Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn?

03/07/2016 14:09
Nguồn: chinhphu.vn
(GDVN) - Kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong đó điều kiện quan trọng hàng đầu là vốn.

Giá trị tài sản trong báo cáo tài chính là giá trị sổ sách, không phản ánh đúng giá trị tài sản thực tế của doanh nghiệp (DN). Do vậy, nếu dựa vào số liệu về vốn trong báo cáo tài chính để xác định vốn thực của DN đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không là không có cơ sở chắc chắn, khi có rủi ro sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Liên quan đến việc lấy góp ý của DN về Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tại cuộc họp giữa các hãng hàng không và Cục Hàng không Việt Nam mới đây, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư đã có kiến nghị về vấn đề xác định vốn thực của DN đầu tư cho lĩnh vực này.

Vị chuyên gia này cho rằng, Khoản 1, Điều 4, Dự thảo Nghị định (do Bộ GTVT soạn thảo đang trình Chính phủ xem xét, ban hành) đã “nới lỏng” điều kiện về vốn trong cấp phép kinh doanh hàng không.

Cụ thể, nội dung dự thảo cho phép DN kinh doanh vận chuyển hàng không được sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán của kỳ báo cáo liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn.

Theo chuyên gia, quy định này có thể gây tranh cãi bởi kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù, liên quan mật thiết đến an ninh quốc phòng và sinh mạng của khách hàng; là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong đó điều kiện quan trọng hàng đầu là vốn.

Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines xin nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã “bác” đề xuất này bởi Vietstar Airlines chưa đủ điều kiện về vốn. Ảnh minh họa: Báo Giao thông vận tải.

Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines xin nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã “bác” đề xuất này bởi Vietstar Airlines chưa đủ điều kiện về vốn. Ảnh minh họa: Báo Giao thông vận tải.

Mặt khác, thực tế cho thấy, kinh doanh hàng không trên thị trường nội địa thời gian qua, nhiều hãng hàng không tư nhân đã phải bỏ cuộc khi không đủ tiềm lực tài chính để chịu lỗ vài ba năm.

Nhằm hạn chế tình trạng DN không có năng lực, ngừng hoạt động hoặc mua bán giấy phép, tạo nên hệ lụy  cho người dân và nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Trong đó quy định rõ: DN khai thác dưới 10 máy bay phải có vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Trường hợp góp vốn bằng tiền phải có văn bản của ngân hàng xác nhận khoản tiền tương đương phong tỏa tại ngân hàng. Trường hợp vốn góp bằng tài sản, bất động sản (BĐS) phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, BĐS. 

Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn? ảnh 2

Bộ Tài chính tái khẳng định chưa đủ cơ sở cấp phép cho Vietstar Airlines

(GDVN) - Bộ Tài chính khẳng định, điều kiện vốn của Vietstar Airlines chưa đáp ứng đúng theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn? ảnh 3

Lộ diện "miếng mồi béo bở" trong kế hoạch góp vốn của Vietnam Airlines

(GDVN) - 145,2 ha đất quốc phòng tại ba sân bay sẽ đem lại cơ hội kiếm tiền bạc tỷ cho Vietnam Airlines và Vietstar Airlines chỉ là tấm bình phong?

Thời gian qua, có DN xin cấp phép kinh doanh hàng không song không đáp ứng điều kiện về vốn (thiếu vốn, không có văn bản xác nhận vốn hợp lệ) nên đã không được cấp phép. DN từng nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 để thay thế văn bản xác nhận vốn và xin được có “ngoại lệ”: Bổ sung vốn sau khi được cấp phép.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ Tài chính “bác bỏ”.

Ngay sau đó Chính phủ cũng ra thông báo khẳng định không có ngoại lệ trong cấp phép hàng không; báo cáo tài chính không được áp dụng thay thế văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị định 30 nói trên.

Về lý do không thể dùng báo cáo tài chính thay thế văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng, theo luật sư Lê Đình Vinh (Giám đốc Công ty Luật Vietthink), báo cáo tài chính đã được kiểm toán (kể cả trong trường hợp không có ý kiến ngoại trừ), chỉ phản ánh tổng nguồn vốn của DN chứ không thể hiện được nguồn vốn thực tế mà DN sẽ đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không. Vì nguồn vốn và tài sản của DN được phân bổ cho rất nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh khác nhau của DN.

Hơn nữa, giá trị tài sản trong báo cáo tài chính là giá trị sổ sách, không phản ánh đúng giá trị tài sản thực tế của doanh nghiệp.

Do vậy, nếu dựa vào số liệu về vốn trong báo cáo tài chính của DN để xác định vốn thực của DN đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không là không có cơ sở chắc chắn. 

Nếu DN có vốn bằng tiền hoặc tài sản thực như trên báo cáo tài chính thì DN có thể làm các thủ tục xác nhận vốn như quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Nghị định chứ không dùng báo cáo tài chính để xác nhận.

Vị chuyên gia trên cũng cho rằng, việc sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn của DN kinh doanh vận chuyển hàng không là không phù hợp. Đây là vốn vay, vốn huy động không thể thay thế cho vốn chủ sở hữu của DN đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không.

Cũng cần nói thêm rằng, trước đây, tại Điều 19 Thông tư 26/2009/TT-BGTVT từng có quy định DN đang hoạt động hàng không có thể sử dụng báo cáo tài chính của DN có kiểm toán tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép.

Tuy nhiên, Thông tư  26/2009/TT-BGTVT đã bị bãi bỏ từ ngày 1/3/2015 và việc quy định văn bản xác nhận vốn như Điều 9, Nghị định 30/2013 chính là nhằm hạn chế tình trạng DN không có năng lực, không đủ tiềm lực tài chính vẫn xin giấy phép để mua bán, chuyển nhượng hoặc tham vọng bay song sau đó không đủ tiềm lực tài chính phải ngừng bay, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân và nền kinh tế, ảnh hưởng xấu tới thị trường.

Chính phủ mới đây cũng tái khẳng định kinh doanh hàng không là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến quốc phòng, an ninh và sinh mạng hành khách vì vậy phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh nhượng quyền vận chuyển hàng không nội địa. Do vậy, việc “nới lỏng” điều kiện về vốn, đề xuất DN được dùng báo cáo tài chính đã kiểm toán thay văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng là không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ./.

Nguồn: chinhphu.vn