Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về "mê tín dị đoan"

06/06/2019 13:58
Kiến Văn
(GDVN) - “Các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm", Phó Thủ tướng nói.

Sáng nay tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, trong đó có vấn đề lợi dụng tôn giáo để truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan.

Phó Thủ tướng khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

“Các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo”, ông Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội sáng 6/6. ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội sáng 6/6. ảnh: quochoi.vn

Theo Phó Thủ tướng, xét trên giác độ văn hóa thì mỗi tôn giáo khi vào Việt Nam đều có sự ảnh hưởng qua lại tới truyền thống văn hóa của người dân. Ví dụ, khi Phật giáo vào Việt Nam, có nhiều tín ngưỡng của Việt Nam dần dần có sự dung hòa với truyền thống thờ tổ tiên, tín ngưỡng đạo mẫu của người dân. Vì vậy, khi nói về giáo pháp, thực hành tín ngưỡng thì cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Đây là niềm tin của một bộ phận lớn của người Việt Nam nên cần tôn trọng. Trong quá trình đó với truyền thống, tín ngưỡng cần được chỉ ra và vận động để loại bỏ dần. Trong đó rất cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo.

Lừa bịp, truyền bá mê tín dị đoan đẩy người dân vào vòng đau khổ
Lừa bịp, truyền bá mê tín dị đoan đẩy người dân vào vòng đau khổ

“Mê tín dị đoan, suy cho cùng đó là sự thiếu hiểu biết. Cần chú trọng giáo dục để nâng cao dân trí. Cần có sự phân tích có tình, có lý của những người nghiên cứu về tôn giáo, về văn hóa để lan tỏa cái tốt và hạn chế cái xấu”, ông Đam đánh giá.

Theo Phó Thủ tướng, có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hoá.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương, phân tích cặn kẽ trên giác độ văn hoá về những việc tốt, những việc chưa tốt, chưa đúng để mọi người cùng nhân cái tốt lên và giảm cái xấu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Chúng ta hãy cùng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới”.

Trước đó tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện từ chiều 5/6 đến sáng 6/6, nhiều đại biểu quốc hội đã đặt ra thực tế mê tín dị đoan xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước.

Cử tri rất bức xúc hành vi lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, bằng các thủ đoạn lừa bịp, một số nơi như buôn thần, bán thánh, bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vô căn cứ qua các hình thức dâng sao giải hạn, đóng tiền gọi vong, trả nợ tiền kiếp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân để trục lợi.

Mặc dù, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, tuy nhiên chưa đủ sức răn đe, đủ sức mạnh để xử lý tệ nạn này. Theo báo cáo của bộ, nguyên nhân này là do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật có địa vị pháp lý cao hơn.

Vậy giải pháp cụ thể của Bộ trưởng là gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: "Nguyên nhân của mê tín dị đoan có rất nhiều như tác động của mặt trái cơ chế thị trường lan truyền nhanh chóng những hành vi lệch lạc trong thực hành tín ngưỡng, do thói quen chưa thay đổi, do kẻ xấu lợi dụng, do trình độ dân trí.

Đây là vấn đề cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội, nhưng không thể giải quyết được trong thời gian ngắn nên chúng ta phải kiên trì xử lý việc này. Trước hết phải tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

Hiện nay có nhiều pháp luật liên quan đến vấn đề này, nhưng chúng tôi rà lại không có văn bản nào điều chỉnh riêng về vấn đề này, đại biểu nói đúng, như Luật Tôn giáo tín ngưỡng, Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Hình sự, Nghị định 158 quy định xử phạt hành chính, Nghị định 159... chúng tôi đang suy nghĩ xem có văn bản nào thống nhất xử lý chuyên về vấn đề mê tín dị đoan hay không?

Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy hiểm của mê tín dị đoan, vạch trần thủ đoạn, xử lý nghiêm và xác định rõ vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi pháp luật.

Đặc biệt, chúng ta quan tâm đến nâng cao đời sống của người dân, văn hóa tinh thần của người dân. Có thể đây là vấn đề phát sinh ra mê tín dị đoan nếu đời sống khó khăn, chữa bệnh không được thì đây là một trong những lý do. xây dựng các công trình văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần người dân".

Kiến Văn