LTS: Ngày Quốc tế thiếu nhi giờ đây lại trở thành ngày để tôn vinh các học sinh giỏi.
Cô giáo Thảo Ly phán ánh những áp lực nặng thành tích không cần thiết trong ngày Tết của trẻ thơ.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không phải ngẫu nhiên mà thiếu nhi lại có hẳn một ngày để nhận sự yêu thương chăm sóc của cộng đồng.
Thế nên ngày 1/6 hàng năm luôn được xem là ngày hội lớn dành riêng cho trẻ em. Và cứ gần đến ngày 1/6, các em thiếu nhi lại nô nức mong chờ.
Khá nhiều người bày tỏ tâm tư, cuộc sống càng phát triển người ta càng ít quan tâm đến đời sống tinh thần cho trẻ như trước đây.
Đừng để trẻ sợ hãi ngày Quốc tế thiếu nhi. Ảnh minh hoạ: Baogiaothong.vn |
Ngày càng ít đi việc tổ chức cho trẻ vui chơi và tặng quà cho các em mà đề cao giá trị về vật chất như việc phát tiền về cho bố mẹ để tặng lại con.
Và không phải đứa trẻ nào cũng được nhận. Một số nơi ban hành quy định hẳn hoi “em nào có giấy khen” mới được nhận thưởng.
Muốn nhận thưởng hãy cô gắng lần sau
Trước đây, cứ vào ngày Quốc tế thiếu nhi hay ngày Tết Trung thu thì từ các thôn xóm đến các cơ quan ban ngành đoàn thể đâu đâu cũng tổ chức cho các em thiếu nhi vui chơi, ca hát, rồi ăn liên hoan và nhận những món quà đầy ý nghĩa.
Nhưng nhiều năm gần đây, việc tổ chức tập trung như thế cho các em đã ngày một ít dần.
Thay vào đó, người ta quy định chỉ những học sinh có giấy khen ở nhà trường mới được nhận quà.
Và người ta buộc phải nộp bản sao giấy khen (có nơi còn buộc cả bảng điểm) để làm căn cứ phát thưởng.
Có cơ quan tổ chức hẳn một buổi lễ khá hoành tráng và mời tất cả con cán bộ công nhân viên cùng tham dự.
Các em được ăn bánh kẹo nhưng không được nhận thưởng.
Lại có cơ quan không bao giờ tổ chức tập trung vì họ cho rằng “rườm rà mất thời gian” nên cho công đoàn lập danh sách những em đạt học sinh giỏi, chí ít là học sinh tiên tiến để cơ quan tặng quà.
Có nơi chỉ là vài hộp bánh nhưng có nơi là món tiền không hề nhỏ (lên đến tiền triệu).
Vì thế đã có phụ huynh cứ kì kèo xin cô bằng được cái giấy khen “để đỡ uổng số tiền thưởng của cơ quan”.
Người lại nói rằng “mình không đặt nặng số tiền nhưng không muốn bị ai chê cười”…
Còn khu phố, xã phường do kinh phí ít hơn nên tổ chức phát thưởng bằng sách vở.
Có người thắc mắc “ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày Trung thu thì tất cả các bé đều được quyền nhận quà sao cứ phải phân biệt học giỏi với học dốt?”.
Người ta thường biện minh “vì kinh tế eo hẹp không có tiền phát đại trà nên làm thế để khuyến khích tinh thần vươn lên trong học tập những năm sau”.
Trẻ học yếu mặc cảm
Ngồi nhìn thấy cảnh những bạn cùng trang lứa hồ hởi bước lên nhận quà với khuôn mặt rạng ngời không ít em ngồi phía dưới buồn rười rượi.
Nhưng có lẽ buồn nhiều hơn cả là các bậc cha mẹ.
Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá |
Có lẽ vì xấu hổ khi “con người ta đứa nào đứa nấy bước lên nhận thưởng còn con mình lại chẳng có gì” nên một số phụ huynh đã tự phạt con bằng cách không cho em nào đi cả.
Phạt không cho đi dự lễ còn nhẹ, có gia đình còn hắt hủi, chửi rủa con bằng nhiều ngôn từ khá nặng nề đến nổi có em thổ lộ “con sợ đến ngày ấy lắm rồi”.
Vì thế ấn tượng của những em học chưa giỏi về ngày Quốc tế thiếu nhi khá mờ nhạt hoặc luôn là nỗi ám ảnh, sợ sệt.
Ngày Quốc tế thiếu nhi hay ngày Tết Trung thu lẻ ra tất cả trẻ em đều có quyền vui chơi và nhận những món quà khích lệ.
Người lớn đừng vì đề cao thành tích mà ra quy định phân biệt đối xử để buồn lòng những bậc phụ huynh có con chưa giỏi.
Và như thế thì áp lực lại đổ ập xuống đầu những đứa trẻ con vô tội.