Ngày 13/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hoà Vang, trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Qua đó ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng khi ngành giáo dục đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.
Cử tri lo lắng về môn Lịch sử
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Đình Hùng - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gần 40 năm trong nghề, bản thân ông rất lo lắng trước tình trạng học sinh còn hiểu ngô nghê, mơ hồ về lịch sử dân tộc.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng trả lời những băn khoăn, lo lắng của cử tri Đà Nẵng về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Ảnh: AN |
Theo đó, ông Hùng dẫn ra ví dụ để minh chứng cho việc học trò đang có cái nhìn sai lệch, thiếu kiến thức căn bản về lịch sử hàng ngàn năm của đất nước.
Đó là khi được yêu cầu phân tích về nội dung ý nghĩa của Hịch tướng sĩ, có học sinh viết thành bài dài trên 2 tập giấy thi mô tả chi tiết thân thế và sự nghiệp của "ông” được cho là mang tên Hịch tướng sĩ.
Trong đó nêu cả ngày tháng năm sinh của “ông” Hịch Tướng Sĩ và cho biết "ông" đã tham gia khởi nghĩa chống Pháp và chống Mỹ, khi chết an táng tại nghĩa trang Gò Cà (huyện Hòa Vang) và được bà con cúng lễ hằng năm.
Rồi có câu chuyện học sinh viết rằng khi nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, 2 chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị đứng lên cầm cờ khởi nghĩa, nhưng chiến cuộc không thành, hai bà đã nhảy xuống sông Hàn tự tử.
Từ những ví dụ đó, cử tri Nguyễn Đình Hùng kiến nghị Quốc hội cần quan tâm, lấy môn Ngữ Văn, Toán và Lịch sử là môn bắt buộc, chứ không thể coi môn Lịch sử là môn tự chọn.
Bởi theo ông Hùng, việc môn học này nên là môn học truyền thống, làm bản lề, nền tảng để học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan, hình thành lòng yêu nước và ý thức xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Vấn đề là làm sao ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy, cách học để thu hút các em yêu thích hơn với môn Lịch sử chứ không phải là tìm cách loại bỏ nó.
Chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ
Trả lời những thắc mắc, kiến nghị của cử tri, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho hay, ngay khi nghe thông tin về việc bỏ môn Lịch sử ra ngoài môn học bắt buộc thì Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ.
Theo đó, tài liệu nghiên cứu chỉ ra nếu học sinh theo hướng không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở chương trình trung học phổ thông thì số tiết dạy môn này vẫn nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ.
Còn với việc tự chọn môn Lịch sử thì số tiết học nhiều hơn 176 tiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục mới còn có những môn học khác như Quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về địa phương cũng liên quan nhiều tới Lịch sử.
Theo ông Thưởng, việc giáo dục trung học phổ thông ở các nước đã được phân luồng và định hướng nghề nghiệp rất sâu. Do đó, ở cấp học trung học cơ sở phải giải quyết cơ bản nội dung môn học Lịch sử.
Dù cho cấp trung học phổ thông có bắt buộc môn này hay không thì nội dung giáo dục Lịch sử cũng tương đối nhiều. Vấn đề ở đây là cách diễn đạt gây hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông khiến người dân lo lắng.
“Ở đây không chỉ cử tri bức xúc đâu, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm về chuyện này. Tôi cũng có chỉ đạo Ban Tuyên giáo nghiên cứu rà soát cùng Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa- Giáo dục - Quốc hội nghiên cứu đánh giá lại cho thật kỹ, công bố số liệu để nhân dân cả nước biết.
Trung ương cũng đang chỉ đạo để rà soát, xem xét làm rõ lại", ông Thưởng thông tin thêm.
Cũng tại buổi tiếp xúc, có nhiều ý kiến cử tri đã bày tỏ lo ngại về chất lượng đào tạo Tiến sĩ qua một số đề tài nghiên cứu không sát thực tiễn, gây bức xúc dư luận.
Về vấn đề này, ông Thưởng cho hay, không tán thành việc cán bộ công chức sính bằng cấp, đua đòi học Tiến sĩ để có bằng, giải quyết khâu "oách" mà không giải quyết được vấn đề thực tiễn.
Do đó, ông Thưởng đề nghị cấp có thẩm quyền khi đánh giá cán bộ không đặt nặng vấn đề bằng cấp, không đánh giá cao, khen ngợi anh em có bằng cấp để tạo ra xu hướng ai cũng đi học.