Câu chuyện cảm động về người bố nông dân đưa con đi thi ĐH

07/07/2011 03:49
(GDVN) - Hết kỳ thi, hai bố con lại đi bộ ra bắt xe về quê. Bố bảo con về nhanh còn đi cấy, một mình mẹ nắng nóng này khổ lắm.

(GDVN) - Nhìn đôi chân bước cao, bước thấp của bố khi lên ô tô về quê mà nước mắt con lăm dài. Con ước mình có thể kiếm thật nhiều tiền giúp bố.

{iarelatednews articleid='3528'}

Bố ơi, nhà mình nghèo, nghèo thật. Không chỉ nghèo, nhà mình còn mang tiếng là đẻ toàn con gái. Con biết chuyện con trai, con gái cũng khiến bố áy náy với tổ tiên. Bố sợ sau này sẽ không có người hương khói cho gia tộc nhà mình.

Món quà chúng con mang lại cho bố mẹ duy nhất chỉ là những tờ giấy khen. Ba chị em con lần lượt lớn lên đi học cấp 3. Lúc đó, ở làng mình có mấy người cho con đi học. Nhiều người còn mắng bố mẹ “đã nghèo còn sĩ cho con học lắm thì cũng chỉ về đi cày”.

Chị con thi đỗ đại học nhưng cũng không thể đến trường vì năm đó mẹ bị ốm. Thế rồi chị đành bỏ ước mơ giảng đường đi làm công nhân giúp đỡ gia đình. Mẹ con yếu nên nỗi nhọc nhằn in đậm trên vai bố. Bố già đi so với những người bằng tuổi bố ở quê.

Đến lượt con đi thi đại học, bố cũng bỏ việc cày cấy dẫn con lên Hà Nội thi. Con nhớ, ngày đó, thời tiết cũng nắng gắt như bây giờ. Hai bố con mỗi người một túi ni lông đựng quần áo xách lên xe. Lúc lên xe người lơ xe cầm túi của bố con mình nhét vào gầm ghế xe khiến cái túi bị rách, quần áo của hai bố con bị lấm bẩn.  Xe chật quá, người ta dẫm cả vào mấy bộ quần áo nhăn nhó của bố con mình.

Một phụ huynh tất tả đến đón con tại địa điểm thi trường Tiểu học Mễ Trì, Hà Nội
Ảnh minh họa: Bố đưa con cuốc bộ đến trường thi
Đến Hà Nội, bố xin người bán bánh mì được cái túi lành hơn, gom hết quần áo lại. Bố ôm bọc đồ, con lũn cũn theo sau. Bố con mình đi bộ về địa điểm thi. Mặc dù điểm thi chỉ cách bến xe có 3km. Bố không có tiền đi xem ôm nên nói “gần lắm con, mình đi bộ để ngắm thủ đô”.  Lúc đó, con say xe nên mệt lắm nhưng cũng không dám nói với bố. Đi theo sau bố, con nhìn cái dáng người gày guộc, nhỏ bé của bố mà trong lòng con đau nhói.

Vào đến ký túc xá, bố thuê phòng, hai bố con ở. Tiền thuê phòng chỉ có 80 nghìn đồng. Bố móc mãi mới thấy tiền khiến người quản lý ký túc xá nhăn mặt nhìn bố con mình tỏ ý chê bai. Lúc đó, tim con đau nhói.

Ba ngày ở trên Hà Nội nhưng lòng bố thấp thỏm đàn lợn ở nhà bị ốm và cấy hái đã vào vụ. Hết kỳ thi, hai bố con lại đi bộ ra bắt xe về quê. Bố bảo con về nhanh còn đi cấy, một mình mẹ nắng nóng này khổ lắm.

Mùa thi năm đó, con được 26,5 điểm, cao nhất trong những thí sinh cùng đi thi ở trong xã. Bố vui mừng và đi thông báo cho làng xóm, láng giềng. Mừng thật đấy, nhưng con biết những đêm sau là đêm bố mẹ mất ngủ để lo tiền cho con nhập học.
Phụ huynh đưa con đi thi dưới cái nắng gay gắt
Trong khi các phụ huynh khác đưa con đi thi bằng xe máy...
Ngày con lên Hà Nội nhập học, bố mang cái giấy hộ nghèo để con được vào ký túc xá ở. Lần này, bố con mình “sang  trọng” hơn là không còn phải gói quần áo vào túi ni lon mà đã có một cái hòm tôn nhỏ. Một tay bố xách túi gạo, tay kia bố xách cái hòm tôn lệch hết cả người.

Vào phòng nhập học, bố mẹ của bạn bè ai cũng sang trọng, chỉ có bố con quần ống cao, ống thấp, áo còn rách ở vai chưa kịp khâu. Lúc đó, con đã hứa sau này con sẽ kiếm nhiều tiền để giúp bố mẹ, khi con đi làm con sẽ mua áo tặng bố đầu tiên.

Ở trong ký túc, không được nấu cơm nên bố lại xách túi gạo về cho mẹ. Bố xách túi gạo ra về, con đứng từ cổng trường nhìn bố mà nước mắt con lăn dài trên má. Hình ảnh người bố ám ảnh con suốt năm tháng sinh viên.

Mới đó mà đã 6 năm rồi, con đã ra trường và đi làm. Người ta nói số con may nên có việc làm tốt, ổn định. Còn con nghĩ tất cả là nhờ bố mẹ. Con đã có tiền gửi về cho bố sửa nhà, gửi cho bố nuôi em con học tiếp.

Năm nay, em con thi đại học, bố cũng đưa em lên. Không còn lếch thếch như ngày bố con mình lên thủ đô nữa nhưng hình dáng bố vẫn nhỏ bé và già hơn. Dáng bố vẫn thập thễnh đi trên đường Hà Nội. Bố muốn trực tiếp đưa các con của bố đi thi nên vất vả, nắng nóng với bố không thấm vào đâu cả. Đứa con nào bố đưa đi thi cũng đỗ đại học cả nên bố không muốn nhường em út để mẹ đưa đi.

Kỳ thi kết thúc, bố lại tất tả ra về để gặt lúa trong cái nắng gắt của bầu trời Hà Nội. Bố lên xe, hai chị em con cứ nhìn theo bố. Hai chị em con lại nhìn nhau khóc “thương bố lắm, bố ơi”.

Huyền Trang (Thái Bình)