Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc |
Tờ “Binh khí” cho rằng, Không quân Trung Quốc có nhiệm vụ phòng không mặt đất. Năm 1958, Không quân Trung Quốc tiếp nhận lô tên lửa phòng không Type Sam-2 đầu tiên từ Liên Xô cũ, từ lúc đó trở đi, Không quân Trung Quốc bắt đầu xây dựng năng lực sản xuất tên lửa phòng không mạnh, bao gồm tên lửa phòng không kiểu cũ, tên lửa phòng không tiên tiến do Nga chế tạo và tên lửa phòng không HQ-9 tự cải tạo.
Giống như cơ cấu lực lượng máy bay quân sự, lực lượng tên lửa đất đối không của Không quân Trung Quốc lấy khoảng 192 thiết bị bắn hiện đại làm chủ lực, lấy 490 thiết bị bắn kiểu cũ làm hỗ trợ.
Trong đó, 192 thiết bị bắn hiện đại lần lượt là hệ thống bắn Sam-10, Sam-20 và HQ-9. Tầm bắn của Sam-10 khoảng 80 km, tầm bắn của Sam-20 và tên lửa phái sinh của nó khoảng 150 - 200 km.
Căn cứ vào báo cáo của Trung tâm tình báo hàng không-vũ trụ quốc gia Mỹ, lực lượng tên lửa phòng không Trung Quốc trong huấn luyện "rất coi trọng tính cơ động ban đêm". Một loại phương thức huấn luyện điển hình bao gồm rút lui nhanh chóng, triển khai nhanh chóng ở địa điểm bắn lựa chọn trước, ngụy trang và ẩn náu.
HHQ-9 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo là một loại tên lửa phòng không trên biển, đã được kiểm nghiệm trên tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc. Dự đoán, loại tên lửa này có tầm bắn 75 - 150 km. Sở hữu tên lửa HHQ-9 giúp Trung Quốc có thể cung cấp phòng không trên biển đầy đủ cho hạm đội của họ.
Tên lửa phóng không HHQ-9 bắn từ tàu chiến, Hải quân Trung Quốc |
Trung Quốc muốn có quyền kiểm soát trên không và quyền kiểm soát biển
Ngoài máy bay chiến đấu tàng hình được ra sức thúc đẩy, một “thành tích” khác của lực lượng đường không Trung Quốc chính là biên chế chiếc tàu sân bay đầu tiên. Năm 1998, Trung Quốc đã mua sắm tàu sân bay Varyag của Liên Xô cũ từ Ukraine, tàu số 2 lớp Kuznetsov lượng giãn nước 65.000 tấn này đã được kéo từ Biển Đen tới vịnh Đại Liên và đã được người Trung Quốc cải tạo, tân trang hoàn toàn.
Tháng 8 năm 2011, tàu Varyag sau khi sửa lại đã lại ra biển. Ngày 25 tháng 9 năm 2012, chiếc tàu sân bay này được chính thức đặt tên là Liêu Ninh, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào đã tham dự buổi lễ đặt tên.
Đại tá hải quân Trương Tranh được bổ nhiệm làm chỉ huy đầu tiên của tàu sân bay Liêu Ninh. Trương Tranh khi đó 43 tuổi, trước đó từng làm chỉ huy tàu hộ vệ, tàu khu trục. Từ năm 2001 đến năm 2003, Trương Tranh học ở Học viện ngôn ngữ quốc phòng Anh và Học viện chỉ huy và tham mưu liên hợp PLA.
Tháng 10 năm 2012, một trang mạng chính thức của Trung Quốc cho biết, nhà nghiên cứu Lý Kiệt thuộc Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay và hạm đội của nó có thể làm cho hải quân đi xa hơn, hiệu suất giám sát biển cao hơn.
Máy bay chiến đấu J-15 tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh |
Giống như chương trình máy bay tàng hình, tàu sân bay Trung Quốc cũng đã gây tranh cãi cho các học giả. Tháng 12 năm 2008, nhà nghiên cứu tàu sân bay nổi tiếng Mỹ Normand Polmar viết: "Trong thời đại hậu Chiến tranh Lạnh, đề tài gây tranh cãi nhất chính là Trung Quốc phải chăng đang có kế hoạch sở hữu tàu sân bay".
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc và tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ có mấy điểm khác biệt. Hoạt động bay của tàu Liêu Ninh chủ yếu thông qua đường băng kiểu nhảy cầu góc 14 độ để thực hiện, máy bay cánh cố định từ đó cất cánh lên không, khi hạ cánh thì sử dụng cáp hãm đà.
Tiền thân của tàu Liêu Ninh là tàu Varyag thời đại Liên Xô cũ đã thiết kế rất nhiều vũ khí dùng để phòng vệ và tiến công, hỏa lực tương đương với tàu tuần dương, bao gồm hệ thống kết hợp tên lửa-pháo và pháo phòng thủ gần có thể sánh vai với hệ thống Phalanx của Mỹ, rất nhiều ống bắn thẳng đứng tên lửa phòng không tầm gần, cùng với ống bắn tên lửa chống hạm tầm xa và vũ khí săn ngầm.
Trong khi đó, đến nay, tàu Liêu Ninh chỉ lắp hệ thống pháo phòng thủ gần, hệ thống tên lửa phòng không tầm gần và vũ khí săn ngầm, về tư duy phòng không càng gần với tàu sân bay Mỹ.
Tháng 10 năm 2012, máy bay chiến đấu J-15 của Công ty máy bay Thẩm Dương đã hoàn thành tập luyện chạm tàu và bay trở lại, cuối tháng 11 lại có 2 chiếc máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh thành công và cất cánh trên tàu sân bay. J-15 là máy bay tác chiến được thiết kế căn cứ vào máy bay chiến đấu Su-33 của Nga. Năm 2001, Trung Quốc đã mua một máy bay chiến đấu Su-33 của Liên Xô cũ từ Ukraine.
Nhà phân tích Saunders và Wiseman của Đại học Quốc phòng Mỹ dự tính, J-15 sẽ bước vào sản xuất hàng loạt trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, tiến tới "đem lại cho Trung Quốc một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có thể hoạt động trên đường băng tàu sân bay".
Tàu sân bay Liêu Ninh vốn thiết kế để chở khoảng 30 máy bay cánh cố định, đồng thời vận chuyển một phần máy bay trực thăng, như vậy có thể tăng cường hiệu năng của tàu sân bay, cũng có lợi cho nắm quyền kiểm soát trên không cục bộ.
Nhiều hạn chế
Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ đã tiến hành tổng kết vắn tắt đối với lực lượng đường không Trung Quốc hiện nay như sau: Không quân Trung Quốc "đang trở thành lực lượng có trang bị tốt và huấn luyện có chất lượng, nhưng vẫn có một số khuyết điểm và nhược điểm rõ rệt".
Một trong những thiếu sót lớn nhất trong hiện đại hóa của Không quân Trung Quốc chính là số lượng máy bay tiếp dầu trên không của họ quá ít. Hiện nay suy đoán Trung Quốc có khả năng sở hữu 8 chiếc máy bay tiếp dầu trên không IL-78 cùng với 12 máy bay tiếp dầu cải tiến H-6.
Một khuyết điểm khác là thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Các phi công Không quân Mỹ luôn tự hào rằng, một số phi công của họ từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Iraq lần thứ hai v.v..., có kinh nghiệm chiến đấu phong phú, ngoài ra, còn có rất nhiều phi công từng tham gia các loại diễn tập.
Phi công thế hệ trước của Trung Quốc cũng đã "tích lũy kinh nghiệm tác chiến" trong chiến tranh (xâm lược) Việt Nam, nhưng, đến nay, các phi công mới của Trung Quốc hầu như không có cơ hội có thể tích lũy kinh nghiệm trong nhiều cuộc "diễn tập quân sự Red Flag" và các cuộc diễn tập khác như Quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, cùng với sự hợp tác thành công giữa Không quân Trung Quốc với Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2010, phi công Trung Quốc cũng bắt đầu có cơ hội tham gia một số cuộc diễn tập quốc tế. Một sự thật thú vị là: phần lớn sĩ quan cao cấp xuất thân từ phi công máy bay chiến đấu, điều này cũng cho thấy từ khi Không quân Trung Quốc được thành lập cho đến nay, phi công máy bay chiến đấu của họ chiếm tỷ lệ lớn.
Lực lượng vũ trang đang không ngừng tăng cường giúp cho Trung Quốc hiện có khả năng kết hợp giữa trang bị tiên tiến nhất với lý luận lấy chiến tranh thông tin làm trung tâm, gây khó khăn cho các đối thủ tiềm tàng khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vị trí địa lý có thể vẫn là ưu thế lớn nhất của Trung Quốc, bởi vì trong khu vực này Trung Quốc dễ tập kết quân đội hơn. Trung Quốc có thể xây dựng cơ sở cất cánh cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các loại máy bay chi viện, do thám. Trong không chiến dự tính, Trung Quốc có thể dựa vào căn cứ trong lãnh thổ để tác chiến.
Mặt khác, Mỹ và đồng minh phải tiến hành điều động binh lực - nhiệm vụ này phải được máy bay tiếp dầu trên không, máy bay chỉ huy không chiến và bộ phận tình báo/giám sát/trinh sát (ISR) chi viện mới có thể hoàn thành, trong khi đó, những lực lượng này không hề yếu ớt so với máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tham chiến.