Đừng quá lo lắng, môn học sinh ít chọn nhất chưa chắc đã là Lịch sử!

03/05/2022 06:52
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề của môn Lịch sử không phải là bắt buộc hay lựa chọn. Cái cần bàn ở đây là cách dạy như thế nào mới là quan trọng, phải hấp dẫn, cuốn hút, học sinh hơn nữa.

“Theo tôi, lựa chọn môn học là xu thế của thời đại, nó cũng như việc lựa chọn trường học, lựa chọn nơi ở, lựa chọn công việc,...Một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số học sinh trong một trường trung học. Môn Lịch sử lớp 10 trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng là môn lựa chọn, tôi nghiên cứu rất kĩ và nhận thấy tinh thần ở đây là đổi mới.

Thời tôi còn đi học trước năm 1954, Giáo dục Việt Nam cũng đã có chia thành chuyên khoa, chứ không phải bây giờ mới làm. Có nghĩa từ lớp 9 trở xuống với các môn học bắt buộc, còn từ lớp 10 đến lớp 12 chia chuyên Văn, Sử,…thành 3 nhóm môn như hiện nay là Xã hội, Tự nhiên và Công nghệ.

Giáo dục từ bậc Trung học phổ thông hiện nay đưa thành các nhóm môn, trong đó có những môn lựa chọn như vậy là tốt, giúp phân luồng định hướng nghề nghiệp”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Cựu giáo chức tại Hà Nội đã nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc. Ảnh: T.D.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc. Ảnh: T.D.

Theo thầy Ngọc: “Bậc Trung học phổ thông được thiết kế theo định hướng nghề nghiệp, chương trình Lịch sử cùng hàng loạt các môn học khác như Lý, Hóa, Sinh, Địa,… là môn lựa chọn. Nếu học sinh chọn môn Lịch sử thì sẽ được học chuyên sâu hơn một số nội dung cùng các chuyên đề phù hợp với sở thích, sở trường, đam mê và có thể là nền tảng để các em sau này học tiếp lên bậc học cao hơn.

Với môn Lịch sử, học sinh được học từ tiểu học cho đến hết lớp 9 với một lượng kiến thức khá đầy đủ. Khi lên bậc Trung học phổ thông, đây là giai đoạn hướng nghiệp, và lượng kiến thức cũng rất lớn nên khó có thể dàn đều học tốt như nhau được. Những học sinh có năng khiếu muốn phát triển về môn tự nhiên, hoặc có thiên hướng về môn xã hội sẽ được lựa chọn môn học từ đây, như vậy là hợp lí.

Có nhiều ý kiến cho rằng nếu cấp 3 các em không được học Lịch sử, sẽ không hình thành lòng yêu nước, quên lịch sử dân tộc? Tôi cho thưa, vấn đề yêu nước hay không nó không quyết định ở bậc Trung học phổ thông. Vai trò của môn Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung đều giáo dục lòng yêu nước, đều giáo dục truyền thống dân tộc. Khi dạy môn Toán, tôi vẫn thường xuyên giáo dục lòng yêu nước, và lòng yêu nước thể hiện trong tính cần cù, chịu khó, vượt khó không khuất phục của người Việt Nam, gặp một bài toán khó cũng không ngại bởi dân tộc ta từ khó khăn đi lên.

Với môn Ngữ văn, dạy văn mà giáo dục lòng yêu nước thì quá tuyệt vời. Vậy tại sao chỉ nói có môn Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước? Nói như vậy là chưa đầy đủ vì còn nhiều môn làm được việc đó như môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân,…Nói như vậy để thấy rằng có lựa chọn môn Lịch sử, môn Vật lí, Hóa học,…không ảnh hưởng gì đến lòng yêu nước của học sinh cũng như tương lai của dân tộc.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có từ 4 năm nay, đã biết trước như vậy thì các thầy cô phải tự đổi mới, phải thay đổi suy nghĩ, năm được xu thế thì cần phải tự học hỏi thêm để nâng cao trình độ trong việc truyền dạy kiến thức môn Lịch sử.

Nói tình yêu có nghĩa bao trùm rộng, trong đó có tình yêu dân tộc, nó là một thứ ngấm dần vào mỗi con người qua nhiều hoạt động, qua hình ảnh, qua đời sống xã hội hàng ngày. Vậy có thể nói, giáo dục lòng yêu nước là của toàn xã hội ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải chỉ trông vào 3 năm học Trung học phổ thông”.

Với môn Ngữ văn, dạy văn mà giáo dục lòng yêu nước thì quá tuyệt vời. Vậy tại sao chỉ nói có môn Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước? Ảnh minh họa: T.D.

Với môn Ngữ văn, dạy văn mà giáo dục lòng yêu nước thì quá tuyệt vời. Vậy tại sao chỉ nói có môn Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước? Ảnh minh họa: T.D.

Có ý kiến nói Lịch sử là môn học suốt đời nên môn học này phải đưa vào học bắt buộc, không thể là môn lựa chọn, thầy Ngọc cho rằng: “Giáo dục lòng yêu nước là việc ngấm dần vào mỗi con người, là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả các ngành, và dù đã lớn tuổi như tôi hiện nay vẫn thường xuyên phải tự bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, tự làm cho mình hoàn thiện thêm.

Mỗi một người hãy sống, hãy xứng đáng với dân tộc của mình, và như vậy đã thể hiện lòng yêu nước, chứ không nhất thiết phải học Lịch sử liên tục".

Thầy Ngọc nhận định: “Nếu nói Bộ Giáo dục và Đào tạo không tuyên truyền, không thực nghiệm là chưa đúng, bởi ngày 28/7/2017 thì chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được thông qua. Đến ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học. Nhưng theo tôi, công tác tuyên truyền cho toàn xã hội, công tác chuẩn bị không tốt hoặc quá mờ nhạt để bây giờ dẫn đến việc có nhiều luồng ý kiến trái chiều".

Theo thầy Ngọc, giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến hết lớp 9, môn Lịch sử là môn học bắt buộc, điều này hoàn toàn hợp lí. Hiện nay các nhà giáo đang đổi mới nội dung, cũng như cách giảng dạy để môn học này ngày càng phát huy được thế mạnh.

Giai đoạn giáo dục định hướng từ lớp 10 đến lớp 12 vì thế, môn Lịch sử đóng vai trò là môn lựa chọn trong khung 3 nhóm môn Tự nhiên, xã hội và công nghệ là hoàn toàn hợp lí, phù hợp với xu thế của thế giới.

Chưa kể, giai đoạn giáo dục định hướng là một sự chuyển đổi về chất, thay đổi về nếp nghĩ, cách làm, là sự đổi mới toàn diện và triệt để không những của thầy cô giáo, của nhà trường mà còn của cả xã hội. Vì vậy công tác tuyên truyền, công tác thực hiện còn phải làm tỉ mỉ, kiên trì để ngấm dần vào mỗi con người, đồng thời thay đổi triệt để cách đánh giá, cách thi cử,…sao cho mỗi người nếu có lòng say mê trong việc học, muốn thiết tha với một ngành nào cũng đều được đáp ứng.

Vấn đề của môn Lịch sử không phải là bắt buộc hay lựa chọn. Cái cần bàn ở đây là cách dạy như thế nào mới là quan trọng. Nếu vẫn giữ mãi cách dạy học truyền thống đã cũ, đọc chép, nhồi kiến thức chính xác từ dấu chấm, dấu phẩy trong sách giáo khoa, với các con số thì dù Lịch sử có là môn học bắt buộc thì với học sinh nó mãi vẫn là môn học gây nhàm chán, học chỉ để thi. Còn nếu nội dung dạy học hấp dẫn, cuốn hút, tự khắc học sinh sẽ chọn học”.

Nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: (NVCC).

Nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: (NVCC).

Không quá lo lắng khi Lịch sử là môn lựa chọn

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Không nên quá lo ngại chuyện học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử. Chúng tôi sau khi có buổi hướng dẫn cho 429 học sinh khối 9 về cách thức chọn 5 môn lựa chọn khi lên lớp 10.

Nhà trường có thu phiếu khảo sát 5 môn lựa chọn của học sinh, và kết quả môn ít được học sinh lựa chọn lại là môn Sinh học chứ không phải môn Lịch sử. Cụ thể kết quả như sau:

Môn Lịch sử: 204 học sinh chọn (chiếm 47,6%); Môn Địa lí: 160 học sinh chọn (chiếm 37,3%); Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật: 339 học sinh chọn (chiếm 79%); Môn Vật lý: 260 học sinh chọn (chiếm 60,6%); Môn Hóa học: 191 học sinh chọn (chiếm 44,5%); Môn Sinh học: 146 học sinh chọn (chiếm 34%); Môn Công nghệ: 180 học sinh chọn (chiếm 42%); Môn Tin học: 326 học sinh chọn (chiếm 76%); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật): 248 học sinh chọn (chiếm 57,8%).

Theo thầy Tùng: “Dù rằng khảo sát của chúng tôi với mẫu 429 cũng chưa phải là lớn, song cũng cho thấy những con số đáng lưu ý. Cá nhân tôi cho rằng, môn Lịch sử để vào tổ hợp cho học sinh lựa chọn là hợp lý bởi môn này dễ tự học nhất nếu học sinh có văn hóa đọc tốt. Tôi nhận thấy một bộ phận học sinh không hứng thú môn Lịch sử là do nội dung, cách truyền tải và một phần cũng bởi do chưa đổi mới trong cách ra đề thi. Vì còn quan niệm thi gì học nấy nên cũng khiến môn Lịch sử trở nên khô khan hơn”.

Tùng Dương