Kiểm tra tập trung có còn phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

20/10/2023 08:56
Phan Thế Hoài (giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hầu hết các nhà trường triển khai kiểm tra tập trung giữa học kì, cuối học kì theo hình thức tự luận, trắc nghiệm - điều này có phù với Chương trình mới?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai năm thứ 3 đối với bậc trung học cơ sở và năm thứ 2 ở bậc trung học phổ thông.

Nhìn chung, ngành giáo dục các địa phương đã chỉ đạo giáo viên thay đổi phương pháp dạy học sao cho phù hợp với Chương trình mới.

Tuy vậy, việc kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông, theo ghi nhận của người viết (giáo viên trung học phổ thông), vẫn chưa có nhiều thay đổi. Điều đó được thể hiện qua việc kiểm tra tập trung giữa học kì, cuối học kì như hiện nay.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Theo đó, học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông một năm học có 4 kì kiểm tra định kì (giữa học kì 1, cuối học kì 1, giữa học kì 2 và cuối năm học).

Cứ mỗi lần chuẩn bị kiểm tra định kì là các nhà trường phổ thông lại lên kế hoạch giống nhau: quy định thời gian kiểm tra; phân công giáo viên ra đề kiểm tra; tổ chức kiểm tra tập trung và chấm bài kiểm tra.

Đáng chú ý, mỗi phòng kiểm tra thường có 24 học sinh, được sắp xếp theo số báo danh alpha b (A, B, C) và xáo trộn học sinh các lớp trong khối với nhau.

Mục đích của việc sắp xếp như thế này là để hạn chế thấp nhất việc học sinh quay cóp, trao đổi bài với nhau, nhằm nâng cao ý thức học tập của các em và góp phần cải thiện chất lượng chuyên môn của từng bộ môn.

Khi kiểm tra tập trung, học sinh thường làm bài kéo dài trong vòng 1 tuần và các em không phải học văn hóa. Thường thì học sinh làm bài kiểm tra 1 ngày và nghỉ 1 nghỉ 1 ngày xen kẽ để có thời gian ôn bài.

Có thể nhận thấy, học sinh làm bài kiểm tra theo thời gian và tiến độ quy định. Có hai hình thức kiểm tra chủ yếu được thực hiện từ trước đến nay đó là tự luận và trắc nghiệm.

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, việc các nhà trường phổ thông cho học sinh kiểm tra tập trung và làm bài theo hai hình thức này là chưa triển khai hết nội dung theo tinh thần của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Cụ thể, Điều 7 Thông tư quy định đánh giá định kì (giữa học kì, cuối học kì) như sau (trích):

"Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện."

Như thế, theo nội dung Thông tư này, việc kiểm tra định kì còn được thực hiện bằng bài thực hành hoặc dự án học tập.

Học sinh làm bài thực hành thì không cần phải kiểm tra theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm. Giáo viên tổ chức cho học sinh kiểm tra theo đơn vị lớp tại phòng thí nghiệm, thư viện mà không cần chia lớp và cùng thời gian.

Thầy cô hoàn toàn có thể cho học sinh làm dự án để lấy điểm kiểm tra định kì. Việc thực hiện dự án tuy có khó khăn hơn vì cần thời gian dài; giáo viên giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng nhóm; quy định tiêu chí đánh giá tường minh;... nhưng đây là hình thức đánh giá có nhiều ưu điểm.

Hình thức kiểm tra, đánh giá này không tạo áp lực cho học sinh theo kiểu thi cử hay điểm số mà chú trọng vào khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn trong cuộc sống.

Tôi và các đồng nghiệp đã nhiều lần cho học sinh làm dự án học tập, sau đó mời giáo viên trường bạn về dự giờ học tập, rút kinh nghiệm.

Nhiều đồng nghiệp nhận xét, việc cho học sinh làm dự án với những yêu cầu về sản phẩm đầu ra đa dạng không chỉ giúp đánh giá về mặt kiến thức, năng lực người học toàn diện mà còn kích thích sự hứng thú, tìm tòi của các em.

Theo các thầy cô giáo, ngoài kiến thức từ sách giáo khoa, học sinh khám phá thêm kiến thức khoa học mới mẻ, những vấn đề xã hội rất thực tiễn như: sức khỏe, môi trường… từ việc thực hiện dự án.

Cùng với đó, việc liên hệ kiến thức vào các vấn đề của cuộc sống khiến cho môn học trở nên gần gũi, thiết thực. Vì vậy, bài kiểm tra theo dự án trở nên nhẹ nhàng, là kết quả của quá trình học sinh say mê khám phá kiến thức.

Và các giáo viên kết luận, thông qua dự án, học sinh sẽ được rèn luyện và phát triển các năng lực, phẩm chất như: năng lực chung của công dân thế kỷ XXI và năng lực chuyên biệt của môn học - phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cá nhân tôi thấy rằng, một trong những ưu điểm nữa của việc kiểm tra theo hình thức dự án là giáo viên không chỉ tập trung vào sản phẩm đầu ra mà còn đánh giá được quá trình học sinh làm việc nhóm, từ đó đưa ra những nhận xét, đánh giá chính xác cho các em.

Không chỉ giáo viên đánh giá mà học sinh cũng được đánh giá (đánh giá theo nhóm, đánh giá giữa các thành viên trong nhóm và học sinh tự đánh giá) theo thang điểm thông qua bộ tiêu chí được xây dựng ngay từ đầu.

Nhìn chung, việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức thực hành hoặc dự án học tập là phương án khả thi, nhằm tạo sự hứng thú và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện trong bối cảnh ngành giáo dục triển khai Chương trình mới hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài (giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh)