Không giao bài cho học sinh, ra Tết chất lượng đi xuống ai chịu?

03/02/2021 06:38
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để những đứa trẻ được học và chơi đúng tuổi, để học sinh không phải miệt mài cày chữ suốt ngày, đêm cần hơn nhiều những chỉ đạo căn cơ từ gốc ...

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh khi nghỉ Tết Nguyên đán các em được hưởng cái Tết vui vẻ, thoải mái.

(Ảnh: Tiin.vn) (Ảnh: Tiin.vn)

Nội dung văn bản ghi rõ: “Trong những năm qua, không ít phụ huynh phàn nàn về số lượng bài tập thầy cô yêu cầu học sinh phải hoàn thành trong thời gian nghỉ Tết quá nhiều.

Để một kỳ "Nghỉ Tết không áp lực bài tập", học sinh không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghi Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết.

Hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo an toàn sức khỏe.

Giáo viên dặn dò học sinh và phối hợp với phụ huynh, đến khi chuẩn bị hết kỳ nghỉ Tết (còn khoảng 1-2 ngày) cùng con ôn lại công thức, quy tắc trong sách giáo khoa và chuẩn bị bài kỹ trước khi đến lớp sau thời gian nghỉ Tết”…

Nhiều phụ huynh đồng tình

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều bậc phụ huynh học sinh.

Sau khi văn bản được lan truyền trên mạng xã hội cũng nhận được nhiều lời ca ngợi của cộng đồng mạng. Trên trang facebook cá nhân, chị Mai Hoa có con học tại Vũng Tàu cho biết: “Năm nào nghỉ Tết, con cũng có cả xấp bài ôn tập phải làm mà không có thời gian để chơi thấy rất tội. Năm nay, nhờ Sở Giáo dục ra quy định không chỉ có con mà cha mẹ cũng đỡ khổ rồi”.

Không riêng chị Mai Hoa, nhiều bạn đọc đều tỏ ra vui mừng nói: "Vậy mới đúng là nghỉ Tết, người lớn nghỉ Tết còn biết buông bỏ công việc, trong khi đó lại bắt học sinh phải học là sao?";

"Em hoàn toàn đồng ý với việc không giao bài cho học sinh. Hồi còn nhỏ, Tết ở quê bọn em chơi dài, cùng người lớn làm nhiều việc: Tảo mộ, lau bàn thờ, đi chợ Tết, rửa lá gói bánh chưng, ngồi thức canh bánh, đi chúc tết ông bà nội ngoại, bác, cậu, dì, hàng xóm, chơi bài, chơi đu ... ôi tuyệt vời”.

Không ít người ca ngợi cô Châu (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) có tâm với nghề, yêu thương học sinh và có bản lĩnh thực hiện việc thay đổi tư duy của Giáo dục Việt Nam.

Vì sao một chỉ đạo ngỡ rất bình thường đã làm nức lòng nhiều người dân cả nước?

Vì, học sinh bây giờ đã học tối mày tối mặt, không chỉ học một buổi như ngày xưa mà học tới 3 đến 4 ca một ngày. Nào học buổi chính thức, học buổi chiều đại trà, học tăng cường môn chủ đạo ở trường. Về nhà, học ca 1 rồi học ca 2 mới đủ thời gian cho nhiều môn phải học.

Học ngày bình thường, thứ bảy và chủ nhật cũng học luôn thậm chí học cả những ngày lễ, ngày hè…

Nhiều em ăn học, ngủ học, vừa ăn vừa học trên xe đến không còn chút thời gian nghỉ ngơi, giải trí.

Nhiều em mỗi đêm chỉ ngủ được vài tiếng, trong giấc ngủ luôn chập chờn, thảng thốt vì bài vở chưa xong và luôn trong tình trạng đói ngủ triền miên. Có em nói với chúng tôi, cô ơi! Con chỉ ước được ngủ một giấc ngon lành.

Thế nên nay có quyết định không giao bài tập về nhà cho học sinh đã nhận được sự đồng tình rất lớn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy thế, có phụ huynh lên tiếng, "công văn của Giám đốc Sở vậy thôi chứ các trường vẫn cho bài một đống. Tôi là phụ huynh ở thành phố Vũng Tàu đây".

Vì sao giáo viên phải mang khổ vào người?

Giao bài tập về nhà cho học sinh thì giáo viên phải soạn đề, giao bài xong phải hướng dẫn làm, giải thích thắc mắc và phải chấm sửa. Khổ thế, vất vả thế, tại sao giáo viên vẫn ôm việc vào thân? Vì sao các thầy cô giáo không để học sinh nghỉ Tết cho thoải mái? Tại sao thầy cô không cho phép mình được thảnh thơi?

Không "văn ôn - võ luyện', ra Tết chất lượng đi xuống là điều chắc chắn và ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Đương nhiên người chịu vẫn là giáo viên.

Học sinh hiện nay ý thức học tập chưa cao, nhiều em thích chơi hơn học. Nhiều phụ huynh muốn rảnh rang nên khi con nghỉ học đã giao luôn điện thoại để các em tự chơi.

Thế là, suốt ngày lên mạng xem phim bạo lực, chơi game…thời gian nghỉ Tết kéo dài cả nửa tháng mà không ôn bài khi trở lại trường kiến thức đã bị hẫng hụt khá nhiều, giáo viên sẽ vực lại kiến thức cho các em thế nào đây?

Bắt học sinh học nhiều, xét cho cùng lỗi không thuộc về các thầy cô giáo. Nếu chương trình và sách giáo khoa không nặng, nếu không có áp lực thi cử như hiện nay thì giáo viên chúng tôi có phải nhọc lòng thế không?

Cái công văn “Nghỉ Tết không áp lực bài tập” của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa-Vũng Tàu giảm áp lực cho học sinh nhưng lại tăng gánh nặng về chất lượng giáo dục cho giáo viên.

Cứ sau mỗi mùa Tết, khi học sinh tựu trường giáo viên chúng tôi đã vô cùng vất vả vì những kiến thức đã học nhiều em thường quên hết.

Thầy cô vừa phải dạy bài mới, vừa phải ôn lại kiến thức cũ. Giáo viên mệt, trò mệt và phụ huynh cũng khá đau đầu khi thầy cô yêu cầu hợp tác.

Thiết nghĩ, để những đứa trẻ được học và chơi đúng tuổi, để những học sinh không phải miệt mài cày chữ suốt ngày, đêm luôn là mong muốn của học sinh, của cha mẹ các em và của chính thầy cô.

Nhưng làm được điều này, cần hơn nhiều những chỉ đạo căn cơ từ gốc chứ không phải cấm giao bài tập về nhà là xong.

Điều trị từ gốc chính là giảm tải chương trình và sách giáo khoa như hiện nay, giảm tải việc thi cử, việc thi học sinh giỏi các cấp, giảm tải các hội thi và kỳ vọng mang thành tích về làm vinh danh trường.

Chỉ khi đó, chẳng cần phải ra công văn cấm đưa bài tập về nhà cho học sinh mỗi kỳ nghỉ thì việc buộc học sinh ôn bài ở nhà trong thời gian ấy vẫn tự chấm dứt.

(*) Văn phòng, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết