Nhiều bất cập khi 3 giáo viên cùng dạy 1 môn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: “Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc. Trong đó, có vấn đề về triển khai môn tích hợp. Trước đây, chúng ta dạy riêng lẻ từng bộ môn, mỗi môn có một giáo viên giảng dạy, nhưng theo chương trình sách giáo khoa mới, sẽ có các môn tích hợp.
Đương nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tích hợp, dạy liên môn như vậy là cũng có lý do. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn triển khai.
Qua tiếp xúc cử tri, qua tiếp công dân, qua khảo sát, giám sát của đoàn Đại biểu quốc hội, thậm chí là qua việc tiếp xúc cá nhân với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, với giáo viên, với cả phụ huynh và học sinh, đều bày tỏ sự lo ngại, băn khoăn khi triển khai dạy tích hợp, liên môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn. |
Cụ thể, nữ đại biểu chỉ ra: “Băn khoăn thứ nhất là đến từ giáo viên, họ nói rằng, chúng ta triển khai dạy tích hợp trong khi chưa chuẩn bị đủ các điều kiện để dạy tích hợp. Nghĩa là, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo để dạy tích hợp mà đã bắt tay vào dạy tích hợp. Khi các trường sư phạm chưa kịp đào tạo mà đã có sách giáo khoa theo chương trình mới, giáo viên vẫn là đội ngũ được đào tạo theo chương trình cũ, chỉ chuyên sâu 1 trong 3 môn Lý - Hóa - Sinh mà bây giờ yêu cầu dạy cả 3 môn, thì sao có thể làm được.
Vì thế, hiện nay, các trường đành phải vẫn tiếp tục bố trí 3 giáo viên cùng dạy môn Khoa học tự nhiên.
Điều này lại dẫn đến sự khó khăn, khi kết cấu của sách giáo khoa như hiện nay, học sinh học hết kiến thức của phân môn này đến phân môn khác, trước đây là học sinh song song, nhưng bây giờ, học sinh sẽ phải học nối tiếp. Những kiến thức của phân môn này đang học lại phải dừng lại để học đến kiến thức phân môn khác, nhiều khi đang học lại bị ngắt quãng, sẽ khiến học sinh bị quên kiến thức.
Đối với giáo viên, nhiều khi phải dạy dồn tiết, nhưng có khi lại không có tiết; đối với nhà trường, chỉ những việc rất nhỏ như xếp thời khóa biểu cũng “đau đầu”, vì không biết làm sao cho thỏa đáng.
Đó là những bất cập khi 3 người dạy chung 1 môn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nhiều bỡ ngỡ trong việc ra đề thi, chấm thi và đánh giá học sinh. Khi 3 giáo viên cùng đánh giá học sinh, chẳng hạn, có thể có em giỏi kiến thức Lý nhưng lại không giỏi Hóa, thậm chí là học kém môn Hóa, thì việc thống nhất đánh giá học sinh cũng khiến các thầy cô đang rất rối…”.
Sư phạm đào tạo cả 3 môn trong 4 năm hay cần 6-7 năm như trường y?
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng phân tích thêm: “Tôi hiểu rằng, trong tương lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng đến bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện tại để có thể giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, bồi dưỡng không thể thay thế được đào tạo từ gốc. Có bồi dưỡng kiểu gì thì giáo viên dạy Lý cũng không thể dạy được kiến thức Hóa hay Sinh một cách chuyên sâu, bởi bất kỳ kiến thức ở lĩnh vực nào, nếu không được đào tạo thì sẽ không thể dạy được.
Khóa học 6 tháng dành cho giáo viên môn tích hợp của Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), do giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đứng lớp. Ảnh minh họa: NTCC. |
Ngoài ra, tôi cũng biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng đến việc: các trường đào tạo sư phạm sẽ dạy theo hướng tích hợp, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tích hợp. Nhưng phụ huynh học sinh cũng rất băn khoăn.
Tôi từng nghe phụ huynh đặt vấn đề: “Bây giờ, một giáo viên dạy Lý học 4 năm dạy học chỉ ra dạy Lý thì kiến thức chuyên sâu. Nhưng nếu sắp tới, vẫn với 4 năm đại học, mà sinh viên tốt nghiệp xong phải dạy cả Lý, cả Hóa, cả Sinh, thì liệu kiến thức có đảm bảo hay không? Hay trường sư phạm lại yêu cầu đào tạo không phải là 4 năm mà trở thành 6-7 năm như các trường y? Trong khi bản thân nhiều trường sư phạm hiện nay đã rất khó tuyển sinh, thì không hiểu sẽ ra sao?”.
Tức là, phụ huynh đang rất băn khoăn, liệu việc đào tạo có đảm bảo chất lượng hay không? Rõ ràng, đào tạo chuyên sâu riêng một môn Lý trong 4 năm sẽ khác với việc phải đào tạo cả 3 môn Lý - Hóa - Sinh cũng chỉ trong 4 năm”.
“Thứ hai là vấn đề tuyển sinh đầu vào. Đây cũng là một thách thức, bởi không phải sinh viên nào cũng giỏi được cả 3 môn này, mà đã đào tạo giáo viên để đi dạy học, không thể nói kiểu xuê xoa: “Thôi thì giỏi 1 môn, còn những môn kia không tốt cũng dạy được...”.
Đó là điều phụ huynh băn khoăn, liệu thay đổi như vậy, không biết có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay không. Tôi thấy những bày tỏ này là rất có lý!” - vị Đại biểu bày tỏ.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh: “Chưa kể, với số lượng giáo viên đào tạo mới theo hướng tích hợp, chúng ta cũng không thể thay mới toàn bộ vào số lượng giáo viên được đào tạo trước đây, bởi nếu thay một loạt, thì những giáo viên chưa được đào tạo tích hợp sẽ đi đâu?
Vì vậy, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm nhìn nhận một cách khách quan và nghiêm túc những vướng mắc hiện có. Thứ hai, phải sớm có những hướng dẫn cụ thể, tập huấn cụ thể để giáo viên khắc phục một cách tốt nhất.
Nếu chậm trễ trong việc tập huấn, đào tạo, thì giáo viên cũng lúng túng, và phụ huynh, học sinh cũng không yên tâm. Ngay cả giáo viên còn lúng túng thì làm sao giáo dục có chất lượng có hiệu quả được?”.