Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Sau một năm lao động vất vả, người lao động, trong đó có các thầy cô giáo luôn ngóng đợi tin thưởng Tết để có thêm khoản chi tiêu trong dịp cuối năm.
Tuy nhiên, nếu các cơ sở giáo dục ngoài công lập, do có nguồn thu và vận hành theo cơ chế doanh nghiệp, tự chủ nên giáo viên ít nhiều có tiền thưởng Tết thì các trường công lập không có cơ chế và kinh phí cho khoản này. Do đó, thầy cô chỉ được nhận một khoản tiền mang tính hỗ trợ, động viên, trích từ việc tiết kiệm chi, theo quy chế chi tiêu nội bộ của mỗi trường.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Quốc Thoại - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang cho biết, Công đoàn đã họp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo để bàn về việc thưởng Tết cho giáo viên công tác trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên chưa chốt được phương án.
Những năm gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ trích một khoản từ ngân sách chi cho giáo dục của năm để hỗ trợ cho giáo viên dịp Tết, mỗi giáo viên được nhận 500 nghìn đồng. Bên cạnh đó, đối với từng nhà trường cũng có những khoản hỗ trợ thêm cho giáo viên do chi tiêu tiết kiệm.
Năm vừa rồi, các trường học ở tỉnh Hậu Giang hỗ trợ thêm cho giáo viên dịp Tết khoảng vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng căn cứ vào xếp loại giáo viên, mức độ cống hiến để đưa ra mức thưởng phù hợp. Như vậy, tổng hỗ trợ giáo viên dao động trong khoảng 1 triệu đồng đến 1 triệu 500 nghìn đồng mỗi người.
“Hiện nay, nhiều thầy cô mong muốn có chế độ cố định vào mỗi dịp Tết. Theo tôi, điều này là chính đáng nhưng khó khả thi vì phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách địa phương. Theo phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, đội ngũ giáo viên do địa phương phụ trách. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế địa phương, nếu có thể thì cấp ủy, chính quyền quan tâm, dành một khoản vào dịp Tết để động viên các thầy cô”, ông Võ Quốc Thoại nói.
Ảnh minh họa: Phạm Minh |
Năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) đã có quyết định thưởng Tết đối với giáo viên, mỗi người 1 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên ngân sách nhà nước cấp cho hàng năm chủ yếu dùng để trả lương cho giáo viên, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy - học nên để có khoản hỗ trợ thêm giáo viên dịp Tết, lãnh đạo nhà trường phải chi tiêu cân nhắc, tính toán rất kỹ.
“Trường công lập không có nguồn thu nào để thưởng Tết cho giáo viên. Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, nhà giáo cầm đồng lương trong tay với bao nhiêu khoản phải chi tiêu nên Ban Giám hiệu luôn cố gắng tiết kiệm, trích nguồn chi khác để làm khoản hỗ trợ dịp Tết cho các thầy cô.
Các đơn vị trường, đặc biệt là các trường vùng khó khăn rất mong ngân sách nhà nước cấp hằng năm nhiều hơn chút để cuối năm có một khoản hỗ trợ giáo viên đủ đầy. Mặc dù không được như các doanh nghiệp nhưng cũng có ít gọi là động viên tinh thần giáo viên”, thầy giáo Nguyễn Quang Diện nói.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học An Lương cho biết, ở các trường vùng cao hỗ trợ dịp Tết cho giáo viên được 1-2 triệu đồng là nhiều lắm rồi, xem như hỗ trợ cho những giáo viên công tác xa nhà được tiền xe, tiền quà mang về.
Giáo viên công tác ở những vùng còn khó khăn, ngoài tiền hỗ trợ của nhà trường hầu như không có thêm khoản hỗ trợ nào khác. Với địa phương miền núi, ngân sách còn eo hẹp nên rất khó để quan tâm, hỗ trợ thưởng Tết cho giáo viên. Theo thầy giáo Nguyễn Quang Diện, địa phương nào quan tâm lắm thì đến ngày 20/11 tổ chức mời các thầy cô ăn một bữa cơm là hạnh phúc lắm rồi.
Cô Nhung - giáo viên của một trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bày tỏ niềm trăn trở mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cô chia sẻ, nhiều năm làm trong ngành giáo dục, cũng đã chuyển công tác 2 lần ở 2 địa bàn khác nhau nhưng mức thưởng dịp Tết của cô đều nằm trong khoảng 500 nghìn đồng.
Để có khoản hỗ trợ này, nhà trường sẽ trích từ ngân sách trường tiết kiệm được sau một năm thu chi, kết hợp với tiền công đoàn (quỹ này do giáo viên hàng tháng đóng góp) chia đều cho giáo viên.
Mặc dù hiện tại, trường cô Nhung công tác chưa có thông báo chính xác về mức thưởng Tết Quý Mão 2023 nhưng cô dự đoán cũng như những năm trước là 500 nghìn đồng.
“Nhiều lúc học sinh thấy bố mẹ được thưởng Tết, lên lớp hỏi cô giáo được thưởng bao nhiêu khiến tôi chạnh lòng.
Vì vậy, nhiều thầy cô mong ngành giáo dục sớm tham mưu với Chính phủ quy định tiền thưởng, hỗ trợ dịp Tết cho giáo viên được luật định như các doanh nghiệp để khuyến khích, động viên tinh thần thầy cô qua một năm giảng dạy, cống hiến vì học trò bằng tháng lương thứ 13”, cô Nhung tâm sự.
Dù chế độ đãi ngộ còn chưa được như kỳ vọng nhưng trước đó Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Cụ thể, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành (mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng).
Theo cô Nhung, đây cũng như niềm an ủi với giáo viên - những người đang hết mình cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.