Kiến nghị giải pháp huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho GDĐH đạt hiệu quả

23/06/2024 06:23
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn là bài toán, thử thách lớn, hiệu quả mang lại chưa nhiều.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, việc huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học công lập luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, hiện việc huy động nguồn lực tài chính đó vẫn còn là bài toán, thử thách lớn, hiệu quả mang lại chưa nhiều.

Để hiểu rõ hơn về thực trạng và giải pháp huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ông đánh giá như thế nào về thực trạng huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học công lập Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Ở Việt Nam, các nguồn đầu tư cho giáo dục đại học đến từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa và từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công (trong đó chủ yếu đến từ học phí). Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ huy động các nguồn lực này chưa cao.

Bác Khuyến 1.jpeg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Mai)

Trước hết, bàn về ngân sách nhà nước, hiện có hai nguồn chi ngân sách công cho giáo dục đại học là chi thường xuyên (do Bộ Tài chính quản lý phân bổ) và chi đầu tư phát triển (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý phân bổ).

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, kỳ vọng của Việt Nam đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao, nhưng thực tế hiện nay, nguồn chi ngân sách công dành cho giáo dục đại học chưa tương xứng với mục tiêu phát triển quốc gia.

Cụ thể, theo số liệu chi ngân sách cho giáo dục đại học giai đoạn 2018-2020 của Bộ Tài chính, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2020 chỉ đạt 0,25% đến 0,27% GDP (chiếm từ 4,32% - 4,77% tổng ngân sách nhà nước dự toán chi cho giáo dục và đào tạo). Thậm chí, năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học có tỷ trọng là 0,27% GDP nhưng thực chi chỉ có 0,18% GDP. Thêm nữa, từ năm 2018 đến năm 2020, tỷ lệ thực chi giảm từ 0,20% GDP (chiếm 4,27% ngân sách nhà nước thực chi cho giáo dục và đào tạo) xuống còn 0,18% GDP (chiếm từ 4,06% ngân sách nhà nước thực chi cho giáo dục và đào tạo). Theo tôi, đây là mức chi rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Còn về chi đầu tư phát triển cho giáo dục đại học, chúng ta thấy rằng hiện nay ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn hạn hẹp. Điều này thể hiện ở mức phân bổ ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thấp. Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, đầu tư ngân sách R&D trong tổng GDP của Việt Nam chỉ đạt 0,41% GDP, thấp hơn Thái Lan (0,6%) và thấp hơn nhiều so với Malaysia (1,3%), Trung Quốc (2,1%) và Singapore (2,0%).

Trên thực tế, nghiên cứu tại các trường đại học không nhận được đầu tư đúng mức. Nguồn chi đầu tư này thường được cấp cho các viện nghiên cứu nhà nước nhiều hơn trong khi các viện nghiên cứu này vốn đã phân mảnh, không hoặc liên kết yếu với hệ thống giáo dục đại học. Hay nói cách khác, tại Việt Nam, kinh phí nghiên cứu khoa học không tương xứng với nguồn nhân lực R&D. Bởi, nguồn nhân lực R&D tập trung chủ yếu ở các trường đại học (chiếm 50% tổng lực lượng R&D của cả nước), trong đó 69% các nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ, thạc sĩ chỉ nhận được 13% ngân sách R&D, trong khi đó hơn 60% ngân sách R&D được phân bổ cho các viện nghiên cứu nhà nước. Như vậy, trong tổng chi tiêu công cho R&D chiếm khoảng 0,41% GDP thì trường đại học chỉ nhận được chưa đến 0,05% GDP cho các chương trình nghiên cứu.

Nhằm thúc đẩy quá trình tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, điều dễ thấy nhất khi các trường đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ là bị cắt chi thường xuyên. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển mà trường đại học nhận được lại không thường xuyên, phân bổ không đồng đều, thậm chí cắt cả chi đầu tư cho trường đại học.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương 1.jpg
Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: NTCC)

Như vậy, khi ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho trường đại học bị cắt giảm, cùng với không được nhận chi đầu tư phát triển, trường đại học rất khó tồn tại trong bối cảnh tự chủ vì không đủ kinh phí. Trước thực trạng này, để có thể tồn tại được, các trường đại học buộc phải tăng học phí. Nhưng học phí tăng cao, người học là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là những gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với các nguồn thu hợp pháp khác và nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ, hiện nay học phí là một nguồn thu chủ yếu của trường đại học công lập. Còn lại, các nguồn thu hợp pháp khác, đặc biệt là từ hoạt động chuyển giao công nghệ chưa mang lại giá trị lớn cho trường đại học. Điều này có thể thấy rõ thông qua báo cáo ba công khai mà các trường công bố hàng năm. Như tôi được biết, có trường top mà nguồn thu từ học phí chiếm trên 80% tổng thu trong khi đó, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (chỉ chưa đến 4%/tổng thu).

Đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta ngoài từ ngân sách và học phí còn có đầu tư từ việc huy động nguồn lực xã hội hóa. Thực hiện Nghị quyết số 90-CP ngày 21/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, công tác xã hội hóa đã khai thác được tiềm năng và nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, tốc độ xã hội hóa còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, kết quả mang lại chưa cao, và chưa thu hút được nhiều các thành phần xã hội tham gia.

Có thể khẳng định, nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục đại học đến từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân là nguồn lực quan trọng, nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển. Ở các nước trên thế giới, các nguồn đầu tư này được huy động rất tích cực và khả quan. Nhưng ở nước ta hiện nay, ngoài ngân sách nhà nước, nguồn thu của trường đại học chủ yếu vẫn từ học phí, còn các nguồn thu khác (từ xã hội hóa, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,...) rất hạn chế, thậm chí không có. Đơn cử, những đóng góp của các mạnh thường quân, cựu sinh viên, cựu học viên ở nước ta cho giáo dục đại học chưa nhiều, và chỉ dừng lại ở những suất học bổng (với giá trị chưa cao), hay các sản phẩm bằng hiện vật cho sinh viên đang học tại chính ngôi trường mà trước đây các mạnh thường quân, cựu sinh viên, cựu học viên theo học.

Cần phải nói thêm, trên thế giới, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được sử dụng rộng rãi nhằm khắc phục sự thiếu hụt lớn về tài chính cho trường đại học công lập. Nhưng ở Việt Nam, phương thức này hầu như chưa được áp dụng nhiều trong giáo dục đại học. Đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học Việt Nam mới chủ yếu là các dịch vụ nhỏ lẻ, còn những dự án lớn (như mua sắm thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm,...) rất ít và khó thực hiện. Điều này là do chưa có sự minh bạch về cơ chế chủ sở hữu của nhà trường để tạo thuận lợi cho Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện trong giáo dục. Thêm nữa, hành lang pháp lý chưa thực sự thông thoáng khiến cho việc xây dựng trường đại học tư thục hiện nay còn hạn chế.

Phóng viên: Từ thực trạng và hạn chế trong việc huy động nguồn lực tài chính đã, đang và sẽ gây ra những khó khăn gì trong phát triển giáo dục đại học, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Hiện nay, nguồn lực và cơ chế tài chính, phân bổ tài chính được cho là điểm nghẽn của giáo dục đại học Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành trường đại học cũng như chất lượng đào tạo và thu hút nhân tài.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học quá ít dẫn đến khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và tăng quy mô đào tạo đại học. Từ đó dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và có nguy cơ tụt hậu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học trong giai đoạn này có tỷ lệ tăng 30,7%. Tuy nhiên, dù quy mô đào tạo đại học tăng nhưng hệ thống cơ sở giáo dục đại học phát triển không đồng đều, nhiều trường đại học tư thục và trường trực thuộc địa phương có quy mô đào tạo nhỏ và rất nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp, hoạt động khó đạt hiệu quả.

Từ năm 2019 đến nay, quy mô đào tạo đại học tăng nhưng tỷ lệ 215 sinh viên/vạn dân còn thấp so với khu vực và thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc khối Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Điều này cho thấy còn nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu đạt 260 sinh viên/vạn dân vào năm 2030.

Thứ hai, số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ giảng viên đại học chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo. Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, đội ngũ giảng viên của các trường đại học công lập trên toàn quốc phát triển nhanh về số lượng, trình độ và năng lực. Trong đó, từ năm 2013 đến năm 2021, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,3% lên 31,2%; số lượng giảng viên có trình độ sau đại học tăng từ 37.856 người lên 70.018 người. Tuy nhiên, các tỷ lệ này rất thấp so với chuẩn chung của thế giới, là điểm nghẽn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học. Chưa kể, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư có xu hướng tăng nhưng vẫn được đánh giá là thấp so với nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Thứ ba, các trường đại học công lập không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Hạn chế từ việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học khiến cho cơ sở vật chất của trường đại học công lập còn “thua” xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. So với chuẩn chung của thế giới, diện tích khuôn viên và diện tích xây dựng của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học không đáp ứng được yêu cầu của quy mô đào tạo. Chưa kể, nhiều trường có diện tích thư viện chật hẹp, số lượng tài liệu ít, tài liệu chuyên sâu lại càng hạn chế.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, trên 135 cơ sở giáo dục đại học, tỷ trọng chi trung bình cho cơ sở vật chất của các trường chiếm xấp xỉ 5% tổng chi hàng năm. Con số này khó có thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học, nhất là đối với các ngành thuộc khối y dược, kỹ thuật, công nghệ,...

Ảnh 7-Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội.JPG
Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NTCC)

Thứ tư, đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học thấp dẫn tới học phí gần như chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong cơ cấu nguồn thu của trường đại học, gây khó khăn cho người học. Do thiếu nguồn lực tài chính, nhiều lao động tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa được đào tạo bài bản. Thực tế này đã và đang tiếp tục tạo ra khoảng cách, sự bất công bằng trong giáo dục đại học. Thêm nữa, khi học phí tăng cao, người học sẽ gặp nhiều khó khăn và cản trở việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân mang tính chất “mở”, giảm cơ hội học tập suốt đời của mọi người.

Thứ năm, công tác nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với tiềm năng. Từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách cho khoa học công nghệ đang giảm dần (chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%). Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo. So với thế giới, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn hạn chế, chưa tương xứng, chưa đạt tới ngưỡng cần và đủ.

Hệ quả dễ thấy khi đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học ở trường đại học chưa nhiều là các giảng viên khó tiếp cận được với những tri thức mới, hiện đại, cập nhật trong lĩnh vực chuyên môn, nghiên cứu. Bài giảng cho sinh viên cũng trở nên nhàm chán, thiếu tính cập nhật từ kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên. Từ đó ảnh hưởng đến kiến thức, nhận thức của sinh viên về ngành, chuyên ngành. Hoạt động nghiên cứu khoa học hạn chế khiến cho cơ sở đào tạo khó thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài vào trường để nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Phóng viên: Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, chúng ta cần tăng lên khoảng 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học cho đến năm 2030. Quan điểm của tiến sĩ về khuyến nghị này như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, đến năm 2030, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,8-1% GDP.

Hiện nay, nguồn đầu tư ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục ở mức cao, song phần lớn đang tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông, còn mức đầu tư cho giáo dục đại học ở mức thấp. Theo tôi, việc đầu tư cho giáo dục phổ thông là tất yếu, góp phần tạo nền tảng cho giáo dục đào tạo nhưng không vì thế mà mức đầu tư cho giáo dục đại học lại quá thấp.

Vì vậy, trong trường hợp tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo không đổi, có thể điều chỉnh việc phân bổ mức chi ngân sách cho giáo dục đại học nhiều hơn so với giáo dục phổ thông. Để từ đó, các trường đại học có thêm nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo.

Khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới về việc Việt Nam cần tăng lên khoảng 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học cho đến năm 2030 là có cơ sở, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận giáo dục công bằng. Mức đầu tư này có thể sẽ hỗ trợ đắc lực vào nguồn chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong quá trình thực hiện tự chủ.

Phóng viên: Để huy động hiệu quả nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học, theo ông, cần phải có các giải pháp cụ thể như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Ghi nhận những thách thức của hệ thống giáo dục đại học từ những ngày đầu đổi mới, lãnh đạo Đảng thời điểm đó là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998 đã giải thích cụ thể hơn rằng: “Ngành Giáo dục và Đào tạo đang cần giải một bài toán rất khó là phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn hẹp. Bài toán này cũng khó như bài toán chung hiện nay của đất nước là phải tạo ra một sự tăng trưởng nhanh chóng từ một điểm xuất phát rất thấp, hoặc bài toán của thời kỳ kháng chiến trước đây là một nước nghèo mà phải đánh thắng kẻ thù giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Kinh nghiệm cho thấy muốn giải được bài toán khó đó phải rất sáng tạo, phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống. Trong trường hợp của giáo dục đào tạo, phải dựa vào sự hợp đồng tác chiến của các “binh chủng” giáo dục khác nhau, các loại hình đào tạo khác nhau, các loại trường khác nhau. Phải phối hợp hài hòa các đơn vị khác nhau trong một nhà trường, các trường khác nhau trên một địa bàn, các mô hình trường khác nhau trong cả hệ thống giáo dục. Để làm được điều đó phải có quan điểm toàn cục, chống các xu hướng bản vị, cục bộ...”.

Ảnh 4-Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hành.JPG
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Theo tôi, để huy động hiệu quả nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học cần đổi mới cơ chế huy động nguồn lực bằng việc giữ vai trò chủ đạo của đầu tư ngân sách nhà nước. Cùng với đó, cần huy động nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công - tư trong giáo dục đại học. Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng “mở”.

Cụ thể, như đã nói ở trên, cần thiết phải điều chỉnh lại phân bổ ngân sách đầu tư cho giáo dục theo hướng tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục đại học. Chúng ta cũng cần phải xác định, tự chủ đại học không có nghĩa là “tự túc”, nhà nước cắt giảm chi thường xuyên cho giáo dục đại học. Ngược lại, trong bối cảnh thực hiện tự chủ, nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục đại học hơn nữa. Để tránh lãng phí nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, có thể nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách dựa trên hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, kết quả đánh giá kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập. Ưu tiên đầu tư cho trường đại học có chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tốt, kết quả kiểm định và xếp hạng theo chuẩn quốc gia, quốc tế cao, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

Thứ hai, có thể xây dựng cơ chế phối hợp giữa trường đại học và viện nghiên cứu nhà nước (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; các viện hàn lâm) để tận dụng thế mạnh về con người, trang thiết bị. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của trường, viện, góp phần tăng hiệu quả đầu tư ngân sách cho đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học từ doanh nghiệp, tư nhân thông qua đối tác công tư. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 nêu “Từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giáo dục, trước mắt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục”. Đây được coi là giải pháp thực hiện nhằm “Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập”. Ngoài ra, theo Điều 4, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật số 64/2020/QH14) của Quốc hội ban hành ngày 18/6/2020 cũng quy định giáo dục là 1 trong 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.

Tôi cho rằng, để giáo dục đại học đảm bảo tài chính bền vững, ngoài ngân sách nhà nước, cần sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư tư nhân cho giáo dục đại học. Nhưng để thu hút được nhà đầu tư tư nhân, cần thiết phải xem xét đến phương thức hợp tác công tư PPP. Muốn tạo thuận lợi cho Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đại học đi vào cuộc sống, cần bổ sung các căn cứ pháp lý nhằm phát triển giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.

Thứ tư, cần đổi mới thể chế theo hướng cho phép tăng cường tính chất “mở” của hệ thống giáo dục quốc dân. Chủ trương xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục “mở”, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã được đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hệ thống giáo dục mang tính chất “mở” được thể hiện ở việc người học có nhiều cơ hội ở cả đầu vào và đầu ra, các bậc học, các chương trình học phải có liên thông với nhau - đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập, giúp mọi người dễ dàng học ở bất cứ thời điểm nào.

Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành chưa phải là một hệ thống giáo dục “mở”. Bởi, các luật liên quan đến giáo dục còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, ít nhiều gây khó khăn cho trường đại học trong quá trình thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư cho trường đại học công lập gặp khó khăn. Do vậy, cần tăng cường tính chất “mở” của hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó tạo điều kiện tận dụng tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phục vụ cho phát triển giáo dục đại học nói riêng, giáo dục của đất nước nói chung.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!

Ngọc Mai