Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp

04/05/2019 06:09
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Kinh khủng nhất là tìm nguồn minh chứng, rồi photo minh chứng để xét các mức độ hoàn thành cho 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí được quy định trong bộ chuẩn.

Bắt đầu từ năm học 2018-2019, giáo viên phổ thông sẽ thực hiện việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018-BGDĐT.

Nhưng, chúng tôi tin rằng ở thời điểm hiện tại rất ít giáo viên có đủ can đảm ngồi để đọc hết được những hướng dẫn mà Bộ đã ban hành cho việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp của mình.

Bởi, nó dài lê thê với vô vàn những quy định, hướng dẫn rất mơ hồ, chung chung, càng đọc càng rối và càng không biết tìm đâu ra…minh chứng để minh chứng cho việc xếp loại của mình.

Cái gì cũng phải tập hợp minh chứng, giáo viên tìm ở đâu ra (Ảnh minh họa: TTXVN)
Cái gì cũng phải tập hợp minh chứng, giáo viên tìm ở đâu ra (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chỉ còn 3 tuần nữa là các trường tổng kết năm học và khoảng 2 tuần nữa là các trường thực hiện công việc đánh giá, xếp loại, xét thi đua cho toàn bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Công việc của các thầy cô giáo là chuẩn bị rất nhiều giấy tờ, minh chứng để xếp loại loại thi đua, đánh giá viên chức và đặc biệt là xếp loại chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.

Thực tế không phải bây giờ mà việc đáng giá chuẩn nghề nghiệp trước đây cũng cực kỳ rối rắm, cái nào cũng cần minh chứng. Trong khi bộ chuẩn nghề nghiệp thì cố định trong nhiều năm. Nhiều minh chứng về bằng cấp, chứng chỉ năm nào cũng photo và nộp lại không biết để làm gì?

Năm nay, bắt đầu thực hiện việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư số 20/2018-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại càng thêm nhiều thứ rắc rối và phức tạp hơn.

Ngay từ khi mới công bố dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên thì chúng tôi tiếp cận cũng thấy có rất nhiều bất cập. Rất nhiều bài viết phản biện về những bất cập nhưng rồi Bộ vẫn ban hành chính thức và giáo viên phải thực hiện.

Bây giờ chính thức thực hiện, bắt tay vào đánh giá, xếp loại và đọc lại một lần nữa càng thấy phức tạp bởi có rất nhiều hướng dẫn cho việc xếp loại và cách tìm minh chứng để xếp loại cho từng tiêu chí, tiêu chuẩn ở các mức “đạt”, “khá” “tốt”...

Muốn đánh giá được chính xác thì giáo viên phổ thông ít nhất phải đọc các loại văn bản như: Thông tư số 20/2018-BGDĐT- Thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (hơn 01trang); 

Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp ảnh 2Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông mới không sát thực tế

Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (11 trang);

Hướng dẫn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018-BGDĐT ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (02 trang);

Phụ lục I, ví dụ minh chứng sử dụng đánh giá chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (20 trang).

Như vậy, muốn hiểu được vấn đề để tự đánh giá được thì giáo viên phải đọc từng mục kỹ lưỡng tất cả 34 trang giấy A4 về các hướng dẫn của Bộ mới có thể tự điền các thông tin vào Bảng tự đánh chuẩn nghề nghiệp của mình.

Nhưng, việc đọc này chưa phải là điều kinh khủng nhất của việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Kinh khủng nhất là tìm nguồn minh chứng, rồi photo minh chứng để xét các mức độ hoàn thành cho 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí được quy định trong bộ chuẩn. 

Nói thật, nếu làm phân minh đúng như hướng dẫn của Bộ thì giáo viên ít nhất cũng phải mất 1 tuần chỉ để lo tìm và tập hợp nguồn minh chứng mà chưa chắc đã đủ, đã có để minh chứng được các tiêu chí.

Theo gợi ý của hướng dẫn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD thì minh chứng bao gồm: “các tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng để xác thực một cách khách quan mức độ đạt được trong thực hiện và giáo dục học sinh”.

Chúng tôi xin dẫn ra đây "tiêu chí 1" của "tiêu chuẩn 1" để thấy sự phức tạp của việc tìm nguồn minh chứng nhằm đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.

Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp ảnh 3Yêu cầu chuẩn giáo viên mầm non có chứng chỉ bậc 2, bậc 3 ngoại ngữ để làm gì?

Muốn được xếp loại tốt của tiêu chí 1 thì giáo viên phải có nguồn minh chứng như sau:

Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua;

Thư cảm ơn, khen ngợi của cha mẹ học sinh/ đồng nghiệp/ nhóm chuyên  môn/ tổ chuyên môn/ ban giám hiệu/ các tổ chức cá nhân phản ánh tích cực về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực;

hoặc giáo viên báo cáo chuyên đề/ ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/ tổ chuyên môn/ nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức;

hoặc hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ…) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học”.

Thế nhưng, trong khi quy định cuối năm phải xét chuẩn nghề nghiệp trước rồi sau đó mới đánh giá viên chức.

Thực hiện xong 2 cái này mới đến xét thi đua nhưng yêu cầu nguồn minh chứng lại phải có:

Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua” thì giáo viên lấy ở đâu ra?

Giáo viên cả nước Việt Nam này có mấy người nhận được “Thư cảm ơn, khen ngợi của cha mẹ học sinh/ đồng nghiệp/ nhóm chuyên môn/ tổ chuyên môn/ ban giám hiệu..” mà đòi có minh chứng?

Chỉ là 1 trong 15 tiêu chí mà nó đã phức tạp như vậy, thử hỏi giáo viên làm đúng như hướng dẫn của Bộ thì hết bao nhiêu thời gian mới hoàn thành 15 tiêu chí?

Chúng tôi cũng không hiểu sao việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp của giáo viên lại phức tạp và nhiêu khê đến vậy?

Thôi thì cứ cho rằng giáo viên sẽ tìm ra được nguồn minh chứng thì nguồn minh chứng đó để làm gì? Lưu ở đâu, lưu làm gì bởi năm nào cũng chỉ là 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí này?

NGUYỄN CAO