Doanh nghiệp dựa dẫm vào tâm linh, kiếm tiền nơi cửa Phật

06/03/2019 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, Nhà nước không thể bỏ tiền giải phóng mặt bằng, xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng... để doanh nghiệp hưởng lợi.

Một nghịch lý được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, trong khi ở nước ngoài, doanh nghiệp đổ tiền vào đầu tư các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, nhưng Xuân Trường lại mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng vào những siêu dự án có gắn với yếu tố tâm linh.

Với tâm niệm sống "đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời" bởi vậy, câu hỏi đặt ra phải chăng ông chủ của Xuân Trường muốn có gì đó để đời như là một cách “ghi danh” cho mình bằng các siêu dự án (luôn có chùa đi kèm) quy mô lớn?

Nếu chỉ dừng lại ở các ngôi chùa lớn đã xác lập kỷ lục thế giới như chùa Bái Đính (Ninh Bình) với những kỷ lục châu Á hay chùa Tam Chúc (Hà Nam) ngôi chùa lớn nhất thế giới được quảng cáo là kiệt tác kiến trúc về đá… nhiều người sẽ nghĩ Xuân Trường làm vì cái tâm và muốn để lại cái gì đó cho đời.

Doanh nghiệp dựa dẫm vào tâm linh, kiếm tiền nơi cửa Phật ảnh 1Đại gia Xuân Trường bán vé dân đi lễ Phật, sao lại đóng dấu Giáo hội Phật giáo?

Tuy nhiên, những gì diễn ra cũng như nhìn vào quy mô, các hạng mục của những siêu dự án Xuân Trường thực hiện thì dường như không phải vậy.

Doanh nghiệp đang biến chùa chiền thành nơi bị thương mại hóa thông qua các công trình phụ trợ như khách sạn, sân golf, khu vui chơi nghỉ dưỡng, casino…

Như tại chùa Bái Đính, người dân, du khách đến lễ phật phải trả đủ các loại phí, vé do doanh nghiệp lập ra.

Ngay từ khi vào cổng, ô tô phải trả 40 nghìn đồng, xe máy 15 nghìn đồng.

Bãi gửi xe cách xa chùa tới gần 4km, buộc du khách muốn đến lễ Phật phải bỏ ra 60 nghìn đồng mua vé xe điện hai chiều, vì không thể đi bộ liên tục gần 8km.

Thậm chí tới nơi thì còn phải trả thêm 50 nghìn đồng nữa mới được vào bảo tháp lễ Phật. Vé thì do Xuân Trường phát hành, nhưng lại có dấu mang dòng chữ "Giáo hội Phật giáo..." là rất mập mờ.

Hay tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng vậy, dù đang thi công dang dở, nhưng đã mở cửa cho du khách vào… và cũng áp dụng thu phí để xe và đi xe điện như ở chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, phải xem lại một cách nghiêm túc việc đầu tư những dự án du lịch gắn với tâm linh trên cả nước. Ảnh: Quốc Hội
Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, phải xem lại một cách nghiêm túc việc đầu tư những dự án du lịch gắn với tâm linh trên cả nước. Ảnh: Quốc Hội

Một số siêu dự án gắn với Xuân Trường như  quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Ba Sao - Tam Chúc (Hà Nam); Khu du lịch tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

Không ít chuyên gia cảnh báo nếu không siết chặt việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch (ở nơi có chùa, có yếu tố tâm linh) sẽ tạo cuộc đua mới tại các địa phương. Cái bắt tay giữa địa phương và doanh nghiệp sẽ gây ra lãng phí rất lớn nguồn lực của xã hội.

Bởi vì nó không tạo ra những lợi ích cụ thể cho những người thụ hưởng và sử dụng ngoại trừ những người đi du lịch kết hợp vào đền chùa, những nơi tâm linh. Thay vào đó người dân cần các công trình dân sinh phục vụ cộng đồng như trường học, bệnh viện, cầu cống... để nâng cao đời sống. Khi bỏ tiền ra xây dựng những công trình như thế mới thực sự vì nhân dân, vì đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ sự lo ngại trước việc cho phép doanh nghiệp đầu tư những dự án du lịch có gắn với chùa chiền, khu tâm linh quy mô rất lớn một cách tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Các cơ quan Trung ương, bộ ngành phải thận trọng, cân nhắc, xem xét, đánh giá lại những lợi ích thực sự mà dự án du lịch (gắn với chùa, tâm linh) mang lại cho địa phương, nhân dân.

Ông Thuyền cho rằng: “Người dân đến các cơ sở thờ tự, điểm tâm linh là nhu cầu tất yếu, nhưng lợi dụng để kinh doanh, bán vé, thu phí không chỉ phản cảm mà còn không đảm bảo quyền lợi của người dân.

Như Thiền viện trúc lâm Đà Lạt, người dân tự do ra vào chùa để lễ phật mà không hề có các dịch vụ thu phí, bán vé nào. Phương tiện của người dân đến cũng được gửi miễn phí.

Nhưng một số khu du lịch gắn với tâm linh do doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư xây dựng, trong đó có chùa chiền có rất nhiều những dịch vụ nhằm bán vé, thu phí của người dân đến lễ chùa. Như vậy, người nghèo làm sao vào chùa lễ phật được.

Điều mà người dân lo ngại đó là doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào các dự án tâm linh nhằm mục đích gì? Nếu doanh nghiệp lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh, thương mại hóa nơi cửa phật là không chấp nhận được”.

Du khách đến chùa Bái Đính phải sử dụng dịch vụ xe điện 2 chiều giá 60 ngàn đồng để vào lễ phật, vì quãng đường gần 4km một chiều. Ảnh: Vũ Phương.
Du khách đến chùa Bái Đính phải sử dụng dịch vụ xe điện 2 chiều giá 60 ngàn đồng để vào lễ phật, vì quãng đường gần 4km một chiều. Ảnh: Vũ Phương. 
Phục vụ du khách thập phương về lễ phật, ngay cạnh chùa Bái Đính còn có khu dịch vụ khách sạn Bái Đính, quán cafe Chuông Gió. Ảnh: Vũ Phương.
Phục vụ du khách thập phương về lễ phật, ngay cạnh chùa Bái Đính còn có khu dịch vụ khách sạn Bái Đính, quán cafe Chuông Gió. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, phải làm rõ và công khai, minh bạch những dự án khu du lịch (ở nơi có chùa, có yếu tố tâm linh) đầu tư như thế nào, vốn công, vốn doanh nghiệp ra sao.

Điều quan trọng là tránh việc nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, xây dựng đường xá, cầu cống, cơ sở hạ tầng… doanh nghiệp chỉ việc xây dựng các hạng mục công trình rồi hưởng lợi.

“Nếu nhà nước bỏ tiền là chủ yếu vào các khu du lịch ấy thì cần phải xem lại trình tự thủ tục đầu tư có đúng theo pháp luật hay không?

Hơn nữa, các dự án này đều sử dụng nguồn quỹ đất rất lớn lên đến nhiều ngàn héc-ta, bởi vậy phải làm rõ việc cấp đất cho nhà đầu tư đã đúng các quy định pháp luật không?”, ông Thuyền đặt vấn đề.

Để được ghi danh vào một ô để tượng phật như thế này, người dân phải chi 10 triệu đồng cung tiến. Ảnh: Vũ Phương.
Để được ghi danh vào một ô để tượng phật như thế này, người dân phải chi 10 triệu đồng cung tiến. Ảnh: Vũ Phương.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn héc-ta đất giao cho nhà đầu tư làm dự án khu du lịch gắn với chùa chiền, tâm linh cũng nên xem xét lại.

Nguồn lực đất đai đó để dành phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho đất nước.

Đặc biệt cần chú ý là ở các khu vực đất đai giao cho doanh nghiệp có cả di sản, kỳ quan thiên nhiên mà UNESCO công nhận phải tính toán đầu tư một cách hiệu quả nhất, mang lại nguồn lợi lớn nhất cho nhà nước và nhân dân chứ không thể để rơi hết vào túi doanh nghiệp.

“Văn hóa, đời sống tâm linh là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Hiến pháp đã quy định nhân dân có quyền tự do tôn giáo theo hoặc không theo.

Tuy nhiên, nếu nhà nước bỏ tiền đầu tư thì phải công bằng như chùa, nhà thờ... nhưng theo tôi những nơi thờ tự tín ngưỡng thì để nhân dân tự đầu tư.

Còn để doanh nghiệp đầu tư sẽ mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh, thậm chí biến tướng thành nơi kinh doanh nhằm thu tiền”, ông Thuyền nói.  

Vũ Phương