Trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng văn hoá mang bản sắc độc đáo thông qua các hoạt động thể thao gắn kết cán bộ, nhân viên. Sau chạy bộ, leo núi trở thành một hoạt động được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong các dịp gắn kết chung của mình.
Từ năm 2019 đến nay, Khối Giáo dục FPT đã tổ chức chương trình leo núi tập trung trong cùng một khoảng thời gian nhất định, với sự tham gia của toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên. Gần nhất, tháng 11 năm 2024, khoảng 6 ngàn cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn quốc của Khối cùng tham gia hoạt động này.
Leo núi đã trở thành hoạt động thể hiện văn hoá đặc sắc, khác biệt tại Khối Giáo dục FPT. Thông qua hoạt động này, các cán bộ, giảng viên, nhân viên có cơ hội nâng cao sức khoẻ, tham gia phong trào cùng đồng nghiệp, gắn kết mối quan hệ trong doanh nghiệp một cách lành mạnh. Ngoài ra, với những đặc trưng của leo núi - hoạt động đòi hỏi cả về thể chất và tinh thần, người tham gia có thể tự rèn luyện tinh thần bền bỉ, vượt qua những giới hạn của bản thân.
Đặc biệt, từ tháng 3 đến hết tháng 12 năm 2024, 352 cán bộ, giảng viên và nhân viên Khối Giáo dục FPT đã lần lượt tham gia chương trình “Lên ngàn - Làng giáo chinh phục 25 đỉnh cao” trong và ngoài nước. Trong đó, những hành trình thách thức - ngay cả với dân leo núi chuyên nghiệp - như trại nền “nóc nhà” thế giới Everest Base Camp hay đỉnh núi cao nhất châu Phi - Kilimanjaro, ngọn núi lửa nổi tiếng và cũng là đỉnh cao thứ hai tại Indonesia - Rinjani cũng được các cán bộ, giảng viên và nhân viên Khối Giáo dục FPT tham gia và hoàn thành.
Ngoài những đỉnh cao nổi tiếng thế giới, chương trình “Lên ngàn” của Khối Giáo dục FPT cũng chinh phục những đỉnh núi trong nước, trải dài từ Bắc vào Nam như Fansipan, Tà Xùa, Ngũ Chỉ Sơn, Tà Năng Phan Dũng...
Tất cả các cán bộ, giảng viên và nhân viên tham gia leo núi trên tinh thần tự nguyện, được hướng dẫn các nguyên tắc an toàn và có sự đồng hành, hỗ trợ của các hướng dẫn viên bản địa, chuyên gia tổ chức hoạt động leo núi trong quá trình tham gia hoạt động này.
Chương trình này đã được ghi nhận xác lập kỷ lục Việt Nam dựa trên tiêu chí “Chương trình chinh phục 25 ngọn núi, đỉnh cao của Việt Nam và thế giới trong 01 năm có số lượng cán bộ, giảng viên và nhân viên tham gia nhiều nhất”.
Ngày 18/1, ông Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục cho Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT.
“Tinh thần bền bỉ, đồng đội, nỗ lực vượt qua giới hạn không chỉ được cán bộ, giảng viên, nhân viên Khối Giáo dục FPT thể hiện trong những hành trình chinh phục 25 đỉnh núi trong và ngoài nước mà còn được vận dụng vào công việc, trong những mối quan hệ đồng nghiệp. Mong đợi rằng, hoạt động này của Khối Giáo dục FPT sẽ tạo thành văn hoá doanh nghiệp độc đáo, lan toả tinh thần lành mạnh trong môi trường làm việc nhất là môi trường giáo dục đến cộng đồng”, đại diện Khối Giáo dục FPT chia sẻ tại sự kiện đón nhận chứng nhận kỷ lục.
Trước kỷ lục về chương trình leo núi, Khối Giáo dục FPT từng ghi dấu nhiều kỷ lục ý nghĩa, hướng tới việc lan tỏa các giá trị văn hoá dân tộc như xác lập kỷ lục cho MV Thiên Âm - "MV hòa tấu nhạc cụ truyền thống có số lượng người tham gia biểu diễn nhiều nhất" (năm 2023); “Màn đồng diễn võ thuật Vovinam lớn nhất Việt Nam” với hơn 7 ngàn học sinh, sinh viên tham gia (năm 2018).
Hiện, Khối Giáo dục FPT có khoảng 6 ngàn cán bộ, giảng viên, nhân viên và hơn 150 ngàn người học quy đổi với các khối đào tạo phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp, hiện diện trên 20 tỉnh thành toàn quốc.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) - đơn vị xác lập số người tham gia trình diễn và công nhận kỷ lục này - là thành viên sáng lập, đại diện tại Việt Nam của các Tổ chức kỷ lục trên thế giới: Liên minh Kỷ lục thế giới, Hiệp hội Kỷ lục gia quốc tế, Hiệp hội Kỷ lục thế giới…