Theo chủ trương tới đây các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không tồn tại như cũ mà sẽ được sáp nhập với Sở khoa học và Công nghệ hoặc một sở ngành nào khác.
Theo ông Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc sáp nhập các Sở, ngành tại địa phương là tất yếu.
Trong đó các sở giáo dục và đào tạo, lao động thương binh xã hội có thể không là cơ cấu “cứng”, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục với vai trò “là quốc sách hàng đầu”.
Thường trực Ủy ban cho rằng, cần quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo ở địa phương trong Luật.
Đồng tình với quan điểm của ông Phan Thanh Bình, nhiều nhà giáo lo ngại khi Sở giáo dục sáp nhập với sở ngành khác thì sự tập trung cho giáo dục bị sao nhãng. Từ đó, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.
Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn ttxvn). |
Vì thế, nếu có sáp nhập thì cần thiết phải nghiên cứu làm sao để giáo dục phải là lĩnh vực được ưu tiên.
Ví như, trong bổ nhiệm người lãnh đạo Sở thì đó phải là một nhà giáo mẫu mực, am hiểu giáo dục.
Ngay các phòng ban của Sở cũng phải là những con người am tường và có tâm với ngành giáo.
Nếu những cán bộ của Sở mà không am tường về giáo dục tại địa phương sẽ rất khó để thúc đẩy giáo dục phát triển.
Đừng cực đoan đến mức nhất định phải sáp nhập Sở Giáo dục với ngành khác |
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Giáo dục là ngành sản xuất rất đặc biệt - đó là ngành tạo ra một nhân cách con người.
Công việc của giáo dục không đơn giản mà phải tiến hành rất bài bản từ đường lối, quan điểm chỉ đạo cho đến học thuật, xây dựng chương trình khoa học.
Giáo dục vừa là vấn đề xã hội, vấn đề chính trị, vấn đề khoa học …đó là một hệ thống quá lớn. Nếu như giáo dục nhập vào một sở ngành nào đó, giao cho sở ngành nào đó quản lý thì sợ làm hỏng mất”.
Theo thầy Phạm Tất Dong, giáo dục cần có quản lý và quản trị riêng. Giáo dục không thể bỏ được và cũng không thể coi thường được.
“Một sở độc lập còn lình xình, sau này nhập vào sẽ còn lình xình nhiều nữa” – thầy Dong lo lắng.
Vấn đề giáo dục đặc biệt là giáo dục bậc cao, bậc trung học và đại học là cực kỳ quan trọng. Theo mình, tiết kiệm gì thì tiết kiệm chứ tiết kiệm giáo dục là rất nguy hiểm.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc rút gọn bộ máy nhà nước thì các sở ngành khác sáp nhập với nhau như trước đây là sáp nhập Sở Văn hóa với Sở Thông tin thành Sở Văn hóa, thông tin.
Hoặc, sáp nhập Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy Sản thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hợp lý.
Nhưng riêng Sở Giáo dục và Đào tạo tôi thấy không thể nào sáp nhập được. Không thể sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với bất cứ sở ngành nào khác”.
5 vấn đề Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin ý kiến Thường vụ Quốc hội |
Ông Tiến nhấn mạnh: “Đảng và nhà nước đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, muốn sáp nhập Sở Giáo dục thì cần phải cân nhắc.
Tinh giản biên chế, rút gọn bộ máy thì cần thiết nhưng không cực đoan đến mức sáp nhập Sở Giáo dục với các sở khác”.
Cuối cùng vị này khẳng định: “Kiến nghị của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn với giáo dục nước ta.
Hiện đang chủ trương bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí thì điều đó càng cần thiết hơn.
Và Nghị quyết của Đảng cũng xác định rõ, đổi mới toàn diện giáo dục. Đổi mới là tìm ra phương thức, cách thức khoa học, nâng cao được chất lượng giáo dục đào tạo hơn.
Do đó tôi thấy Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh thành cần thiết và nhất thiết phải có”.