Chuyên gia Nhật hiến kế ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam

04/11/2012 08:31
Diện Hứa
(GDVN) - Về vấn đề nghiên cứu ứng phó với những diễn biến của biến đổi khí hậu, đã diễn ra nhiều chương trình hợp tác quốc tế, có nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam để cùng nghiên cứu vấn đề này.  Báo chí đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Nhật Bản Naoki Mori – Cố vấn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) tại Việt Nam.

Phóng viên:
Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến vấn đề môi trường ở Việt Nam. Theo ông, những việc Việt Nam cần làm để chống biến đổi khí hậu là gì? Khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là gì?

Chuyên gia Naoki Mori:  Trước những tác động của biến đổi khí hậu, theo tôi cần đối phó theo 3 mức: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, cần tập trung giúp đỡ cộng đồng, giúp họ tránh được những thiên tai. Đây là hành động mang tính cấp bách để đối phó với các hiện tượng bão, lũ... xảy ra hàng năm. Mức trung hạn (3-5 năm), những hành động cần làm ở giai đoạn này là thu thập thông tin, dữ liệu (chẳng hạn thông tin liên quan đến mực nước biển dâng...) để từ đó có những kế hoạch xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho phù hợp.

Chuyên gia Nhật Bản Naoki Mori – Cố vấn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) tại Việt Nam.
Chuyên gia Nhật Bản Naoki Mori – Cố vấn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) tại Việt Nam.
Mức dài hạn (20-50 năm), giai đoạn này cần có những phân tích về các kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên – Môi trường đưa ra. Chẳng hạn, việc mực nước biển dâng có thể lên tới 50cm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như thế nào. Do vậy, để chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn, những kế hoạch về tái sử dụng đất, tái định cư cho người dân cần phải làm từ ngay bây giờ.

Song để làm được những điều trên, Việt Nam cần phải phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực ở các địa phương là rất quan trọng. Cán bộ và người dân địa phương cần phải được nâng cao kĩ năng, nhận thức để đối phó với các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước, từ quốc tế (Quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu, Quỹ Khí hậu xanh, hay từ các nguồn viện trợ phát triển ODA...) và cả nguồn tài chính tư nhân.

Về khó khăn, có rất nhiều, nhưng thách thức lớn nhất là nghèo đói của các quốc gia trong quá trình chống lại biến đổi khí hậu, thông thường những người nghèo dễ bị tổn thương hơn rất nhiều khi thiên tai sảy ra. Vì họ  không  có năng lực thích ứng và bảo vệ bản thân. Với thực tế của Việt Nam  thì cần có biện pháp thích ứng hơn là giảm thiểu. Bên cạnh đó thì nhận thức rất quan trọng. Nếu muốn xây dựng mô hình thích ứng thì cần thiết phải có kế hoạch dài hạn , các cấp lãnh đạo cần phải nhận thức đúng để đánh giá được hiệu quả của các dự án đang được xây dựng cho tương lai.

- Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam cần phải đi kèm với tăng trưởng phát triển bền vững và “kinh tế xan”, để đạt được mục tiêu này thì Việt Nam cần phải làm gì thưa ông?

Một nền kinh tế ít cacbon sẽ mang lại rất nhiều lợi ích song hành, như là một môi trường trong sạch, sức khỏe tốt hơn cho người dân. Những tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp cũng được giảm  thiểu. phát triển bền vững tạo ra lợi ích đáp ứng nhu cầu của thể hệ hiện tại  đồng thời không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Để đạt được mục tiêu như bạn nói, thì chúng ta cần phải xây dựng kiểu mô hình ứng phó lồng ghép, quản lý rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nền kinh tế, điều hòa mục tiêu ngắn hạn.

- Ông có thể giới thiệu một vài dự án cụ thể liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu mà Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam? Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ có thêm kế hoạch, dự án để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu nữa hay không?

Hiện tại, các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu mà Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam được thể hiện ở ba lĩnh vực: phát triển cộng đồng, phát triển các chính sách của chính phủ và phát triển cơ sở hạ tầng. Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là một chương trình lớn, thuộc lĩnh vực thứ hai. Mục tiêu của SP-RCC là hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, dự án ưu tiên liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP- RCC) và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Đến nay SP-RCC đã chuẩn bị kết thúc giai đoạn 1 (2009-2012) và đang được chuẩn bị cho giai đoạn 2 (2013-2015). Ở giai đoạn này, các hành động chính sách sẽ được xây dựng đảm bảo tính dài hạn. Chương trình này được Chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ tài chính và hợp tác kỹ thuật. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là hai nhà tài trợ đã khởi xướng và tham gia xây dựng Chương trình SP- RCC. Đến nay, SP-RCC đã có thêm sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác.

Các chương trình, dự án về biến đổi khí hậu mà Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện được xây dựng đến năm 2020. Điều này có nghĩa không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà tương lai Nhật Bản sẽ vẫn có nhiều kế hoạch cùng với Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Xin cảm ơn ông!

Diện Hứa