Khi Van Persie khát

18/03/2013 17:00
Tuấn Cương (TT&VH)
Thêm một trận nữa, chân sút người Hà Lan bế tắc trước khung thành đối phương. Khi chuỗi trận tịt ngòi của anh đã lên đến con số 7, hoàn toàn có thể gọi đó là một cơn hạn hán. Tại sao thế, Percy?
1. Lần gần nhất, van Persie ghi bàn là ngày 10/2, với pha lập công trong trận thắng 2-0 trước Everton. Kể từ đó đến nay, "số 20" đã im lặng một cách đáng sợ suốt 7 trận đấu liên tiếp (3 ở Premier League, 2 ở Champions League, và 2 tại Cúp FA). Điều đáng nói là anh đã đá chính 5/7 trận ấy, và chỉ 2 trận phải vào sân ở phút 63, tức là quỹ thời gian rất nhiều.

M.U có bị ảnh hưởng bởi sự sa sút ấy? Chắc chắn là có. Trong hai trận đấu với Real Madrid, van Persie chơi trọn 180 phút nhưng không tạo được dấu ấn đáng kể nào, và M.U bị loại khỏi Champions League. Dù kết quả ấy xuất phát từ tấm thẻ đỏ quá nặng tay của ông trọng tài Cakir với Nani, phải thừa nhận rằng, M.U đã không đủ bản lĩnh để chống chịu lại sức ép dữ dội từ phía đội bóng Hoàng gia TBN. Và van Persie, với cương vị chân sút chủ lực của đội, đã gây thất vọng tràn trề. Nên nhớ, đối thủ của anh chỉ là Diego Lopez, chứ không phải Casillas. Việc M.U phải đá lại tứ kết cúp FA với Chelsea cũng có một phần lỗi của van Persie. Anh chìm nghỉm trong gần 30 phút được tung vào sân.

Van Persie đã im tiếng trong 7 trận liên tiếp - Ảnh Getty
Van Persie đã im tiếng trong 7 trận liên tiếp - Ảnh Getty

Đó không phải lần đầu tiên van Persie gây thất vọng trong những trận cầu lớn. Tháng Hai năm ngoái, anh là một trong những cầu thủ đá tệ nhất khi Arsenal thảm bại 0-4 trước Milan, dù đó là mùa giải tuyệt vời nhất của anh trong màu áo đỏ - trắng. Trước đó, anh dính thẻ đỏ lãng xẹt khi Arsenal bị Barca loại ở bán kết Champions League 2010-11. Tới M.U, van Persie tưởng như đã xóa được cái dớp đá kém ở những trận cầu quan trọng khi lần lượt sút tung lưới Liverpool, Chelsea, Man City và chính Arsenal. Nhưng...

2. Hồi đầu tháng Giêng, khi M.U tiếp Liverpool, báo chí Anh đã so sánh anh với Luis Suarez và thấy rằng có một khác biệt rất lớn. Tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng của van Persie là 30%, còn Suarez chỉ là 16%. Trận ấy, van Persie là người mở tỷ số, còn Suarez tịt ngòi.

Hiện tại, tỷ lệ ấy của van Persie đã giảm xuống 24%, trong khi Suarez vẫn là 16%. Thế nhưng Suarez đang bỏ cách đối phương tới 3 bàn ở danh sách phá lưới (22-19). Tính tổng cộng, chân sút người Uruguay đã ghi 29 bàn trên mọi mặt trận, bỏ xa van Persie (23). Lý do: nếu xét trên những cơ hội thực sự rõ nét thì Suarez đạt hiệu suất đến 54%, gấp rưỡi van Persie (36%). Rõ ràng Suarez càng ngày càng tăng tính hiệu quả trong những pha dứt điểm của mình, trong khi van Persie đang đi theo chiều ngược lại.

Sự mệt mỏi là một nguyên nhân. Trong quá khứ, van Persie rất hay bị ám ảnh bởi chấnThể thao &Văn hóa thương và hiếm khi đá trọn vẹn cả mùa hồi còn khoác áo Arsenal. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên mà trong mùa giải tuyệt vời nhất cùng Pháo thủ, anh đã đá trọn 38 vòng đấu Premier League lần đầu tiên trong sự nghiệp.

3. Năm ngoái, van Persie cũng sa sút vào đúng thời điểm này. Từ giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư năm 2012, anh chỉ ghi đúng 1 bàn sau 7 trận với quả phạt đền vào lưới Wolves. Liệu đó có phải một sự trùng hợp?

Sự sa sút về thể lực và điểm rơi phong độ bắt nguồn từ quá trình chuẩn bị trước mùa giải của mỗi đội bóng. Chẳng hạn, Barcelona thường suy giảm phong độ vào giai đoạn tháng Một, tháng Hai, trước khi trở lại ở 3 tháng cuối của mùa giải. Phong độ kém cỏi của họ tại San Siro vừa qua là một minh chứng. Arsenal thì hay gặp vấn đề từ giữa tháng Giêng đến đầu tháng Ba. Mùa hè vừa rồi, sau khi trở về từ EURO 2012, van Persie vẫn tập luyện cùng Arsenal, và thực tế, chỉ ra mắt M.U đúng 3 ngày sau khi ký hợp đồng. Có nghĩa là hiệu ứng về điểm rơi phong độ vẫn chưa thể thay đổi.

Thứ mà van Persie cần nhất lúc này là một bàn thắng, và Sir Alex phải giúp anh. Một quả penalty thôi cũng được.
Tuấn Cương (TT&VH)