Thầy giáo nấu mì cho học sinh ăn trưa đã trở thành... “truyền thống”
Câu chuyện thầy giáo nấu cơm, nấu mì tôm cùng ăn trưa với học sinh đã trở thành một... “truyền thống” ở điểm trường Súng Lủng - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tả Lủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Giữa mênh mông núi đá tai mèo, điều kiện sống của bà con trong thôn bản còn nghèo khó, từ tờ mờ sáng đã lên nương, không kịp chuẩn bị đồ ăn trưa cho các con mang đi học. Trong khi đường đến trường của các em học sinh cũng phải vượt đến 3-4km đường dốc khúc khuỷu, len lỏi sâu vào những vạt rừng, nên vào những ngày học 2 buổi sáng - chiều, các em không kịp trở về nhà ăn trưa.
Điểm trường Súng Lủng - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tả Lủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). |
Thấy vậy, các thầy giáo ở điểm trường đã quyết định bỏ tiền túi, mua thêm lương thực, nấu thêm phần ăn cho học trò. “Với tinh thần có gì ăn nấy, chúng tôi nấu thêm phần cơm, thêm phần mì tôm, bữa có rau xanh, bữa thêm cá mắm... cứ như vậy, thầy có gì, trò ăn nấy. Chuyện bỏ tiền hỗ trợ bữa trưa cho học sinh có lẽ cũng dần trở thành “truyền thống” của các thầy giáo cắm bản như chúng tôi, mà không chỉ ở điểm trường này, mà hầu hết các điểm trường trên mảnh đất mang tên cao nguyên đá Đồng Văn này, đều như vậy...” - đó là chia sẻ của những người thầy gắn bó với mảnh đất cằn cỗi này.
Thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa (sinh năm 1986) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc Quang (Hà Giang), được tiếng là cùng tỉnh, nhưng nơi công tác cách nhà hơn 250km, nên cũng rất ít khi tôi có dịp về thăm nhà, có khi cả năm cũng chỉ về được một vài lần.
Nhận công tác từ năm 2014 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tả Lủng, nhưng tôi mới chính thức gắn bó với điểm trường Súng Lủng này được hơn 3 năm. Thời điểm mới đến với điểm trường, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Hồi ấy thậm chí còn chưa có đường đi lại thuận lợi như bây giờ, có khi vào điểm phải cả tuần mới trở ra”.
Thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa đã gắn bó với điểm trường Súng Lủng suốt hơn 3 năm qua. |
Điểm chung của các thầy cô cắm bản có lẽ là việc dạy học nhiều khi phải sử dụng “song ngữ”, tức là bên cạnh tiếng phổ thông, các thầy cô phải tự tìm hiểu thêm tiếng địa phương để giao tiếp với học sinh. Những ngày tháng đầu tiên đứng trên bục giảng của thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa cũng vậy.
Thầy Nghĩa tâm sự: “Từ bé, tôi đã nuôi ước mơ trở thành một thầy giáo... Có lẽ vì nhìn thấy tại chính quê hương mình còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có nhiều điều kiện tiếp cận với “cái" chữ, nên tôi đã cố gắng học thật chăm chỉ để trở thành thầy giáo và truyền lại kiến thức cho các em học sinh vùng khó.
Thế nhưng, ngày lên nhận công tác ở đây, tôi đã gặp phải một rào cản như rất nhiều thầy cô khác, đó là sự khác biệt trong ngôn ngữ giao tiếp. Bản thân là người dân tộc Tày, nên tôi cũng mất khoảng 2 năm để học tiếng Mông mới có thể giao tiếp thành thạo với học sinh của mình. Cũng may là ở điểm trường thường có 2 thầy cô nên trong thời gian chưa kịp bắt nhịp, tôi đã có thầy giáo đi trước phiên dịch cho”.
Mặc dù học sinh đã học qua lớp mầm non, nhưng khi vào lớp 1, vẫn có nhiều em còn bỡ ngỡ với tiếng Việt, bởi các em chỉ sử dụng tiếng Việt khi đi học trên lớp, về nhà lại nói tiếng Mông, lại trải qua một quãng thời gian nghỉ hè, không lên lớp, nên rất khó để tránh chuyện các em quên những gì đã được học.
Bất đồng ngôn ngữ là trở ngại chung của bất kỳ thầy cô cắm bản nào. |
Vừa kết thúc một phép tính trên bảng, thầy Nghĩa cho học sinh ra chơi, nhưng mấy tiếng “Các em ra chơi đi” được lặp lại 2-3 lần, dường như lại trở nên xa lạ, không đứa trẻ nào rời khỏi chỗ. Phải đến khi thầy giáo nói “Mùa o sia” (tiếng Mông, nghĩa là "các em ra chơi đi") thì cả lớp mới đứng dậy, ùa ra sân.
Cho học sinh phơi nắng, đốt lửa sưởi mỗi khi lạnh về
“Mấy hôm nay, nhiệt độ xuống thấp, nên tranh thủ giờ ra chơi, chúng tôi cho các em học sinh ra sân phơi nắng. Hôm nào nhiệt độ xuống thấp hơn, hoặc trời mưa gió, rét buốt hơn, chúng tôi thường đốt lửa để học sinh sưởi ấm. Những hôm như vậy, giờ tập viết của học sinh thường sẽ được các thầy linh hoạt chuyển thành giờ học đọc thơ. Bên ngoài gió rít bao nhiêu, thì trong bếp, thầy trò cùng vang giọng đọc thơ to bấy nhiêu...” - thầy Nghĩa kể về hình ảnh thân quen của điểm trường.
Những hôm trời trở rét đột ngột, những giờ tập viết của học sinh thường sẽ được các thầy linh hoạt chuyển thành giờ học đọc thơ. |
Mặc dù 2 năm trở lại đây, điểm trường Súng Lủng có thuận lợi hơn về đường sá, sau khi đã vận động bà con trong thôn cùng chung tay làm đường bê tông để dễ dàng hơn cho sinh hoạt; nhưng với các thầy giáo gắn bó nơi đây, cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc khan hiếm về điều kiện điện, nước, những thầy giáo đến với điểm Súng Lủng thường rơi vào trạng thái “bị cô lập” do sóng điện thoại rất yếu.
“Thực ra, không hẳn là ở đây không có sóng điện thoại, mà chập chờn, lúc có lúc không, rất hiếm khi chúng tôi bắt được sóng. Quanh đây chỉ có duy nhất một điểm thường "có nhiều" sóng điện thoại hơn, nên mỗi khi cần gọi điện, chúng tôi thường phải di chuyển đến đó để "vợt sóng". Mà ấy là chỉ vào những ngày nào trời nắng tươi, khô ráo, điện thoại mới có lúc "hứng" được sóng, chứ vào những ngày trời mưa, hoặc âm u, rét mướt thì có khi không thấy vạch sóng nào. Cũng bởi thế, mà nhiều khi, vì điều kiện thời tiết, các thầy lại ở lại điểm trường cũng buồn, vì không có sóng để liên lạc về nhà.
Các thầy giáo ở đây thường hay nói đùa với nhau: “Đi vào điểm trường thì phải mang theo bao tải, rồi vợt căng sóng điện thoại đựng vào trong bao, cất xuống gầm giường, mỗi ngày hé ra một chút để dùng dần”.
Thế nên, việc liên lạc từ trường chính đến điểm trường nhiều khi cũng gặp khó theo, chẳng hạn, nếu nhà trường muốn cập nhật sĩ số, hoạt động tại điểm trường trong ngày hôm đó, thường ít khi có thể trao đổi ngay” - thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa kể lại.
Với học sinh ở điểm trường, không chỉ gặp trở ngại về ngôn ngữ giao tiếp, các thầy giáo cũng thường rất khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, bởi quá trình tiếp thu của các em thường khá chậm.
Theo thầy Nghĩa, có những phép tính có thể là đơn giản với các em học sinh ở vùng thuận lợi, nhưng lại là một vấn đề khó đối với các em học sinh ở đây. Chính vì vậy, với các em học sinh ở điểm trường, thầy Nghĩa cũng như các thầy cô cắm bản khác thường sẽ phải giảng đi giảng lại nhiều lần, có khi đến 2-3 tuần mới rèn được kỹ năng tính toán.
Theo lịch học trong thời khóa biểu, học sinh tại điểm trường Súng Lủng chỉ học buổi sáng và hai buổi chiều thứ hai, thứ năm. Tuy nhiên, vì có những học sinh bị chậm hơn các bạn, nên các thầy giáo thường dành thêm các buổi chiều còn lại để kèm cặp thêm.
Điều kiện cơ sở vật chất tại điểm trường Súng Lủng đã xuống cấp. |
“Chúng tôi thường dặn các em học sinh còn chậm hơn các bạn ở lại để kèm thêm vào những buổi chiều không có tiết. Các em học sinh ở đây rất ngoan và thích đi học.
Một phần có lẽ vì ở nhà thường không có ai, người lớn lên nương từ sớm đến chiều muộn mới về, nên các em thích đến lớp hơn. Đến lớp có bạn bè để học tập, vui chơi, mà các thầy cũng thường xuyên tổ chức nhiều trò chơi để các em tham gia, nên các em rất thích. Đó cũng là một tín hiệu tốt, vì đầu tiên, các em yêu thích việc đến trường, sẽ giúp duy trì tỉ lệ sĩ số và góp phần giúp các em đến gần hơn với những cánh cửa tươi sáng trong tương lai” - thầy giáo người Tày vui vẻ chia sẻ.
Ngày mưa, có góc lớp học còn bị dột nước, nên thầy trò tại điểm trường Súng Lủng đang mong mỏi được hỗ trợ. |
Hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất tại điểm trường Súng Lủng - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tả Lủng đã xuống cấp nhiều, thậm chí vào ngày mưa, lớp học còn có góc bị dột. Thầy Nghĩa hy vọng, điểm trường sẽ sớm nhận được sự quan tâm, có điều kiện sửa sang, nâng cấp, để thầy và trò cùng thắp sáng tương lai.
Mong được hỗ trợ thiết bị nghe - nhìn để học sinh học tiếng Việt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Văn Thạch - Bí thư Đảng ủy xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Tả Lủng là một xã nghèo, với 100% bà con là người Mông, nên vấn đề khó nhất đối với các thầy cô gắn bó ở đây chính là khả năng tiếng Việt của học sinh khi mới đi học. Bởi, học sinh về đến nhà là cả gia đình lại cùng nói tiếng Mông, chỉ khi đến trường, các em mới được tiếp xúc với tiếng phổ thông... Chính vì thế, việc dạy tiếng phổ thông cho các em học sinh gặp không ít khó khăn. Thậm chí học sinh chưa biết chào, có thể thấy các bác, các chú nhưng lại:“Chúng em chào cô ạ!”.
Vì thế, thầy cô ở đây vẫn miệt mài “gieo chữ”, nhưng quá trình tiếp thu của học sinh quả thực vẫn còn rất chậm, đặc biệt rất vất vả cho các thầy cô không ở địa phương, không biết tiếng, nên rất khó lên lớp, hiệu quả rất chậm.
Những năm qua, mặc dù đã kêu gọi xã hội hóa, thay đổi diện mạo một phần về cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi sẽ nhận được thêm sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, trang bị thiết bị nghe - nhìn để hỗ trợ dạy học trên lớp, như vậy, sẽ góp phần nâng cao khả năng tiếng Việt cho học sinh”.