Khám phá tri thức, kiến tạo hành trình học tập suốt đời qua cuốn sách “Tự học"

06/11/2022 07:03
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tác giả Hoàng Anh Đức khẳng định, nếu chúng ta chỉ tư duy học để lên lớp, học đại học chỉ để đi làm thì rất khó để chúng ta xác định mục đích của cuộc đời mình.

Ngày 05/11, Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER tổ chức ra mắt cuốn sách “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”. Đây là cuốn sách của nhóm tác giả Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh.

Chương trình có sự tham gia của tác giả Hoàng Anh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia, Thành viên Hiệp hội các nhà Giáo dục Quốc tế NASFA; Cô Nguyễn Thị Hải Diệu - Trưởng Đại diện Wise Consulting Finland Oy tại Việt Nam; thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế Phenikaa School.

Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER tổ chức ra mắt cuốn sách “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”.

Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER tổ chức ra mắt cuốn sách “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”.

Chia sẻ về cuốn sách “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”, tác giả Hoàng Anh Đức cho biết, cuốn sách ra đời từ góc độ trải nghiệm cá nhân, với mong muốn bản thân mình duy trì tinh thần tự học suốt đời.

"Hơn nữa, trong những năm qua, qua quá trình làm việc với rất nhiều trường học và các thầy cô, các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước, chúng tôi nhận thấy mọi người đều có nhu cầu được học bằng cách tự động, tự chủ. Vậy, chúng ta phải bắt đầu hành trình tự học khi nào, có con đường tự học nào để đạt hiệu quả?

Cuốn sách được đúc rút từ những trải nghiệm từ tiền nhân, từ bản thân. Và tôi rất vui mừng khi cuốn sách được xuất bản, có nhiều độc giả đã góp ý cho cuốn sách này và chúng tôi ghi nhận toàn bộ những góp ý đó.

Trong cuốn sách có mã QR, thông qua đây, chúng tôi cập nhật những chỉnh lý, bổ sung cho cuốn sách. Đó là một thế mạnh để cuốn sách đồng hành cùng hành trình tự học của chúng ta", tác giả Hoàng Anh Đức chia sẻ.

Cuốn sách gồm 8 chương, lần lượt tiếp cận những khía cạnh khác nhau xung quanh chủ đề tự học.

Cuốn sách gồm 8 chương, lần lượt tiếp cận những khía cạnh khác nhau xung quanh chủ đề tự học.

Bàn về vấn đề tự học, tác giả Hoàng Anh Đức cho biết, việc học là cách chúng ta tạo ra những kết nối, kết nối giữa tri thức giữa tri thức của người này với nhu cầu của người khác, chúng ta tạo ra những nhu cầu thực tế, đưa ra những hành động thực tế để xử lý các vấn đề trong cuộc sống.

Nhưng nếu như chúng ta chỉ tư duy học để lên lớp, học cấp ba để lên đại học, học đại học chỉ để đi làm thì rất khó để chúng ta xác định mục đích của cuộc đời mình.

Việc học tạo ra những kết nối và những kết nối đó phải liên tục được tạo ra, được củng cố, được mở rộng chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi nhà trường.

Cũng tại buổi lễ ra mắt sách, khán giả đã được lắng nghe và giao lưu cùng các diễn giả, tìm hiểu về các kỹ năng, phương pháp học tập, các phương pháp, tư duy và tâm thế bước vào hành trình tự học hiệu quả.

Nhóm tác giả chia sẻ về cuốn sách “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”.

Nhóm tác giả chia sẻ về cuốn sách “Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”.

“Tự học: Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời” gồm 8 chương, lần lượt tiếp cận những khía cạnh khác nhau xung quanh chủ đề tự học, với lối viết hấp dẫn cùng hệ thống hình ảnh, sơ đồ, bảng minh họa đặc sắc. Cuốn sách theo chân một nhà thám hiểm vừa ham hiểu biết, vừa đầy nhiệt huyết, đi tới những vùng đất khác nhau, tìm hiểu, học, khai phá những chân trời mới của tri thức và kỹ năng.

Con đường mà nhà thám hiểm này đi qua cũng chính là con đường học tập của mỗi người trong chúng ta, từ chỗ hiếu kỳ về mọi thứ xung quanh, đầy khát khao khám phá tìm hiểu cho tới những khi “ngụp lặn” giữa hàng đồng kiến thức, mất phương hướng, tuyệt vọng, rồi bất ngờ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, kiên trì đi tiếp để rồi cuối cùng gặt hái thành tựu. Một ẩn dụ rất độc đáo.

Bắt đầu từ câu chuyện hành trình xây dựng những tấm bản đồ của nhà thám hiểm, nhóm tác giả nêu lên tầm quan trọng của tự học đối với mỗi cá nhân chúng ta trong suốt cuộc đời (Chương 1: Cần gì Tự học?).

Tiếp đó, tự học được nhìn nhận như cách chúng ta học võ thuật, lần lượt cả "chiêu" (practices) và "thức” (mindset), hay kỹ năng thực hành và tư duy để chiêm nghiệm. Bảy chương còn lại đề cập tới các vấn đề đặc biệt thú vị, được sắp xếp phù hợp theo diễn trình nhận thức của mỗi chúng ta, cụ thể: Biết minh và hiểu minh (Chương 2); Tâm thể sẵn sàng cho việc học (Chương 3); Quản lý hoạt động (Chương 4); Quản trị tri thức (Chương 5); Nâng cao hiệu quả học tập (Chương 6); Học tập cộng tác (Chương 7) và Phản tư (Chương 8).

Ở mỗi chương, người đọc sẽ có cơ hội hiểu chính xác nguồn gốc, cách thức triển khai, kết quả dự kiến cũng như ý nghĩa và những lưu ý của từng phương thức phương pháp kỹ thuật. Các phương pháp kỹ thuật tưởng chừng đã rất quen thuộc với chúng ta sẽ được hệ thống hóa, “giải ảo” và phân chia một cách khoa học vào từng chủ đề lớn.

Cuốn sách này không "dạy" chúng ta làm sao để tự học. Nó chỉ ra cho chúng ta một vài trong vô số những con đường để tự học hiệu quả, đồng thời biến năng lực tự học đó trở thành một diễn trình kéo dài suốt cuộc đời. Không phải những khẩu hiệu sáo rỗng, ở đây các tác giả chỉ ra chúng ta nên bắt đầu từ đầu, như thế nào mới là làm đúng, và làm sao để thực hành hiệu quả những phương pháp, kỹ thuật vốn đã quá phổ biến.

Phạm Minh