Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dạy học 2 buổi/ngày không phải việc mới trong giáo dục. Với nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiện, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là tốt. [1]
Buổi học thứ 2 trong ngày giúp phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Phú Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian qua, nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã và đang tích cực triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn tại Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với mong muốn mang đến cho học sinh một môi trường học tập toàn diện và phát triển hài hòa nhất.
Buổi sáng, các em học các môn học trong chương trình chính khóa; buổi chiều, các em sẽ tiếp tục tham gia vào những hoạt động bổ trợ như: câu lạc bộ năng khiếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, phát triển kỹ năng sống, học tin học, ngoại ngữ... Đây là những nội dung rất thiết thực và gần gũi với cuộc sống.
Để việc dạy 2 buổi/ngày phát huy hiệu quả, nhà trường cần xây dựng thời khóa biểu khoa học, hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy, vừa tạo sự cân bằng giúp các em học sinh có hứng thú học tập mỗi ngày".

Theo thầy Cường, buổi học thứ 2 trong ngày nên bố trí nhiều nội dung phong phú, đa dạng để phát triển toàn diện cho học sinh. Cụ thể, một số hoạt động như các buổi học tăng cường kiến thức, giúp học sinh còn yếu, kém ôn tập, củng cố những phần kiến thức chưa vững, hoặc bồi dưỡng nâng cao với học sinh khá giỏi. Ngoài ra, nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, các buổi sinh hoạt theo chủ đề, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân…
Nhà trường nên xây dựng các câu lạc bộ năng khiếu như: âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, ngoại ngữ, tin học nhằm tạo cơ hội để học sinh phát huy sở trường và đam mê.
Đối với học sinh khối 8 và 9, nhà trường có thể tổ chức những buổi hướng nghiệp để các em tiếp cận thông tin về ngành nghề, hiểu rõ hơn về điểm mạnh, sở thích cá nhân, từ đó từng bước hình thành định hướng nghề nghiệp, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực và ước mơ trong tương lai.
Việc triển khai dạy 2 buổi/ngày không chỉ góp phần bồi đắp thêm kiến thức, mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm để dần hoàn thiện bản thân, chuẩn bị hành trang vững vàng cho hành trình sắp tới.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng hiện vẫn chưa triển khai tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà trường chưa được phân bổ đủ biên chế giáo viên theo định mức, dẫn tới tình trạng thiếu hụt giáo viên. Thực tế này không chỉ diễn ra tại Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng mà còn ở nhiều trường trung học phổ thông khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo quy định, nhà trường không được thu tiền từ phụ huynh để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Kinh phí cho hoạt động này buộc nhà trường phải tự cân đối, gây ra không ít thách thức về tài chính. Nếu thực hiện, trường cần chi trả tiền dạy tăng giờ cho giáo viên, trong khi nguồn ngân sách hiện có lại hạn chế.
Vì vậy, nhiều năm qua, Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng chỉ tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo cho học sinh yếu kém có nhu cầu, nhằm giúp các em củng cố kiến thức và theo kịp chương trình”.
Theo thầy Lạc, buổi học thứ 2 trong ngày cần được thiết kế nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh, giúp các em trang bị các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tự học, kỹ năng thích ứng trong thời đại số, nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp.
Bên cạnh đó, buổi học này cần tạo điều kiện để học sinh phát huy năng khiếu cá nhân ở các lĩnh vực như hội họa, âm nhạc, thể thao, ngoại ngữ. Thông qua đó, các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học trong chương trình chính khóa, đồng thời phát triển kỹ năng học tập, năng lực sáng tạo và hoàn thiện phẩm chất cá nhân.
Tuy nhiên, với những trường chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chưa xây dựng được chương trình giảng dạy phù hợp thì chưa nên tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Việc triển khai trong điều kiện thiếu thốn vừa gây lãng phí thời gian vừa không đạt được hiệu quả mong muốn.

Cần cơ chế tài chính công bằng và minh bạch
Đồng quan điểm, thầy Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) cho biết, hiện tại trường không thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh do thiếu giáo viên và phòng học. Nhà trường phải bố trí, chia thành 2 ca học, khối lớp 11 và 12 học buổi sáng, khối lớp 10 học buổi chiều. Bên cạnh đó, một số buổi trong tuần, nhà trường tổ chức giảng dạy chương trình Giáo dục địa phương và các hoạt động trải nghiệm cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời giúp các em phát triển năng lực, kỹ năng sống và hiểu biết về văn hóa – xã hội địa phương.
“Theo tôi, ngoài các tiết học chính khóa, buổi chiều, nhà trường nên bố trí thời gian cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng tự học, tham gia công tác Đoàn, lao động tập thể. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực mà còn tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng, bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân cho các em”, thầy Công bày tỏ.
Thầy Công cho rằng, định mức tiết dạy đối với giáo viên trung học phổ thông được quy định là 17 tiết/tuần. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
Hiện nay, để đảm bảo giáo viên dạy đủ 17 tiết/tuần theo quy định, nhà trường đã bố trí thời khóa biểu từ sáng thứ hai đến hết sáng thứ bảy hằng tuần. Vì vậy, để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường kính đề nghị các Bộ, ban, ngành có liên quan xem xét, bổ sung kinh phí nhằm hỗ trợ cho giáo viên tham gia giảng dạy vượt định mức.

Về kinh phí, thầy Lạc cho rằng các trường trung học phổ thông hiện nay phải tự cân đối giữa đội ngũ giáo viên và nguồn tài chính. Những cơ sở có đủ giáo viên theo định mức có thể linh hoạt phân công dạy 2 buổi/ngày. Với cơ sở thiếu giáo viên, chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, việc tổ chức dạy cả sáng và chiều không chỉ gây áp lực cho thầy cô mà còn vượt ngoài khả năng tài chính của nhà trường.
Để triển khai việc dạy 2 buổi/ngày hiệu quả, thầy Lạc cho rằng, Bộ, Sở cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đồng bộ về cách thức tổ chức, nội dung chương trình học tập, nguồn kinh phí... để tránh mỗi nơi thực hiện mỗi khác hoặc xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả và bền vững, các trường cần có cơ chế tài chính minh bạch, hợp lý và công bằng. Nguồn kinh phí triển khai nên được huy động từ nhiều kênh như: ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh. Kinh phí này cần được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, ưu tiên cho các hạng mục thiết thực như: thù lao giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động bổ trợ, bán trú, chi phí điện nước...
“Nhà trường có trách nhiệm công khai, minh bạch tài chính, đảm bảo kinh phí sẽ được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không em nào bị bỏ lại phía sau”, thầy Cường nêu quan điểm.
Ngoài ra, để triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt đề xuất như sau:
Thứ nhất, tăng cường nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất. Các cơ sở giáo dục cần đề xuất, xem xét cấp thêm ngân sách để đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như hỗ trợ chi phí cho giáo viên khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua đóng góp tự nguyện từ phụ huynh và cộng đồng cũng là giải pháp thiết thực, góp phần bổ sung kinh phí cho hoạt động giáo dục.
Thứ hai, cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy và kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ tài chính, phụ cấp giảng dạy ngoài giờ, để khuyến khích giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày.
Thứ ba, xây dựng chương trình học tập linh hoạt, kết hợp giữa học chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Buổi học thứ hai có thể dành cho các hoạt động bổ trợ như: câu lạc bộ năng khiếu, thể dục thể thao, kỹ năng sống, giúp học sinh phát triển toàn diện. Nhà trường cần rà soát và điều chỉnh nội dung giảng dạy để tránh tình trạng quá tải cho học sinh, đảm bảo sự cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi.
Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông và phối hợp với cha mẹ học sinh. Cung cấp cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch dạy 2 buổi/ngày, lợi ích, những hoạt động cụ thể để các bậc phụ huynh hiểu và đồng hành cùng nhà trường. Bên cạnh đó, nên thiết lập kênh liên lạc hiệu quả giữa nhà trường và gia đình để theo dõi cũng như hỗ trợ quá trình học tập của các em.
Nếu được tổ chức và triển khai đồng bộ, việc dạy 2 buổi/ngày sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-gddt-dang-khao-sat-nghien-cuu-chua-co-tuyen-bo-thcs-thpt-bat-buoc-phai-hoc-2-buoi-ngay-119250406214444572.htm