Không phân rõ nội dung, buổi học thứ 2 dễ bị hiểu sai là dạy thêm "trá hình"

12/04/2025 06:38
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều trường đánh giá cao dạy học 2 buổi/ngày vì giúp học sinh phát triển toàn diện, nhưng thiếu phòng học khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khuyến khích các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, tăng thời lượng phát triển kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, trong khi một số trường đã sẵn sàng triển khai thì không ít trường tại các đô thị lớn vẫn loay hoay với “bài toán phòng học”.

Học 2 buổi/ngày sẽ tốt cho học sinh, nhưng khó triển khai

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đoàn Trọng Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Học 2 buổi/ngày là một cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Ngoài ra, đây cũng là cách để nhà trường quản lý học sinh hiệu quả, tránh tình trạng các em đi học thêm tràn lan hoặc tham gia những hoạt động không lành mạnh”.

Thầy Bình nhận định, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại về mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động trải nghiệm, phát triển toàn diện cho học sinh.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng một lần nữa khuyến khích các trường mở cửa cả ngày cho học sinh đến trường tham gia các hoạt động học tập, hướng tới tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp trung học, tương tự với mô hình học ở bậc tiểu học.

image(290).png
Thầy Đoàn Trọng Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng. Ảnh: NVCC

“Chúng ta cần nhìn nhận rõ, việc nhà trường mở cửa cả ngày cho học sinh đến trường là vô cùng tích cực. Tuy nhiên, các trường không nên tiếp cận khái niệm ‘dạy 2 buổi/ngày’ sai hướng. Nhiều người cho rằng, dạy 2 buổi/ngày thì nghĩa là cả 2 buổi học sinh đều phải học kiến thức.

Trên thực tế, nếu không phân định rõ nội dung và mục tiêu của buổi thứ hai, rất dễ khiến chủ trương bị hiểu sai thành việc dạy thêm trá hình. Tôi nghĩ nên gọi đúng là ‘tổ chức các hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày’.

Hoạt động giáo dục không chỉ là dạy kiến thức, mà còn bao gồm phát triển kỹ năng mềm, năng lực công dân, tư duy sáng tạo... Đó mới là tinh thần đổi mới mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới”, thầy Bình nhấn mạnh.

Điển hình như tại Hà Nội, nơi mật độ dân cư cao, nhu cầu học tập lớn nhưng quỹ đất hạn chế, nhiều trường trung học phổ thông chưa thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày do thiếu cơ sở vật chất.

Thầy Đào Ngọc Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Đây là một chủ trương rất phù hợp với học sinh, đặc biệt là với những trường đã đủ điều kiện. Tuy nhiên, để triển khai được là điều không hề đơn giản, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội”.

Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo có tới 48 lớp học, trong khi chỉ có 28 phòng học. Nếu tổ chức học 2 buổi/ngày, đồng nghĩa với việc tất cả các lớp đều phải có lịch học cả sáng và chiều. Với số phòng hiện tại, điều này là bất khả thi. Dù nhà trường có trang thiết bị dạy học hiện đại, nhưng thiếu hụt phòng học cơ bản vẫn là rào cản lớn nhất”.

481093538_1327570571681221_8517110929731345034_n.jpg
Thầy Đào Ngọc Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo. Ảnh: Website Trường.

Để đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình học, nhà trường đang tổ chức dạy học theo hai ca sáng, chiều, luân phiên cho từng khối. Theo đó, mỗi lớp sẽ có một buổi nghỉ trong ngày và vẫn đảm bảo đủ số tiết học.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hiện tại chưa đủ để đảm đương việc dạy cả ngày. Về phía học sinh, khảo sát sơ bộ cho thấy các em cũng chưa có nhu cầu học hai buổi/ngày tại trường, nên nhà trường chưa triển khai đại trà.

“Trong thời gian tới, nếu tiến hành dạy 2 buổi/ngày, chúng tôi sẽ phải khảo sát, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Uỷ ban nhân dân thành phố để xin hỗ trợ kinh phí và mở rộng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, kể cả khi được rót vốn, quá trình từ thủ tục đến thi công sẽ tốn rất nhiều thời gian”, thầy Sỹ chia sẻ thêm.

Thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng đồng tình rằng nếu triển khai được hình thức dạy 2 buổi/ngày sẽ rất tốt cho học sinh, nhưng hiện nay, nhiều trường học gặp khó trong việc đảm bảo cơ sở vật chất.

“Phần lớn các trường ở thành phố Hà Nội đều không đủ số lượng phòng học. Do đó, để đảm bảo dạy đúng và đủ chương trình, các trường phải chia ca học sáng, chiều. Ngay tại Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát, nằm ở một huyện ngoại thành nhưng số lượng phòng học cũng chỉ có 30 phòng, 4 phòng chuyên đề, 2 phòng ngoại ngữ. Trong năm học tới, có thể nhà trường sẽ tăng lên tới 46 lớp học sinh, chênh lệch rất nhiều so với số phòng hiện có”, thầy Thuận cho hay.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, quỹ đất ở vùng ngoại thành nhiều hơn so với nội thành, do đó chỉ cần được duyệt và đầu tư mở rộng, việc tăng số lượng phòng học sẽ không quá khó. Do đó, chỉ cần giải quyết được bài toán nan giải về cơ sở vật chất, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày chắc chắn thực hiện được.

Cần có hướng dẫn cụ thể nếu triển khai dạy cả sáng, chiều

Trong khi các trường nội đô loay hoay vì thiếu phòng học, một số trường ở khu vực nông thôn, nơi mật độ dân cư thấp hơn và quỹ đất dồi dào đã sẵn sàng cho việc học 2 buổi/ngày.

Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng là một ví dụ điển hình. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và sở hữu hệ thống cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh, từ phòng học, phòng tin học, phòng thí nghiệm đến nhà thi đấu đa năng.

Theo thầy Đoàn Trọng Bình - Hiệu trưởng nhà trường, điều kiện tiên quyết để tổ chức dạy 2 buổi/ngày gồm: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và kế hoạch giảng dạy rõ ràng.

“Chúng ta không thể gọi buổi học thứ 2 là buổi ‘dạy thêm’. Nếu tiếp cận theo hướng đó, rất dễ rơi vào tình trạng dạy học bổ sung kiến thức một cách máy móc. Buổi thứ 2 nên là thời gian để học sinh rèn kỹ năng sống, phát triển phẩm chất cá nhân, học thể thao, nghệ thuật, thậm chí trải nghiệm công nghệ, khoa học.

Từ hướng tiếp cận này, các trường còn thiếu cơ sở vật chất có thể tổ chức hoạt động buổi chiều một cách linh hoạt, tận dụng các phòng chức năng sẵn có để chia ca, chia nhóm cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm”, thầy Bình nhấn mạnh.

Hiện nay, tại Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng, tất cả các lớp đều có phòng học riêng. Ngoài ra, các phòng chức năng được thiết kế bài bản và được trang bị thiết bị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục buổi chiều. Chỉ có một số hoạt động đặc thù như bơi lội là trường chưa có cơ sở vật chất để đáp ứng.

Ngoài vấn đề về cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, thầy Bình nhận định, các khoản kinh phí cũng cần được xem xét đến. Theo Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT về quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, giáo viên trung học phổ thông có định mức tiết dạy là 17 tiết/tuần. Khi triển khai dạy 2 buổi/ngày, số tiết có thể bị vượt quá. Khi này, cần có chế độ phụ cấp hoặc chi trả thỏa đáng.

“Cần có cơ chế rõ ràng về việc chi trả kinh phí cho giáo viên dạy buổi thứ hai. Nếu lấy từ ngân sách nhà nước thì phải chỉ rõ nguồn, còn nếu xã hội hóa hay thu từ học sinh thì phải minh bạch, tránh gây hiểu lầm.

Các trường cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn chính thức, quy định cụ thể về nội dung, hình thức, kinh phí và trách nhiệm triển khai dạy 2 buổi/ngày để có căn cứ thực hiện”, thầy Bình nhấn mạnh.

Ngọc Huyền