Kim Jong-il và Medvedev đã đạt được các hiệp định hợp tác lớn, nhưng Kim Jong-un dường như không hề đếm xỉa đến nó. |
Tạp chí The Diplomat ngày 23/12 đăng bài phân tích của Stephen Blank nhận xét, cuộc thanh trừng tàn bạo gần đây của Kim Jong-un với ông chú rể Jang Song-thaek và các quan chức cấp cao khác dường như có liên quan với quan hệ bất hòa giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, tuy nhiên Bắc Kinh không phải một trường hợp cá biệt bởi Bình Nhưỡng đang có xu hướng ngày càng xa lánh Nga.
Trên thực tế Kim Jong-un đã không làm gì để thúc đẩy các hiệp định Nga - Bắc Triều Tiên đạt được từ thời cha mình với Tổng thống Dmitry Medvedev năm 2011. Caccs hiệp định là sản phẩm của sáng kiến Nga đưa ra nhằm giảm căng thẳng khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên năm 2010 khi Bình Nhưỡng pháo kích đảo Yeonpyeong và phóng ngư lôi đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc.
Tháng 9/2010 các quan chức Nga nhận định bán đảo Triều Tiên đã mấp mé bờ vực chiến tranh và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chiến lược của Moscow, nhưng Nga khi đó ít có tác động đòn bẩy đối với Bắc Triều Tiên và có rất ít ảnh hưởng với Hàn Quốc.
Sáng kiến ngoại giao của Nga đạt được trong các hiệp định tháng 8/2011 giữa Kim Jong-il và Medvedev. Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng mở một tuyến đường sắt xuyên bán đảo Triều Tiên nối với vùng Siberia của Nga (TKR-TSR) và một đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc.
Bắc Triều Tiên có thể thu thuế đối với khí đốt Nga đi qua lãnh thổ của mình và tận dụng nguồn khí đốt này như năng lượng thay thế năng lượng hạt nhân trong tương lai. Seoul rất thích ý tưởng này vì nó cho phép Hàn Quốc đầu tư sang miền Bắc mà không phải từ bỏ các biện pháp trừng phạt trước đó.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang khiến cả Bắc Kinh lẫn Moscow bất mãn. |
Chính sách này đã được công bố và nó đã làm giảm căng thẳng. Trong khi với Nga, hiệp định đã mang lại hy vọng nâng cao vị thế và tiếng nói vốn dĩ khá nhẹ của Nga trong các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên, đồng thời lại tạo đòn bẩy cho cả 2 miền bán đảo giảm căng thẳng.
Nga thậm chí đã xoa nợ cho Bắc Triều Tiên như một phần của thỏa thuận này. Tuy nhiên suốt 2 năm sau đó không có gì tiến triển từ Bắc Triều Tiên về các hiệp định đã đạt được với Nga năm 2011.
Sự thất vọng của Moscow với Bình Nhưỡng thể hiện rõ nhất khi gần đây Tổng thống Vladimir Putin khi tham dự diễn đàn APEC tại Bali, Indonesia đã tuyên bố sẵn sàng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển trực tiếp từ Nga qua Hàn Quốc mà không phải quá cảnh Bắc Triều Tiên.
Kể cả các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt xuyên quốc gia, ông Putin không hề nhắc tới sự tham gia của Bình Nhưỡng, điều này báo hiệu sự không hài lòng rõ rệt của Kremlin với Triều Tiên.
Cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov tuyên bố rằng Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết quan hệ 2 miền Triều Tiên bằng cách phát triển quan hệ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc mà không phải Bắc Triều Tiên.
Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Aleksandr Zhebin của Trung tâm Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga gần đây nhận xét, Bắc Triều Tiên trong quá khứ thường tự hành động mà không đếm xỉa đến lợi ích của Nga, điều này lại xảy ra lần nữa với chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Putin ký lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên, dấu hiệu cho thấy Moscow đã dần mất kiên nhẫn với Bình Nhưỡng. |
Nhà nghiên cứu này cảnh báo, mức độ hỗ trợ và những gì Bắc Triều Tiên có thể mong đợi từ Nga rõ ràng phải tương ứng trực tiếp với sự sẵn sàng của Bình Nhưỡng trong việc tham khảo ý kiến Moscow trong các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh của Nga. Cảnh báo này là một dấu hiệu của sự thất vọng của Moscow đối với Bình Nhưỡng.
Một sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách của Nga đối với Bắc Triều Tiên khi trong tháng qua ông Putin đã ký một sắc lệnh mở rộng lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên và đặt các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng vào phạm vi "cực kỳ cảnh giác" sau 2 năm Moscow đã nỗ lực hết sức mà vẫn không có tác động ảnh hưởng nào đáng kể đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó không ai biết chắc chắn lý do tại sao bây giờ Bắc Triều Tiên lại có hành động đối kháng với Trung Quốc, thậm chí cả với Nga. Moscow hiện tại không phải là nước tiếng nói có trọng lượng nhất trong các cuộc đàm phán 6 bên, hành động gần đây của Nga cho thấy rằng Moscow đã bắt đầu để ý nghiên cứu tình hình chiến lược trên toàn bán đảo Triều Tiên với những lo âu năm 2014 có thể là 1 năm nguy hiểm ở bán đảo này.