Không có kỷ luật đủ nghiêm rất khó giúp học sinh sửa chữa vi phạm, tiến bộ

18/05/2025 06:38
Lưu Diễm

GDVN - Nhiều giáo viên lo ngại, nếu thầy cô không có biện pháp giữ gìn kỷ cương lớp học nghiêm, thì việc giáo dục học sinh trở nên tiến bộ là một bài toán thách thức.

Dự thảo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh hiện đang được đưa ra lấy ý kiến đến hết ngày 6/7/2025 nhằm thay thế Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục đã ban hành từ năm 1988, cách nay gần 40 năm.

Điểm mới của Dự thảo là biện pháp kỷ luật của học sinh giảm nhẹ hơn so với trước đây. Cụ thể, ở bậc tiểu học, nếu học sinh phạm lỗi, thầy cô giáo chỉ nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi, đồng thời không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh. Đối với các bậc học khác, khi vi phạm lỗi chỉ nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản kiểm điểm. Tất cả các hình thức như phê bình trước lớp, trường hay đình chỉ học đều bị loại bỏ.

Dự thảo Thông tư mới thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục. Nhiều trường đánh giá điều này thể hiện tinh thần nhân văn trong giáo dục, song bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả trong việc răn đe học sinh vi phạm.

Đình chỉ học tập là biện pháp để học sinh có thời gian nhìn nhận lại hành vi sai phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định, giáo dục không dùng đến kỷ luật là điều lý tưởng nhất, ai cũng mong muốn học sinh được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường chỉ bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu và chăm sóc.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được khi số lượng học sinh cá biệt trong lớp là rất ít, và mỗi lớp có sĩ số đủ nhỏ để các thầy cô có thể theo sát, quan tâm, hỗ trợ tâm lý từng em. Tại nhiều quốc gia phát triển, có thể thấy, mỗi lớp chỉ có sĩ số vào khoảng 20 đến 25 học sinh. Nhưng thực tế tại nước ta hiện nay cho thấy một bức tranh khác biệt; nhiều lớp học có sĩ số gấp đôi, thậm chí hơn 50 em học sinh, với sự đa dạng về những đặc điểm tâm lý, tính cách và hành vi khác nhau. Không chỉ có học sinh cá biệt, các trường còn hỗ trợ một số em có nhu cầu học hòa nhập, giáo dục đặc biệt như nhóm học sinh tự kỷ, tăng động.

Trong điều kiện như vậy, việc kỳ vọng giáo viên chỉ dùng lời khuyên, bản kiểm điểm hay các biện pháp nhẹ nhàng để đưa tất cả học sinh rèn vào khuôn khổ, nền nếp là điều khó. Nếu không có các biện pháp mang tính răn đe nhất định, không những không thể giúp các em cá biệt tiến bộ, mà còn ảnh hưởng đến môi trường học tập của các em học sinh khác.

e03aefb0-3e3b-433b-bb56-b993d9796dd1.jpg
Ảnh minh hoạ: Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cô Vân Hồng bày tỏ, mỗi công dân trong xã hội phải sống và làm việc theo Hiến pháp và tuân thủ theo pháp luật. Học sinh cũng là những công dân tương lai cần được giáo dục về ý thức tuân thủ nội quy trường lớp và những quy định phải đủ tính răn đe để học sinh hiểu rằng mỗi người đều cần biết tôn trọng pháp luật và nâng cao ý thức của bản thân.

Đánh giá về những thay đổi trong hành lang pháp lý giáo dục, cô Hồng cho rằng, Thông tư 32 đã có những điều chỉnh phù hợp, siết chặt quy định về kỷ luật học sinh. Việc loại bỏ hình thức cảnh cáo trước toàn trường là một định hướng đúng đắn. Song, việc cho học sinh nghỉ học một hoặc hai ngày không phải để trừng phạt các em không được học, mà nhằm tạo khoảng lặng cần thiết để học sinh có thời gian nhìn nhận, suy ngẫm lại hành vi sai phạm của mình. Từ đó, học sinh cần hiểu rằng khi hành động sai sẽ có hậu quả và hình thành ý thức tự điều chỉnh.

Bên cạnh vai trò của nhà trường, cô cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm không thể thiếu của gia đình trong việc phối hợp giáo dục: Không thể phó mặc hoàn toàn cho thầy cô, vì gia đình cũng cần đồng hành, chia sẻ và chủ động trong việc giúp con nhận ra sai đúng và hình thành hành vi phù hợp.

Vì vậy, Dự thảo Thông tư mới đặt ra trăn trở rằng, nếu không có khuôn khổ kỷ luật đủ nghiêm, thì những học sinh ngoan trong trường học sẽ không được bảo vệ, giáo viên cũng không có đầy đủ biện pháp để giữ gìn kỷ cương lớp học. Lớp học không thể học được nếu học sinh cứ trêu bạn, trêu cả thầy cô. Tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường hiện nay cũng nhiều. Nếu chúng ta không xây dựng được hành lang pháp lý đủ vững và đủ mạnh, thì việc giáo dục học sinh trở nên tiến bộ sẽ là một bài toán đầy thách thức.

Cần bổ sung thêm các hình thức giám sát sau khi xử lý kỷ luật

Còn theo thầy Ngô Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phạm Kiệt (Quảng Ngãi), việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập đối với học sinh là một chủ trương có tinh thần tích cực. Kỷ luật trong nhà trường cần được hiểu là một phương pháp giáo dục, không đơn thuần là một hình thức xử phạt.

Việc ưu tiên áp dụng các phương pháp kỷ luật tích cực mở ra định hướng phát triển cho học sinh qua cơ hội suy ngẫm về những sai lầm, tự giác rèn luyện bản thân, chủ động khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra, thay vì cảm giác bị cô lập và trừng phạt. Cách tiếp cận này không chỉ mang tính giáo dục cao mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, bao dung, thấu hiểu của một nền giáo dục hiện đại, lấy học sinh làm trung tâm và chú trọng vào sự phát triển toàn diện của người học.

732.jpg
Ảnh minh hoạ: Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Song, với sự am hiểu về tâm lý lứa tuổi học sinh, thầy Ngô Văn Hải cũng lưu ý về sự cần thiết của hình thức khiển trách đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn của học sinh ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đây là một bước đệm quan trọng giúp các em học sinh nhận thức rõ ràng hơn về mức độ sai phạm và những hệ lụy có thể xảy ra. Thông qua đó, ý thức trách nhiệm của các em sẽ được nâng cao một cách thực chất, tạo tiền đề cho những chuyển biến tích cực và bền vững trong nhận thức cũng như hành vi.

Bởi lẽ, một khi trách nhiệm đã bén rễ sâu trong tâm trí, các em sẽ hành động một cách tự giác và có ý thức hơn, hướng tới những giá trị tốt đẹp và tránh xa những hành vi tiêu cực, góp phần xây dựng một môi trường học đường văn minh và lành mạnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, quy định mới của Dự thảo Thông tư thể hiện tinh thần hướng tới một nền giáo dục nhân văn, lấy học sinh làm trung tâm. Thay vì đặt nặng yếu tố kỷ luật, văn bản tập trung vào việc xây dựng môi trường tích cực thông qua các hình thức khuyến khích, khen thưởng, từ đó chủ động phòng ngừa và giảm thiểu các hành vi lệch chuẩn ngay từ gốc rễ ban đầu.

Theo phân tích ở góc độ khoa học hành vi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, khi một học sinh mắc lỗi và có hành vi sai, điều quan trọng đầu tiên là giúp các em nhận diện rõ việc làm trái nội quy, kỷ luật của mình, và hiểu tại sao điều đó không phù hợp. Bước tiếp theo là hướng dẫn các em tự đánh giá hậu quả do hành vi ấy gây ra, từ đó phát triển năng lực chịu trách nhiệm. Trên nền tảng đó, chính học sinh sẽ là người chủ động lựa chọn và cam kết thực hiện hình thức kỷ luật phù hợp như một cách để sửa sai và bù đắp hậu quả đã gây ra.

Sau khi học sinh đưa ra cam kết sửa sai, vai trò của giáo viên và nhà trường không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận, mà còn mở rộng sang nhiệm vụ giám sát, đồng hành và hỗ trợ để đảm bảo sự thay đổi hành vi diễn ra một cách thực chất và tích cực. Quá trình này giúp học sinh hiểu rằng kỷ luật không phải để trừng phạt, mà là cơ hội để học lại cách cư xử đúng đắn.

Thực tế tại nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến bộ cũng cho thấy xu hướng tương tự. Hình thức đuổi học được xem là biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, hiện nay hầu hết không còn được áp dụng, ngoại trừ những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thay vào đó, họ áp dụng các biện pháp như quản thúc trong khuôn khổ trường học, cho phép học sinh tiếp tục đến trường nhưng học tập theo một lộ trình riêng biệt, với sự giám sát chặt chẽ từ nhà trường, chuyên gia tâm lý và thầy cô.

Với điều kiện đội ngũ nhà giáo, cán bộ nhân viên của nhà trường đảm bảo sát sao với từng học sinh như vậy, cách tiếp cận này tạo điều kiện để học sinh sửa sai trong môi trường giáo dục, thay vì bị đẩy ra bên ngoài dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học.

Theo ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, dự thảo Thông tư cần được bổ sung thêm các hình thức giám sát sau khi học sinh bị xử lý kỷ luật. Thay vì chỉ dừng lại ở việc áp dụng biện pháp kỷ luật, nhà trường nên triển khai đồng thời các hoạt động như trị liệu tâm lý, cam kết hành vi, hay các chương trình giáo dục mang tính trị liệu.

Những can thiệp này không chỉ giúp học sinh nhận thức rõ hậu quả của hành vi sai lệch, mà còn hỗ trợ các em điều chỉnh cảm xúc, thay đổi thái độ và hành vi một cách bền vững hơn. Việc kết hợp giữa kỷ luật và hỗ trợ tâm lý được xem là xu hướng phù hợp với tinh thần giáo dục tích cực và toàn diện.

Lưu Diễm