động đảm bảo chất lượng của cả hệ thống và ở mỗi lĩnh vực, các thành tựu ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; và bao trùm trên tất cả là cơ chế và tính hiệu quả của hoạt động không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng toàn diện.

Theo đó, một số cơ sở giáo dục thành lập chưa lâu nên cần thêm thời gian để đáp ứng tính toàn diện của bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Một số cơ sở giáo dục tuy đã có ‘thâm niên’, nhưng chưa chú trọng nhiều đến tính hiệu quả của cả hệ thống quản trị, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng và các hoạt động cải tiến chất lượng nên kết quả đánh giá chưa đủ để đạt được các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, còn có một số cơ sở giáo dục đại học mới hình thành trên cơ sở nâng cấp từ trường cao đẳng nên chưa đáp ứng được yêu cầu có ít nhất một khóa người học đã tốt nghiệp để có thể triển khai kiểm định chất lượng giáo dục và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Về chương trình đào tạo, toàn quốc có 1.611 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận, trong đó có 1.125 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 486 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác kiểm định chương trình đào tạo, Phó giáo sư Lê Văn Hảo nhận định: “Số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng giáo dục tăng nhiều trong thời gian qua phản ánh nỗ lực rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nếu so với mục tiêu của quốc gia (ban hành theo Quyết định 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022) là tới năm 2025 cả nước có ít nhất 35% chương trình đào tạo (trong tổng số khoảng 6500 chương trình đào tạo) đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất thì hệ thống cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.

Dù vậy, với nguồn lực kiểm định chất lượng hiện nay cùng những kết quả đã và đang đạt được, Phó giáo sư Lê Văn Hảo bày tỏ tin tưởng mục tiêu này “là có thể đạt được”:

“Hiện nay, với hoạt động của 7 tổ chức trong nước, 10 tổ chức ngoài nước được công nhận hoạt động tại Việt Nam, cùng với sự bổ sung đáng kể về đội ngũ kiểm định viên trong thời gian tới thông qua các kỳ thi sát hạch kiểm định viên do Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức thì chỉ tiêu trên là có thể đạt được”.

Với thực tế số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định ngày càng tăng, Phó giáo sư Đinh Thành Việt nhận định, điều này cho thấy là ngoài yêu cầu bắt buộc phải kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học đã nhận thức được việc nâng cao chất lượng là biện pháp quan trọng để quảng bá chính mình, nâng cao học hiệu, thu hút người học.

Kiểm định chương trình đào tạo đã tạo ra một cơ chế và áp lực nhất định buộc các trường đại học phải tự hoàn thiện và nâng cao chất lượng chính chương trình đào tạo của mình để có thể đạt hoặc vượt trội so với các tiêu chuẩn chất lượng. Để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, nhiều trường đại học đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo theo chuẩn đầu ra.

“Nếu như trước đây các chương trình đào tạo thường được thiết kế dựa trên những giáo trình có sẵn thì ngày nay các trường đã biết định hướng lấy ý kiến của doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đặc biệt là chuẩn đầu ra.

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo có thể xem như cam kết của nhà trường về các kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm mà người học sẽ đạt được ở thời điểm hoàn thành xong chương trình đào tạo”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt lấy dẫn chứng.

Về lâu dài, để phù hợp với xu thế kiểm định chất lượng ngành/chuyên ngành trên thế giới và đáp ứng yêu cầu đánh giá theo các chuẩn chương trình đào tạo đang được xây dựng theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Phó giáo sư Lê Văn Hảo đề xuất cần có lộ trình để cập nhật hoặc xây dựng mới các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo hướng chuyên ngành/nhóm ngành/lĩnh vực đào tạo và chuẩn bị đội ngũ kiểm định viên phù hợp.

Yếu tố bên trong quyết định “văn hóa chất lượng” thực sự

UEH (3).jpg
Ảnh minh họa: UEH

Kiểm định chất lượng giáo dục là công việc quan trọng giúp cơ sở giáo dục đại học cải tiến và nâng cao chất lượng toàn diện. Đây cũng là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm giải trình của trường đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Đinh Thành Việt nhấn mạnh, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học mới chỉ là khâu đảm bảo chất lượng bên ngoài. Khuyến nghị từ các chuyên gia của đoàn đánh giá ngoài cần được các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu để triển khai thực hiện và cải tiến, nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Việc đối sánh về chương trình đào tạo cũng như các chỉ số hoạt động giữa trường mình với các trường khác trong và ngoài nước cũng là một kênh thông tin quan trọng để định vị mình đang ở đâu, mình làm tốt đến đâu, những gì cần phải học hỏi thêm từ các trường khác cũng là điều cần thiết.

“Điều quan trọng là phải không ngừng hoàn thiện và thúc đẩy hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, nghĩa là thực sự từ chính bên trong của cơ sở giáo dục đại học”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, chuyên gia khuyến nghị, về phía cơ sở giáo dục đại học cần có các quy trình làm việc hợp lý trong các hoạt động khác nhau ở mọi lĩnh vực từ đào tạo cho đến nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng – xã hội; có cơ chế định kỳ rà soát, có thể phát huy những điểm mạnh đã có cũng như phát hiện được các vấn đề tồn tại để cải tiến. Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo là các yếu tố rất quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo của các trường đại học.

“Nếu mỗi giảng viên đều có ý thức về chất lượng, xem đây như là yêu cầu bắt buộc đối với từng môn học, bài giảng, hoạt động của mình; mỗi cán bộ của các phòng chức năng trong nhà trường luôn ý thức và thực hiện công việc của mình thật sự có tâm và chất lượng thì đó là lúc văn hóa chất lượng đã thâm nhập và có chiều sâu trong nhà trường”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt chia sẻ.

Để nâng cao văn hóa chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia nhấn mạnh, mục tiêu và chính sách chất lượng cần phải thực sự đi vào thực tiễn trong trường đại học.

“Việc bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho cán bộ giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như tổ chức tốt đào tạo theo chuẩn đầu ra, hợp tác – kết nối tốt với các doanh nghiệp và thị trường lao động cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao văn hóa chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt chia sẻ thêm.

Cũng nhấn mạnh tới yếu tố bên trong là nhân tố quyết định, mang tính bền vững và cốt lõi để hình thành nên một “văn hóa chất lượng” thực sự, Phó giáo sư Lê Văn Hảo nhấn mạnh:

“Văn hóa nói chung và văn hóa chất lượng nói riêng hàm chứa một quá trình thay đổi hoặc phát triển mang tính liên tục và chịu sự tác động từ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài của tổ chức, trong đó các yếu tố bên trong mang tính quyết định.

Một tổ chức được xem là có văn hóa chất lượng cao khi tất cả các thành viên và đơn vị trong tổ chức đó biết hoặc được hướng dẫn cách làm như thế nào để mang lại chất lượng tốt hơn đối với công việc được tổ chức giao, và tự giác làm theo các cách ấy”.

Theo chuyên gia, hoạt động kiểm định chất lượng ở một cơ sở giáo dục chỉ có ý nghĩa và mang lại hiệu quả một khi chúng giúp nâng cao chất lượng thật sự và góp phần phát triển văn hóa chất lượng ở nơi đó. Muốn được như vậy, các cơ sở giáo dục cần thống nhất nguyên tắc “làm thật” trong kiểm định chất lượng giáo dục: chính mình làm và làm vì chất lượng (chứ không phải nhờ người khác làm, làm mang tính đối phó); hướng đến mục tiêu phát triển: làm kiểm định chất lượng giáo dục với mong muốn chất lượng không ngừng tăng lên (chứ không phải chỉ cần đạt yêu cầu của tiêu chuẩn); và cùng nhau làm: trách nhiệm và công việc được chia sẻ và phối hợp ở các cấp (chứ không phải đẩy trách nhiệm cho bộ phận hoặc cá nhân chuyên trách).

Ngoài ra, theo Phó giáo sư Lê Văn Hảo, để văn hóa chất lượng được duy trì và lan tỏa trong cả hệ thống, cần tạo được sự ổn định để cả hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục phát triển, có sự thống nhất trong chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự đồng thuận và cam kết thực hiện của tất cả các bên liên quan, từ đó tạo được niềm tin của xã hội đối với chất lượng giáo dục đại học nước nhà.

Doãn Nhàn