Kiểm tra không lấy điểm ở bậc phổ thông của Mỹ

10/05/2017 06:56
Bài và ảnh: Thu Hồng
(GDVN) - Kiểm tra không chỉ với mục đích đánh giá năng lực trình độ học sinh giỏi hay dốt, mà còn có ý nghĩa giúp giáo viên điều chỉnh bài phù hợp.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Đinh Thu Hồng, một giáo viên tiểu học đang giảng dạy tại Hoa Kỳ.

Nhân dịp mùa thi cử, cô giáo Thu Hồng chia sẻ các hình thức thi và kiểm tra tại bậc phổ thông ở Mỹ. Trong bài viết đầu tiên, cô sẽ đề cập đến các cách kiểm tra không chính thức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Thi và kiểm tra ở Mỹ có rất nhiều dạng khác nhau, chính thức và không chính thức.

Thi và kiểm tra không chỉ với mục đích đánh giá năng lực trình độ học sinh giỏi hay dốt, mà còn có ý nghĩa giúp giáo viên điều chỉnh bài giảng cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Nhân mùa thi đang đến, tôi xin chia sẻ với các bạn 2 bài viết về thi và kiểm tra ở Mỹ.

Trong phần 1 này, tôi sẽ nói về những cách kiểm tra không mang tính chính thức, tức là kiểm tra mà không chấm điểm hoặc có điểm số nhưng tùy thày cô chọn cho vào bảng điểm chính thức hay không.

Học sinh thể hiện mình đã hiểu bài hay chưa qua kí hiệu bàn tay.
Học sinh thể hiện mình đã hiểu bài hay chưa qua kí hiệu bàn tay.

Mục đích chính của những cách kiểm tra không chính thức này là:

1. Cốt để biết học sinh có đang hiểu bài hay không. Nếu không hiểu thì phải giảng lại, hoặc nếu hiểu rồi hoặc hiểu nhanh thì chứng tỏ bài đó dễ đối với các em.

2. Xem để biết sơ lược quá trình tiếp thu bài và nội dung như thế là nhanh hay chậm, đúng hướng hay không.

Từ đó giúp các em gạt bỏ hay hạn chế những hiểu nhầm (misconception) trong quá trình tiếp thu bài.

Ví dụ: Khi dùng thước kẻ để đo chiều dài một vật gì, nhiều khi các em không để từ số 0, mà để từ số bất kỳ. Do đó đo bị sai.

3. Đánh giá khả năng làm hay thực hiện 1 nhiệm vụ bất kỳ và cụ thể dựa trên yêu cầu đặt ra. Chứ không phải để đánh giá thành tích chung cuối cùng.

Có những cách kiểm tra kiểu không chính thức (informal) như sau:

1. Đặt câu hỏi khi đang giảng bài (Interview/Question)

2. Quan sát của giáo viên (through observation): xem bạn nào làm đúng cách hay không, dùng công thức hay số đúng không, viết chữ đúng cách không.

3. Giơ tay ra hiệu/hand signals: ví dụ nếu hiểu bài các em giơ ngón cái lên /thumb up, chưa hiểu thì để ngón cái xuống /thumb down, hơi hơi hiểu thì để ngón cái ngang ra.

Các miếng giấy nhớ được sử dụng để kiểm tra bài học về tính hoán đổi của phép cộng.
Các miếng giấy nhớ được sử dụng để kiểm tra bài học về tính hoán đổi của phép cộng.

4. Exit ticket: ra 1 câu hỏi dễ để kiểm tra xem các em có hiểu bài không. Ví dụ nếu dạy bài học về tính hoán đổi của phép cộng /commutative property thì ra phép toán như 2+3=5, 3+___= 5.

Thường exit ticket mình dùng sticky note (miếng giấy nhớ) cho các em viết lên hoặc dạng phiếu làm sẵn nhỏ nhỏ bằng nửa tờ A4.

5. Pre-assessment: bài kiểm tra trước khi dạy 1 bài mới hay khái niệm mới.

Thường pre- assessment dùng để đánh giá xem lượng kiến thức của các em đã biết đến đâu về chủ đề /bài học mới.

Dựa vào kết quả của bài kiêm tra này để thày cô lên kế hoạch giảng bài mới cho phù hợp.

Bài kiểm tra dạng Exit ticket.
Bài kiểm tra dạng Exit ticket.

6. Clicker: dạng kiểm tra mang tính tương tác và công nghệ, rất phổ biến cách đây khoảng 6-7 năm. Hiện vẫn nhiều trường sử dụng.

Trường mình dùng của hãng Turning Point. Clicker được thiết kế giống như cái điều khiển từ xa/remote control mà nhỏ hơn, gồm may phím nhỏ như Yes/No, rồi số từ 0-9.

Clicker sử dụng và tích hợp phần mềm của Power Point để hiện câu hỏi, câu trả lời và cho kết quả ngay khi các em bấm câu trả lời vào từng Clicker.

7. Running records: tờ theo dõi xem các em đọc thế nào, nhanh hay chậm, hay sử dụng những chiến lược nào khi đọc.

Cô giáo khi dùng runnning record có bản truyện /đoạn văn, bút, đồng hồ bấm giờ/timer, giấy tờ ghi lại những hành vi khi đọc của học sinh như có đọc bỏ sót hay thêm từ không, có bị nhảy cách dòng không...

8. Anecdotal records: ghi chép những điều cô chú ý thấy khi làm việc, quan sát, trò chuyện với các bạn học sinh

Kiểm tra dạng vừa học vừa chơi khiến học sinh thích thú cũng là cách ôn luyện hiệu quả.
Kiểm tra dạng vừa học vừa chơi khiến học sinh thích thú cũng là cách ôn luyện hiệu quả.

9. Review /Ôn luyện tổng kết trước khi thi: cũng chính là lúc kiểm tra xem các bạn học và hiểu đến đâu rồi. Thường là qua những trò chơi như: Bingo, hay chia đội /nhóm thi đấu với nhau, hay chơi Jeopardy.

10. Websites/online platforms: đây là cách kiểm tra các em yêu thích nhất, cực kỳ cuốn hút, nhanh và hiệu quả.

Những trang mạng này có sẵn kho bài kiểm tra khổng lồ, đủ mọi đề tài, cho mọi môn học. Tất cả các trang này mọi người đều có thể sử dụng miễn phí, chỉ cần đăng ký tài khoản.

Cứ khi nào cả lớp vào Computer lab hoặc mượn được laptop ở thư viện cho cả lớp được là sẽ vào mấy trang này chơi.

Tôi hay cho các em chơi dịp trước khi có bài kiểm tra chính thức nào đó. Như là cách để thư giãn mà cũng để ôn luyện lại bài và kiến thức.

2 trang tôi hay dùng nhất được giới thiệu dưới đây:

SOCRATIVE: https://www.socrative.com/

KAHOOT: https://getkahoot.com/

Học sinh lớp tôi mê mẩn Kahoot vì có quá nhiều bài kiểm tra hay, lại chơi cùng lúc với nhau nên xem ai đang dẫn đầu.

Riêng việc đặt tên cho mình để tham gia chơi cũng làm các em khoái chí vui thích lắm rồi.

Bài và ảnh: Thu Hồng