Một vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, đó là việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ đại án.
Trong ngày làm việc 13/11, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, với ngành thi hành án về áp lực ngày một gia tăng do số việc thi hành án ngày càng cao.
Trong đó, các vụ án tham nhũng với số tiền phải thi hành án rất lớn, có nguy cơ tồn đọng cao đang hiện hữu.
Ông Xuyền cho rằng, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số tiền thi hành án xong cũng mới chỉ đạt 38,35% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành. Nếu so với tổng số tiền mà tổng số án phải thi hành thì tỉ lệ là rất thấp.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội dẫn chứng, trong 5 vụ án điển hình thi hành án trong năm qua gồm vụ Dương Chí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng.
Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng, cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền cũng mới chỉ đạt 2%.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, cần phải hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (ảnh: Báo Vietnamnet). |
Trước thực trạng hiệu quả của việc thi hành án trong các vụ án tham nhũng không đạt như kỳ vọng, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông.
Theo ông Cuông, đây là vấn đề được dư luận đề cập lâu nay, hiệu quả thực tế thi hành án kém, nên các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để có giải pháp cho phù hợp.
Hàng chục năm nay trên diễn đàn Quốc hội, báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập đến vấn đề này.
Gần đây, báo cáo của Chính phủ nêu có tiến bộ tăng mấy chục phần trăm so với trước, nhưng thực tế vẫn là vấn đề gây bức xúc mà người dân đang có nhiều ý kiến.
Lò đã nóng rực, tại sao tội phạm tham nhũng vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng? |
Ông Cuông đánh giá: “Bây giờ chống tham nhũng có chuyển biến tốt nhưng làm thế nào đó ngoài xử lý hình sự, hành chính thì phải thu hồi lại được tài sản thất thoát.
Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, mổ xẻ đến nơi đến chốn để xem nguyên nhân, trách nhiệm về mặt pháp luật có không và mức độ như thế nào để xem xét bổ sung.
Tôi cho rằng, có quyết định truy tố, điều tra mới bắt đầu vào cuộc để kiểm kê tài sản thì khi đó người ta đã phân tán đi rồi.
Trong quá trình tham nhũng thì người ta đã tìm cách cất giấu, phân tán đi rồi. Còn đến khi rục rịch, có biểu hiện điều tra, truy tố trước đó người ta đã đánh động, phân tán, đến khi về kiểm kê tài sản, khám xét chả còn cái gì nữa”.
Ông Cuông nêu ví dụ, có trường hợp khi đến khám nhà chỉ còn thấy bằng khen mà không thấy tiền nong trong khi người ta khai có hối lộ rất nhiều tiền. Theo ông:
“Pháp luật phải có biện pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng này. Phải có kê khai tài sản, giám sát tài sản, vấn đề ngăn cản trước khi khởi tố thế nào?
Học kinh nghiệm các nước họ kiểm soát việc này thế nào. Người ta làm thế nào để thu hồi tài sản một cách triệt để.
Ngoài hoàn thiện pháp luật thì cần có bộ máy mật trinh sát, theo dõi, nắm bắt những người có trong danh sách đen xem có phân tán, cất giấu tài sản không. Và sau khi có bản án thì phải vào cuộc một cách quyết liệt.
Quá trình thực thi, vướng mắc các quy định của pháp luật đang còn bất cập. Các cơ quan chức năng cần mổ xẻ nguyên nhân làm thế nào đó để khắc phục.
Thấy được vấn đề rồi thì cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Việc này khó nhưng chẳng lẽ phải bó tay?".