Ra mắt cuốn sách “Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục”

20/07/2021 06:48
Tường Vy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ETS và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa hợp tác và cho ra mắt độc giả cuốn sách “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục”.

Cuốn sách là tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao,…) của 18 quốc gia gửi tới những người kế nhiệm. Tác giả cuốn sách: Fernando M. Reimers; Dịch giả: Hoàng Anh Đức, Lê Anh Vinh.

Cuốn sách là kết quả của Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu (Global Education Innovation Initiative), một dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng nhằm mở rộng tri thức và hiểu biết để thúc đẩy việc cải thiện nền giáo dục công với mục đích trang bị cho tất cả học sinh đầy đủ năng lực cần thiết để gia nhập và đóng góp vào một thế giới chung đang thay đổi vô cùng nhanh chóng.

Cuốn sách là tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao,…) của 18 quốc gia gửi tới những người kế nhiệm.
Cuốn sách là tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao,…) của 18 quốc gia gửi tới những người kế nhiệm.

Việc tìm hiểu cũng như chia sẻ rộng rãi những nỗ lực, chính sách, chương trình và thực tiễn về các hệ thống giáo dục cùng các nhà lãnh đạo tham gia là trọng tâm của Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu.

Những trao đổi như vậy đã hình thành nên nền móng của chuyên ngành giáo dục so sánh và cũng là căn cơ cho những bước tiến vượt bậc của giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới trong vòng một vài thập kỉ vừa qua.

“Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục” cũng dựa trên khẳng định rằng công cuộc đổi mới giáo dục đầy thách thức đòi hỏi việc phổ biến rộng rãi một góc nhìn khác ít phổ biến hơn so với quan điểm của công chúng: góc nhìn và những đúc rút từ các nhà lãnh đạo đã và đang triển khai những cuộc cải cách đầy khó khăn.

Thay đổi để giáo dục trở nên có ý nghĩa hơn là một “bài toán hại não” mà không tồn tại một lời giải đơn giản nào. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường học hỏi càng nhiều càng tốt từ những người đã từng có kinh nghiệm thực tiễn đối mặt với những nhiệm vụ tương tự. Mục tiêu của Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu cũng như cuốn sách là thúc đẩy những cuộc đối thoại sâu hơn trên toàn thế giới về việc làm thế nào phát triển và duy trì những nỗ lực đổi mới và cải tổ giáo dục một cách mạnh mẽ.

Tác giả cuốn sách cũng như đơn vị xuất bản hy vọng rằng “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục” sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều cuộc đối thoại giữa các tổ chức, cá nhân nắm vai trò chủ chốt liên quan, những người cần phát triển tầm nhìn chung trong việc cải thiện văn hoá giáo dục tại Việt Nam.

Và cuốn sách sẽ đóng góp vào những tranh luận hiện nay tại Việt Nam về việc làm thế nào giúp cho tất cả mọi học sinh có được sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn để có thể gây dựng một tương lai tốt đẹp, cũng như mong chờ và dõi theo những nỗ lực tiêu biểu sẽ được thực thi ở Việt Nam nhằm thay đổi văn hoá giáo dục, sao cho mọi học sinh đều được trang bị những kỹ năng cần thiết, kiến tạo nên một ngày mai tươi sáng hơn.

Giáo sư Lê Anh Vinh phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và ông Hoàng Anh Đức, CEO Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia, đồng thời cũng là hai dịch giả của cuốn sách cho rằng: Độc giả cuốn sách “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục” không nên giới hạn trong đội ngũ các nhà lãnh đạo giáo dục, mà nên mở rộng đến tất cả những ai quan tâm đến giáo dục.

Đóng góp lớn nhất của cuốn sách là đã minh bạch hóa các bài học xương máu. Bất kể đó là bài học về thất bại hay thành công, sự cáo bạch đó đều làm cho giá trị của mỗi bài học gia tăng nhiều lần.

Tường Vy