Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo sửa Nghị định 24 và 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã lấy ý kiến hoàn chỉnh.
"Kỳ họp Chính phủ vào ngày 1/6 này sẽ thông qua dự thảo để Thủ tướng ký ban hành", Bộ trưởng Nội vụ thông tin.
"Đến giờ phút này, dự thảo quy định theo hướng, một số sở ngành sẽ được tổ chức cứng, tức là tổ chức thống nhất trong cả nước", Bộ trưởng chia sẻ.
Cụ thể, các sở ngành được tổ chức cứng gồm: Tư pháp, Lao động – Thương Binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra, Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Còn lại, các sở khác có thể sáp nhập, hợp nhất với những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
"Chính phủ sẽ định hướng khung chứ không để từng tỉnh muốn sáp nhập như thế nào thì nhập", Bộ trưởng nói.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc. |
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo không phải sáp nhập với sở ngành khác được cho là thay đổi đáng ghi nhận bởi trước đây có ý định sáp nhập sở giáo dục và đào tạo với các sở ngành khác như Sở Khoa học và Công nghệ…
Bình luận về việc này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Tôi đã từng nói trên phương tiện thông tin đại chúng rồi, sở nào sáp nhập thì phải nghiên cứu một cách khoa học, cặn kẽ, căn cơ.
Nhưng riêng Sở Giáo dục và Đào tạo thì tôi không đồng ý sáp nhập với bất kỳ sở nào.
Bởi Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu. Cho nên sáp nhập sở giáo dục và đào tạo với một sở nào đó dễ làm giảm đi ý nghĩa, chức năng, tầm quan trọng của giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Tiết kiệm gì thì tiết kiệm, đừng kèn kẹt với giáo dục |
Ông Lê Như Tiến lo ngại: “Nếu sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với sở nào đó thì e rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu bị chệch hướng đi.
Ngành giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc đào tạo nhân lực đất nước.
Giáo dục là quốc sách tại sao lại nhập với các sở khác”.
Cũng theo vị này: “Tinh giản biên chế là đúng nhưng không phải sở ngành nào cũng sáp nhập lại với nhau.
Tôi ủng hộ việc tinh giản bộ máy, đơn giản các đầu mối nhưng không phải cứ sáp nhập một cách máy móc”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Giáo dục là ngành sản xuất rất đặc biệt - đó là ngành tạo ra một nhân cách con người.
Công việc của giáo dục không đơn giản mà phải tiến hành rất bài bản từ đường lối, quan điểm chỉ đạo cho đến học thuật, xây dựng chương trình khoa học.
Giáo dục vừa là vấn đề xã hội, vấn đề chính trị, vấn đề khoa học …đó là một hệ thống quá lớn. Nếu như giáo dục nhập vào một sở ngành nào đó, giao cho sở ngành nào đó quản lý thì sợ làm hỏng mất”.
Theo thầy Phạm Tất Dong, giáo dục cần có quản lý và quản trị riêng. Giáo dục không thể bỏ được và cũng không thể coi thường được.
“Một sở độc lập còn lình xình, sau này nhập vào sẽ còn lình xình nhiều nữa” – thầy Dong lo lắng.
Vấn đề giáo dục đặc biệt là giáo dục bậc cao, bậc trung học và đại học là cực kỳ quan trọng. Theo mình, tiết kiệm gì thì tiết kiệm chứ tiết kiệm giáo dục là rất nguy hiểm.