Ít ngày sau khi xảy ra vụ tượng nàng Tô đổ sụp, có một người đã lặn lội mò đến hiện trường để nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến tượng bị đổ. Đó là ông Trương Hoàng Phương, giảng viên Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm TP HCM, lúc đó đang học thạc sĩ tại Hà Nội. Những kết quả nghiên cứu của ông đã khiến nhiều người choáng váng.“Tội đồ” phá tượng là … cơn mưa
Tóm tắt kỳ 1
Chiều một ngày giữa năm 1991, sau một cơn mưa tầm tã, một tiếng nổ đánh “ầm” trên núi Vọng Phu và tượng nàng Tô Thị đổ sụp tan tành xuống chân núi. Nghi ngờ biểu tượng văn hóa nổi tiếng này bị đặt mìn lấy đá nung vôi, công an Lạng Sơn đã bắt hai người đàn ông sống dưới chân núi và sau đó ít ngày thả khi có nhà khoa học chứng minh tượng đá bị đổ không có bàn tay phá hoại của con người. Khi bị bắt và khi thả hai “tội đồ”, công an đều không có quyết định nào, bỏ ngoài tai những lời kêu oan của họ.
Chiều một ngày giữa năm 1991, sau một cơn mưa tầm tã, một tiếng nổ đánh “ầm” trên núi Vọng Phu và tượng nàng Tô Thị đổ sụp tan tành xuống chân núi. Nghi ngờ biểu tượng văn hóa nổi tiếng này bị đặt mìn lấy đá nung vôi, công an Lạng Sơn đã bắt hai người đàn ông sống dưới chân núi và sau đó ít ngày thả khi có nhà khoa học chứng minh tượng đá bị đổ không có bàn tay phá hoại của con người. Khi bị bắt và khi thả hai “tội đồ”, công an đều không có quyết định nào, bỏ ngoài tai những lời kêu oan của họ.
Qua khảo sát, thạc sĩ Phương thấy rằng vết trượt của bức tượng sau khi đổ có đường cắt chéo 45 độ, trước đó tượng đứng chênh vênh ở một mép đá và sau khi bị đổ, hiện trường không thấy dấu hiệu gì của sự phá hoại. Từ những kết quả quan sát được, ông Phương đã âm thầm đi tìm nguyên nhân của sự cố và nhận ra đá vôi Lạng Sơn tuổi Carbon Perme (cách nay 362,5 – 245 triệu năm) là một loại tinh khiết với thành phần CaCO3 thuần nhất. Loại đá này bị hòa tan mạnh do tác dụng của nước và tạo ra các dạng địa hình karst (hiện tượng mà thành ngữ Việt Nam gọi nôm na là “nước chảy đá mòn”). Khối đá tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hòa tan không đều của các lớp đá vôi, lại có độ nghiêng lớn nên khi hiện tượng karst xảy ra, nó đẩy bức tượng tự nhiên này trượt xuống vách núi. Trận mưa lớn chiều ngày 27/07/1991 chính là “giọt nước làm tràn ly”, trực tiếp tạo ra sự cố này. Thạc sĩ Phương nhớ lại, ngày ấy ông cố gắng đi tìm lời giải cho sự việc tượng nàng Tô bị đổ không chỉ để minh oan cho những người vô tội, để không những họ mà cả con cháu họ được sống thanh thản, không bị ám ảnh bởi tội lỗi tày đình không có thật. “Quan trọng hơn cả, tôi muốn cho du khách thập phương, đặc biệt là du khách quốc tế biết rằng, một di tích đẹp của chúng ta bị mất đi không phải do sự phá hoại của người dân, mà do sự phá hoại của tự nhiên”, ông Phương nói.
Nàng Tô Thị vừa được dựng lại bằng đá xanh |
Sau khi bị đẩy vào trại giam, ông Quyết bị ngồi tù hơn một tháng thì được trả tự do, và “đồng phạm” còn lại ngồi tù khoảng sáu tháng. Khi được trả tự do thì hai ông ra về trong lặng lẽ, dư luận không ai biết, không có một giấy tờ tạm giam, tạm tha hay thủ tục nào khác. “Đến khi họ thả, họ bảo về thì tôi về thôi, chẳng có văn bản gì”, ông Quyết nói. Ngay sau khi tượng nàng Tô bị đổ, cơ quan chức năng tỉnh đã khôi phục lại bức tượng. Bức tượng không còn đẹp như xưa, nó là một khối đá được chắp vá, gắn kết lại bằng xi măng nham nhở. Đã 20 năm trôi qua kể từ khi bị kết tội “tày đình”, ông Quyết kể lại không lúc nào mình thanh thản bởi nỗi oan ức quá lớn. Từ ngày ấy, ông ở dưới chân núi nàng Tô Thị ngày đêm tự minh oan cho mình. Căn nhà cấp bốn của ông nằm ngay dưới chân núi nên ông mở một quán trà đá nhỏ ven đường. Ngay phía trên chỗ ông ngồi khoảng 60m là tượng nàng Tô. Nhiều du khách đến thăm quần thể di tích động TamThanh, thành nhà Mạc và nàng Tô Thị, thấy tượng không đẹp như lời trong thơ ca nên thất vọng. Họ thường ngồi ở quán trà đá ông Quyết để nghỉ ngơi, ấm ức, ngồi uống trà mà chửi bới, nguyền rủa kẻ nào lại đi phá tượng nàng Tô. Những khi như thế, ông Quyết lại từ tốn giải thích, kể lại câu chuyện oan ức đời mình cho du khách nghe. Nhiều người nghe xong xúc động thông cảm cho ông, nhưng cũng có người tưởng ông cố ngụy biện cho mình bởi họ cũng có lý: “Từ khi bị công an bắt và thả ra đến bây giờ ông đã nhận được văn bản công khai xin lỗi nào chưa?”. Buồn này càng buồn hơn, ông lại lọ mọ leo lên chỗ tượng nàng Tô, thắp nén nhang cho “bà” và cầu khấn nỗi oan ức của mình rồi sẽ được hóa giải, để “cầu mong được sự tĩnh tâm, thanh thản”.Chồng mang tội phá tượng, vợ hóa Tô Thị đời thực Dù sao thì đời ông Quyết vẫn còn có may mắn là cùng có người chung hoạn nạn. Đó là ông Hà Văn Điều (SN1967, ngụ thôn Khoòn Lèng, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn), người cùng bị quy kết là “tội đồ giật tượng”. Hai ông vẫn thường ngồi với nhau ở quán trà đá dưới chân núi, tâm sự, chia sẻ những đắng cay. “Bị quy kết cái án nhục nhã là kẻ đê hèn dùng thuốc nổ phá tượng nàng Tô mang đi nung vôi, tôi nhớ mãi về cái ngày đen tôi nhất trong đời”, ông Điều đau đớn. Ông Điều được hàng xóm đánh giá là người chân chất, thật thà, chăm chỉ làm ăn để nuôi bố mẹ già và người anh cả mắc bệnh thiểu năng. Ông không có nghề nghiệp ổn định, ngoài việc cấy cày vài ba sào ruộng, thời gian còn lại để đi làm thuê, làm mướn lấy tiền nuôi cả gia đình. Cũng trong hoàn cảnh ấy, ông cũng như nhiều người dân sống trong vùng, đi khai thác đá gần một tháng tại khu vực núi Vọng Phu, nơi có tượng nàng Tô. “Hồi đó tôi cũng như nhiều người dân ở đây đi khai thác đá dưới chân núi. Chưa được một tháng vì đá ít, lại nhiều người khai thác nên tôi nghỉ luôn việc đập đá, nào ai lại dám đi đập tượng nung vôi”, ông Điều nói. Chiều ngày 27/7/1991, ông đang lọ mọ lắp điện nước cho một gia đình ở thị xã Lạng Sơn. Thế rồi một ngày sau đó, công an đến tận nhà bắt ông lên đồn, sau khi lấy vài lời khai thì đưa vào trại tạm giam. “Khi ấy, tôi cố gắng giải thích, cố gắng trình bày mình vô tội, mình không đập tượng nàng nhưng họ không nghe, họ cứ ép tôi thực hiện theo những gì họ hướng dẫn”, ông Điều nhớ lại. Lúc bị bắt, ông mới cưới vợ được khoảng 5 tháng, vợ lại đang mang bầu, mẹ khi đó già yếu, cả gia đình trông chờ vào sức lao động của ông để sống. Vợ ông cũng vẫn chưa quên chuyện phải “muối mặt” tủi hổ: “Ngày ấy không dám nói chuyện với ai, dân trong vùng ai cũng xôn xao, dị nghị, ra đường là bị chỉ trỏ “cái đứa kia chồng nó phá tượng nàng Tô Thị đấy”. Vì mặc cảm nên khi ấy tôi đã bỏ về nhà mẹ đẻ hai lần, nhưng vì đang mang bầu nên phải cố làm ngơ để tiếp tục sống ở nhà chồng, ngày đêm ngóng chồng về”. Sau khoảng 6 tháng ngồi trong tù, ông Điều được trả tự do, nhưng như lời ông bảo: “Lúc thả không thấy có quyết định, giấy tờ gì, cũng không thấy báo trước, khi họ thả thì tôi về thôi. Lúc ấy chỉ mong nhanh chóng được về nhà với mẹ, với vợ con thôi nên tôi cũng chẳng kiến nghị gì”. Hiện ngày ngày ông chăm chỉ đi lắp điện nước, thông cống, lao động tự do ở khắp các ngõ ngách, vùng quê Lạng Sơn để kiếm tiền nuôi vợ và hai con. Ông bảo rằng: “Giờ tôi không mong muốn gì nhiều, chuyện cũng đã qua từ lâu, nhưng tôi chỉ muốn được trả lại danh dự, không muốn cứ ám ảnh day dứt mãi về nỗi oan ức này.
Hiện tượng Karst (tiếng Đức) là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn. Sự xói mòn không phải do cơ chế lực cơ học, mà chủ yếu là do khí đioxit cacbon (CO2) trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hyđro (H+) tạo thành axit cacbonic.
Theo Pháp luật và thời đại