Ngày nay, ngoại ngữ có một vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi người, nhất là đội ngũ giáo viên đang công tác ở các nhà trường. Song, đặc thù của nước ta có những giai đoạn đặc biệt bởi trước đây việc dạy ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông chưa được coi trọng.
Vì vậy, có một bộ phận giáo viên hiện nay không được học ngoại ngữ hoặc có học thì cũng chỉ là học đối phó ở cấp trung học phổ thông và một số năm đầu học chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, không chỉ giáo viên mà một bộ phận lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục hiện nay cũng không sử dụng được ngoại ngữ. Nhiều người không có chứng chỉ như quy định hiện nay của ngành Giáo dục.
Chứng chỉ ngoại ngữ đang khiến nhiều giáo viên khốn khổ (Ảnh minh họa: Báo Tin tức) |
Giáo viên, hiệu trưởng trường phổ thông đòi hỏi yêu cầu ngoại ngữ cao!
Điều mà chúng ta thấy được là năm 2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. Trong đó, đều yêu cầu giáo viên và lãnh đạo nhà trường phải đạt được chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (theo Thông tư số 23/2017/TT –BGD ĐT ngày 29/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Chẳng hạn đối với giáo viên phổ thông thì tại Tiêu chuẩn 5 của Điều 8: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc trong Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/8/2018 yêu cầu chuẩn ngoại ngữ như sau:
a) Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
b) Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
c) Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.
Tiền luyện thi và lệ phí thi chứng chỉ A2, B1 hiện nay tương đương 2 tháng lương |
Đối với chuẩn hiệu trưởng thì tại tiêu chuẩn 5, Điều 8 của Thông tư số14/2018/TT-BGDĐT, ban hành ngày 20/ 7/ 2018 yêu cầu chuẩn ngoại ngữ như sau:
a) Mức đạt: giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh);
b) Mức khá: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường;
c) Mức tốt: sử dụng ngoại ngữ thành thạo (ưu tiên tiếng Anh); tạo lập môi trường phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường.
Như vậy, nếu giáo viên và hiệu trưởng không đạt được chuẩn ngoại ngữ sẽ bị xếp ở mức “không đạt”.
Cũng chính vì vậy, mà giáo viên dưới cơ sở phải đổ xô đi học ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ của mình. Mỗi chứng chỉ cũng mất vài triệu đồng, thậm chí tương đương với 2 tháng lương của giáo viên.
Giám đốc, Phó Giám đốc Sở lại không yêu cầu ngoại ngữ?
Nếu như giáo viên thì họ chỉ dạy lớp, có những môn học không cần ngoại ngữ thì đáng lẽ ra yêu cầu ngoại ngữ là không cần bắt buộc đối với tất cả các giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi.
Nhưng đối với lãnh đạo ngành Giáo dục, nhất là chức danh Giám đốc và Phó Giám đốc Sở thì phải yêu cầu chuẩn ngoại ngữ phải cao hơn bởi cả tỉnh mới lựa chọn ra 1 Giám đốc và 3 Phó Giám đốc Sở.
Hơn nữa, lãnh đạo giữ các chức danh này thường xuyên dự hội thảo, tập huấn với các chuyên gia nước ngoài. Nhiều khi còn tham gia các đoàn công tác của Bộ để đi giao lưu, học tập ở nước ngoài.
|
Đặc biệt, họ là những người hoạch định ra đường lối phát triển giáo dục của địa phương thì yêu cầu về ngoại ngữ phải cần thiết hàng đầu để tiếp cận với tài liệu và các nền giáo dục tiên tiến của các nước.
Thế nhưng, ngày 30/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại lại bỏ đi tiêu chuẩn thứ 6 so với lần công bố dự thảo.
Nếu so với dự thảo được đưa ra để xin ý kiến hồi tháng 4/2019 thì Thông tư số 13 mới ban hành đã bỏ tiêu chuẩn thứ 6 ở Điều 3 là: "yêu cầu sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và công nghệ thông tin trong công việc".
Như vậy, chuẩn ngoại ngữ Giám đốc Sở và Phó Giám đốc Sở “nhẹ hơn” chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng phổ thông! Nói đúng hơn là họ không cần chuẩn ngoại ngữ.
Không chỉ chức danh Giám đốc Sở và Phó Giám đốc Sở không yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ mà ngay cả Trưởng phòng, Phó phòng Giáo dục cũng không yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ, điều này được thể hiện trong Thông tư số 10/2019/TT-BGDĐT ban hành 09/8/2019.
Dù không muốn so sánh nhưng chúng tôi cũng thấy bất ngờ bởi khi dự thảo chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên công bố thì có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề là chuẩn về ngoại ngữ không phù hợp và không gắn với thực tế giáo dục Việt Nam hiện nay nhưng cuối cùng Bộ vẫn thông qua.
Trong khi chuẩn về Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Giáo dục lại được điều chỉnh theo góp ý của dư luận xã hội?
Tài liệu tham khảo:
//moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1318